Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Trùm lừa đảo ngông cuồng Alibaba Nguyễn Thái Luyện và sự bất lực của chính quyền

20/09/2019 10:38

Trùm lừa đảo ngông cuồng Alibaba Nguyễn Thái Luyện đã bị bắt, phía sau là nỗi nhức nhối về năng lực quản lý hời hợt, kém cỏi của chính quyền.

Trùm lừa đảo ngông cuồng Alibaba Nguyễn Thái Luyện đã bị bắt, phía sau là nỗi nhức nhối về năng lực quản lý hời hợt, kém cỏi của chính quyền.

Chẳng lấy làm lạ khi “thánh nổ” Nguyễn Thái Luyện bị khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm đã rành rành. Cái lạ ở đây là tại sao Nguyễn Thái Luyện có thể “tác oai, tác quái” ở nhiều tỉnh thành phía Nam suốt mấy năm liền mà không một địa phương nào có biện pháp ngăn chặn thực sự hiệu quả?

Núp dưới bóng một doanh nhân, doanh nghiệp, Nguyễn Thái Luyện ngông cuồng, coi trời bằng vung khi liên tiếp làm ăn phi pháp, tự vẽ ra hàng chục dự án ma, thậm chí còn phân lô bán nền cả đất nghĩa trang để lừa đảo người dân. Khi bị chính quyền “sờ gáy’, Luyện xù lông phản ứng, hành xử một cách côn đồ và lộng ngôn đến không ngờ.

Lực lượng chức năng đang làm việc tại công ty Alibaba.

Vốn chỉ là nhân viên môi giới bất động sản dạng nhỏ lẻ, kiếm sống bằng nghề môi giới đất nền ở khu vực ven TP.HCM, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... Tháng 5/2016, Luyện thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, ban đầu trụ sở chính là đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, sau dời về đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Sau khi Alibaba được thành lập, bản chất lừa đảo trong Luyện trỗi dậy. Luyện và đồng bọn tự vẽ ra hàng chục dự án ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Thuận; quảng bá và rao bán rầm rộ nhằm móc túi khách hàng.

Song song với đó, Luyện còn mở các khóa học môi giới, đua đòi viết sách (thực tế là cóp nhặt từ các đầu sách khác) để bắt các nhân viên công ty học; thường xuyên tổ chức hội thảo, đăng đàn “chém gió”, dựng video đăng tải lên mạng để thu hút sự chú ý của dư luận.

“Đem so với Thành Cát Tư Hãn, tôi phải giỏi hơn. Tôi giỏi hơn cả Gia Cát Lượng”. “Từ ngày hôm qua chúng ta bán 973 đơn, đến hôm nay chúng ta bán được 1.200 sản phẩm. Tôi nói với anh chị, từ cổ chí kim chưa bao giờ làm được chuyện như thế...”. “Anh chị thấy doanh thu từ vài chục tỷ lên vài trăm tỷ, làm gì có doanh nghiệp bất động sản nào 3 năm làm được kỳ tích lớn như vậy? Đến thời điểm hiện tại anh chị thấy chúng ta tự hào vì tập đoàn địa ốc lớn nhất khu vực, bây giờ mình có thể tự hào là lớn nhất khu vực Đông Nam Á rồi đó” – Luyện “nổ”.

Nghiêm trọng nhất là tháng 6/2019, Luyện còn lộng ngôn bôi nhọ, xúc phạm, vu khống lực lượng công an xã, chủ tịch xã.

Đó là chân tướng của Nguyễn Thái Luyện - ông trùm lừa đảo, kẻ núp dưới danh nghĩa mỹ miều là Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba.

Điều đáng ngạc nhiên là kẻ lừa đảo này vẫn nhởn nhơ tồn tại ngoài vòng pháp luật, nhởn nhơ điều hành cả một bộ máy để lừa đảo người dân, bịt mắt dư luận trong suốt thời gian dài

Rõ ràng là chân tướng của một kẻ lừa lọc trắng trợn và du côn đến vô học. Ấy vậy mà, điều đáng ngạc nhiên là kẻ lừa đảo này vẫn nhởn nhơ tồn tại ngoài vòng pháp luật, nhởn nhơ điều hành cả một bộ máy để lừa đảo người dân, bịt mắt dư luận trong suốt thời gian dài.

Kẻ lừa lọc này còn nhiều lúc lên tiếng kêu oan bằng cách thóa mạ, xúc phạm chính quyền.

Trong nhiều năm trời, Luyện nghiễm nhiên vẽ dự án, vẽ quy hoạch và rao bán, quảng bá rầm rộ, công khai lừa đảo hàng trăm, hàng nghìn người dân. Xác nhận với báo chí, nhiều cơ quan chức năng tại các địa phương đều khẳng định đây chỉ là những dự án ma, không được phép xây dựng.

Nhiều văn bản đã được đưa ra để nhắc nhở người dân cần thận trọng khi giao dịch. Có địa phương còn cẩn thận cắm biển quanh khu đất vi phạm để báo hiệu cho người dân.

Nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở mức cảnh báo. Những người nắm luật, cầm quyền trong tay lại không có bất kỳ phản ứng mạnh mẽ, dứt khoát nào để chặt phăng “vòi bạch tuộc” mà Alibaba đã tạo nên, đang ngày càng bành trướng và hút máu người dân vô tội.

Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba vừa bị bắt.

Những dự án của Alibaba dù đã được xác nhận là dự án ma, song lạ kỳ là vẫn được tồn tại (ít nhất là trên giấy tờ do Alibaba tự vẽ) trong suốt thời gian dài, để từ đó trở thành cái bẫy, bẫy biết bao khách hàng.

Câu hỏi được đặt ra là: Ai, tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi gián tiếp gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng là tiền đầu tư của hàng ngàn người dân rơi vào túi kẻ lừa đảo và khó có thể thu hồi? Hay lại là những câu trả lời chung chung, vô cảm, đổ lỗi quanh co rằng người dân khi mua không thông qua chính quyền nên chúng tôi không biết? Và rồi do họ lén lút xây dựng, địa phương lực lượng mỏng nên công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý rất khó?

Rõ ràng, Nguyễn Thái Luyện không hề giao dịch trong bóng tối. Hắn ngang nhiên, công khai, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhiều địa phương, trong suốt thời gian dài để vươn vòi bạch tuộc, bành trướng thế lực. Hắn cũng rầm rộ quảng bá cho các dự án như khiêu khích, không kiêng nể ai. Bởi vậy, nếu nói chính quyền không biết, không nghe, không thấy thì chỉ là hành vi “bịt mắt che ánh sáng” mà thôi.

Việc Nguyễn Thái Luyện lộng ngôn, xúc phạm lực lượng chức năng hay hô hào nhân viên thẳng tay cản trở, chống lại người thi hành công vụ cũng khiến dư luận sục sôi. Ấy vậy mà, Luyện lại chỉ phải xin lỗi dăm ba câu và bị phạt vi phạm hành chính với 7,5 triệu đồng. Không ít người coi hình phạt này như “trò hề”, phạt cho có và không thể răn đe.

Vì sao Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và em trai bị bắt?

Thậm chí, cơ quan chức năng còn phải huy động hơn 100 cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí để khám xét và bắt tên trùm lừa đảo, du côn này, khiến nhiều người lầm tưởng đó là một cuộc vây bắt một trùm ma túy hay một băng đảng giang hồ khét tiếng.

Nguyễn Thái Luyện đơn giản chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, tự tạo vỏ bọc hào nhoáng cho mình, thế mà đã khiến hàng loạt cơ quan chức năng chùn tay, e dè trước những hành vi sai trái liên tiếp. Thử hỏi, người dân biết tin ai, trông cậy vào ai khi mà một kẻ ngông cuồng, sai phạm chồng sai phạm như tên Luyện mãi mới chịu tra tay vào còng.

Nguyễn Thái Luyện đã bị bắt rồi những hành vi sai phạm của hắn sẽ bị vạch trần. “Đế chế” lừa đảo Alibaba cùng những dự án ma sẽ bị xóa sổ. Nhưng câu chuyện chắc chắn không chỉ dừng lại ở đấy.

Biết bao người dân mua đất đang phải mòn mỏi chờ được nhận lại tiền – những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt hoặc là từ vay vốn ngân hàng khiến lãi mẹ đẻ lãi con. Sẽ có bao gia đình tan nát, bao nhiêu con người khốn khổ vì Alibaba.

Một vấn đề nhức nhối nữa cũng đang được dư luận đặt ra: Sẽ còn bao nhiêu Alibaba lừa đảo nữa trỗi dậy, nếu vẫn chỉ là năng lực quản lý hời hợt, yếu đuối, “bắt cóc bỏ đĩa” thế này?

 

Hoàng Hải