Với các hợp đồng được ký mang danh nghĩa pháp nhân và lợi nhuận được trả kiểu “nhử mồi” khiến “nữ quái” Nguyễn Thị Mai làm xiếc được đến 900 tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân góp vốn, hợp tác cùng Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Mai Lâm (Hải Phòng) vô cùng hoang mang khi hay tin nữ giám đốc doanh nghiệp đột nhiên “mất tích” cùng với hơn 900 tỷ đồng.
Phất lên từ buôn gỗ, nữ giám đốc Công ty Mai Lâm - Nguyễn Thị Mai được nhiều người biết đến với biệt danh “Mai gỗ”. Trong mấy năm trở lại đây, Mai gỗ là một trong những người là đầu mối gỗ lớn nhất nhì tại Hải Phòng.
Từ năm 2017, bà Mai đã rủ một số người quen biết hợp tác đầu tư mua gỗ từ Châu Phi về Việt Nam bán với cam kết đem lại lợi nhuận cao. Việc thanh toán cho các nhà đầu tư được thực hiện định kỳ 2 tháng/lần. Tuy nhiên, đến kỳ thanh toán ngày 15/3/2020, các nhà đầu tư không thấy bà Mai trả tiền. Liên lạc nhiều lần thì ban đầu còn được hứa hẹn, về sau thì “mất hút”. Sau đó, hơn 20 nhà đầu tư đã tổ chức cuộc họp, xác nhận số tiền bà Mai đã kêu gọi đầu tư, hợp tác của các đơn vị, cá nhân lên tới 900 tỷ đồng. Các chủ nợ đã nỗ lực liên hệ nhưng gần 1 tháng bà Mai vẫn “bặt vô âm tín”. Hiện tại làng nghề gỗ tại Hà Nội và các nơi đang lao đao, nhiều người rơi vào cảnh cùng quẫn, tâm trí bấn loạn.
Một người kinh doanh gỗ từng biết về công ty này chia sẻ, mới đây tôi có tới công ty này vẫn thấy khoảng gần 20 công nhân viên, có cả khách hàng, Trung Quốc và Việt Nam đang điều hành mua gỗ, khớp lệnh liên tục. Khách hàng trên Hà Nội cũng về công ty này đặt hàng này nọ nhưng không hiểu sao giám đốc lại bỏ trốn?
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ lợi dụng “vỏ bọc” là doanh nhân, doanh nghiệp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi để qua mặt những người có nhu cầu góp vốn làm ăn.
Chiêu bài của những vụ lừa đảo này là sòng phẳng khi thanh toán lãi trước. Một số doanh nghiệp có ý đồ, thủ đoạn ngay từ đầu còn sử dụng những chiêu trò tình vi dưới mác doanh nghiệp thành đạt, đại gia với vẻ hào nhoáng bên ngoài. Người ta thường nói, người giàu dễ vay tiền, chỉ cần thấy người ăn mặc lịch sự, đi ô tô xịn, xài toàn hàng hiệu, cách giao tiếp giống doanh nhân thành đạt, “nổ” mình quen quan chức này, quan chức kia… là nhiều người đã tin tưởng hơn trong việc cho mượn tiền và góp vốn làm ăn.
Không những thế, các đối tượng lừa đảo thường trả lãi suất cao trong mấy tháng đầu khi vừa nhận vốn nhằm đánh trúng tâm lý hám lợi để “nhử mồi”. Trong khi đó, nhiều người khi cho vay lại bị lợi nhuận làm mờ mắt, bỏ qua tìm hiểu về người đi vay. Rồi cho vay không theo bất kỳ nguyên tắc nào, không cần biết người vay dùng tiền làm gì. Thậm chí nhắm mắt ký hợp đồng, cho vay mà chẳng hề quan tâm đến khả năng thanh toán, khả năng trả nợ. Chỉ khi sự đã rồi mới cuống cuồng đòi lại tiền trong tình thế chẳng khác nào nắm dao đằng lưỡi.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn luật sư Hải Phòng cho rằng, trong trường hợp này có thể thấy rõ bà Mai có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch và có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bà Mai dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư có thể làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay theo Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
“Cũng bởi sự mất cảnh giác, không kiểm chứng thông tin trước khi hợp tác nên nhiều người tự biến mình thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo một cách dễ dàng, cơ hội khắc phục hậu quả là rất khó khăn. Đây là bài học không hề mới nhưng vẫn phải đưa ra để tiếp tục làm lời cảnh tỉnh” – Luật sư Thuận nói.
Lan Vũ