Trụ cột mới của nền kinh tế

19/07/2019 11:55

Kinh tế tư nhân đang nổi lên như một trong những động lực quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Đầu tháng 5.2019, Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương cùng hơn hai nghìn doanh nghiệp tư nhân cùng ngồi lại để đánh giá toàn cảnh kinh tế tư nhân, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khoá XII và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ.

“Kinh tế tư nhân đang nổi lên như một trong những động lực quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt nam 2019 diễn ra chiều ngày 2.5 tại Hà Nội. Theo số liệu cập nhật từ báo cáo tháng 4.2019 của Ban kinh tế Trung ương, năm 2018 khu vực kinh tế tư nhân trong nước (khu vực kinh tế ngoài nhà nước gồm có kinh tế tập thể, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể) đã tạo ra 42% GDP, 38% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 83% lực lượng lao động cả nước. “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng, đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên động viên nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, từ sâm ngọc linh, đến tôm công nghệ cao, ngành gỗ, ngành lúa gạo, ngành lắp ráp ô tô,…”, Thủ tướng khẳng định. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng”.

Vấn đề đầu tiên mà Thủ tướng chỉ ra là hiện tượng thiếu vắng các doanh nghiệp lớn. “Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam, đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp, nhằm phát huy lợi thế tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho xã hội?”, Thủ tướng đặt ra câu hỏi.

Nghiên cứu “Kinh tế tư nhân Việt Nam - Năng suất và Thịnh vượng” năm 2018 của Tiến sĩ Lê Duy Bình cho thấy, Việt Nam có rất ít doanh nghiệp lớn, chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp hoạt động. Tỉ lệ doanh nghiệp cỡ vừa cũng chỉ chiếm 1,4%. Toàn bộ các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ (21,4%) và siêu nhỏ (75,9%).

Trả lời tạp chí Nhà Quản Lý về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: “Dải phân bổ về quy mô của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đang bị phân cực, với phần đông có quy mô nhỏ, một số ít với quy mô lớn”. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phân tích thêm: “Sự thiếu các doanh nghiệp có quy mô trung bình gây khó cho sự chuyên môn hoá và đầu tư vào công nghệ, vì vậy, kìm giữ năng suất lao động”.

Doanh nghiệp cần đạt quy mô nào đó mới có thể đầu tư được cho khoa học, công nghệ và đáp ứng được những đơn hàng lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. “Phải đạt được quy mô nào đó thì chi phí cận biên (mức chi phí tăng thêm khi sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm) mới nhỏ, cho nên số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ quá lớn sẽ không đủ khả năng để đáp ứng cho chuỗi giá trị toàn cầu”, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nói với Nhà Quản Lý trong một phỏng vấn hồi tháng 4.2019.

Không dừng lại ở vấn đề quy mô, Thủ tướng cho rằng, khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội. “Hai mươi, ba mươi năm trước, thì vốn và máy móc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Ở thời điểm này và những thập kỷ tới đây, thì con người và đổi mới sáng tạo mới là yếu tố trụ cột trong phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói. Ông đồng thời nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến công nghệ, mà liên quan đến tất cả các lĩnh vực khác, như tư duy, suy nghĩ, cách thức chúng ta vận động và sản xuất kinh doanh”.

Nhóm câu hỏi thứ hai Thủ tướng đề cập là làm sao có được đột phá thực sự ở những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2019 đứng thứ 69/190 quốc gia, giảm một bậc so với năm 2018. Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận: “Chúng ta đều biết thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh Việt Nam tuy có nhiều cải tiến, tiến bộ, những vẫn có nhiều rào cản, vướng mắc. Đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới: kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghệ chế tạo, nông nghiệp hữu cơ,…”.

Chia sẻ với Nhà Quản Lý, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng “còn tồn tại nhiều rào cản; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn chậm, chưa đồng điều và chưa thực chất ở một số lĩnh vực”. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra những nguyên nhân do khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cả về nhận thức lẫn khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách cũng như môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, nhiều bất cập; chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, chưa thực chất trên một số lĩnh vực cũng như năng lực nội tại chưa cao của chính khu vực này. Ông Nguyễn Văn Bình nêu lên hiện tượng số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Cụ thể, số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã gia tăng từ 39.000 của năm 2017 lên 63.000 doanh nghiệp vào năm 2018. Do vậy, mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh.

“Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định. Trước câu hỏi về sự kiến tạo của Chính phủ cho nền kinh tế tư nhân phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành cho khu vực này 10 từ khoá quan trọng, đó là “bình đẳng”, “được bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”. Kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực và nhất là tiếp cận thị trường so với các thành phần kinh tế khác. Kinh tế tư nhân được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định Hiến pháp và Pháp luật.

Kinh tế tư nhân được khích lệ đó là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Kinh tế tư nhân được trao cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác làm ăn trong môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi. “Tôi lấy ví dụ chúng ta đang đặt vấn đề đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, chống độc quyền doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, cũng là mở ra một cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng đối với các thành phần kinh tế khác”, Thủ tướng giải thích thêm.

Bài viết: Minh Tâm
Ảnh: Bảo Zoãn
Tạp chí Nhà Quản Lý

Bạn đang đọc bài viết "Trụ cột mới của nền kinh tế" tại chuyên mục Tiêu điểm.