Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên tranh cãi về tình yêu, tiền bạc

20/02/2019 21:44

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục đối đáp gay gắt tại phiên tòa chiều 20-2.

Vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên tranh cãi về tình yêu, tiền bạc - Ảnh 1.

Bà Diệp Thảo trình bày tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI

Chiều 20-2, phiên tòa xét xử vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chủ tịch HĐQT Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Vũ) bắt đầu phần hỏi.

Từ tay trắng đến... Tập đoàn Trung Nguyên

Trong phần này, các đương sự đặt câu hỏi cho nhau. Bà Thảo hỏi ông Vũ về việc suốt thời gian 5 năm ông Vũ ở trên núi, việc chăm sóc các con, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên thế nào.

Ông Vũ cho rằng muốn đi xa phải có tư tưởng mới. Việc ông lên núi là để tìm phương pháp mới điều hành công ty.

Trả lời câu hỏi về việc chu cấp cho các con, ông Vũ liên tục nhấn mạnh "nhà này đâu có thiếu tiền. Mấy cháu làm sao thiếu tiền được".

Để làm rõ khối tài sản riêng - chung của hai vợ chồng, luật sư bảo vệ nguyên đơn đã đặt nhiều câu hỏi về việc ông Vũ có được tặng cho tài sản trước khi kết hôn với bà Thảo và việc khởi nghiệp Trung Nguyên như thế nào.

Trả lời các câu hỏi này, ông Vũ thừa nhận bước đầu khởi nghiệp ông đã gặp rất nhiều khó khăn. "Tôi phải đi ở đợ, vay mượn để khởi nghiệp, cùng nhau dựng lên Trung Nguyên từ năm 1996" - ông Vũ quay sang phía vợ nói.

"Tôi phải đi mượn các đại lý cà phê, người ta thấy mình thiện lương nên giúp đỡ".

Sau đó, ông Vũ chỉ vào mẹ mình (đang ngồi hàng ghế phía sau) nói: "Người mẹ của qua đâu có gì sai với cô. Đó là nghịch đạo".

Bà Thảo trình bày tại tòa - Video: TUYẾT MAI

Theo các luật sư bảo vệ cho bị đơn, giấy phép đăng ký kinh doanh của Trung Nguyên được cấp năm 1996 (trong khi đó bà Thảo và ông Vũ kết hôn năm 1998), vốn điều lệ 2 triệu đồng.

Ông Vũ đã cùng 4 người bạn lúc bấy giờ đang là sinh viên Đại học Tây Nguyên cùng kinh doanh.

Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn đặt câu hỏi với vốn kinh doanh 2 triệu đồng, giấy phép kinh doanh đến tháng 2-1996 hết hạn thì tạo ra bao nhiêu tài sản và số tiền là bao nhiêu?

"Đối với câu hỏi này, không ai có thể trả lời được. Tuy nhiên các chặng đường khởi nghiệp Trung Nguyên gắn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ" - luật sư bảo vệ bị đơn nhấn mạnh.

Trước câu hỏi từ khi kết hôn đến nay ông Vũ có được tặng cho riêng không, ông Vũ cho biết trong giai đoạn khó khăn, gia đình ông Vũ đã bán 2 căn nhà để giúp ông có vốn khởi nghiệp.

Còn đối với những người giúp đỡ mình, cho đến nay, sau 23 năm, hàng tháng ông vẫn trả ơn họ 25 triệu đồng.

"Hồi đó chúng tôi khởi nghiệp với khát khao rất lớn. Tôi nói với những người bạn là chúng ta phải cố gắng 6 tháng bằng 20 năm. Mình không có tiền thì mình phải có đầu óc" - ông Vũ kể.

Luật sư của bà Thảo cũng đưa ra lập luận về việc tại thời điểm thành lập Công ty TNHH cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương, số vốn góp là 16 tỉ đồng, trong đó bà Thảo góp hơn 15 tỉ đồng, ông Vũ liền hỏi: "Tiền ở đâu ra mà cô góp".

Ông Vũ cũng nói thêm: "Trong cuộc sống vợ chồng, tiền bạc cô giữ hết, tôi không đụng đến cửa két sắt. Không ai phủ nhận đóng góp của cô, nhưng cô đừng ngộ nhận".

Ông Vũ nói về mâu thuẫn giữa hai vợ chồng - Video: TUYẾT MAI

Xem thêm video khác trên TVO

Trước đó, luật sư của ông Vũ cho rằng đối với khối tài sản chung, bị đơn đề nghị chia theo tỉ lệ ông Vũ 70% và bà Thảo được 30%. Tuy nhiên, phía bà Thảo không đồng ý và đề nghị chia tài sản theo tỉ lệ 50-50. Sau đó, bà Thảo nói sẽ chia cho ông Vũ nhiều hơn 100 tỉ.

Mâu thuẫn quan điểm điều hành

Khi được hỏi về việc quyết định kết hôn với bà Thảo, ông nhìn nhận cuộc sống hôn nhân, hướng đến xây dựng gia đình như thế nào. Ông Vũ thừa nhận cuộc hôn nhân của hai người xuất phát từ tình yêu và đã có 4 con chung xinh đẹp.

Tuy nhiên, đổ vỡ là điều không ai mong muốn, ông là người chịu đựng. "Nếu tôi sống không phải thì em ruột, em rể, em dâu của cô không còn ở công ty đó" - ông Vũ khẳng định.

Tại tòa, luật sư của bà Thảo gửi cho ông Vũ một lá thư của con cả gửi từ Úc cùng 3 người con với mong muốn được nhận cấp dưỡng 5% cổ phần. Tuy nhiên ông Vũ từ chối nhận lá thư này và nói không muốn đọc thư.

"Về 5%, tôi nói với các con khi nào các con lớn, tôi sẽ giao toàn bộ cho các con. Đối với tôi, 5% cổ tức hay cổ phần không là gì", ông Vũ cho biết và nói thêm: "Bà nội đã 70 tuổi không cần tiền làm gì. Mẹ con dùng mọi thứ để giành quyền không từ thủ đoạn nào".

Ông Vũ nói về lý tưởng về đạo cà phê mà ông hướng tới - Video: TUYẾT MAI

Xem thêm video khác trên TVO

"'Khi cùng nhau không gì là không thể' trong hành trình hướng Trung Nguyên đến tầm vĩ đại, sao ông không đi cùng vợ?" - luật sư hỏi.

"Không ai muốn đổ vỡ nhưng sống lâu với nhau nên hiểu tâm tính. Phải có trật tự, chồng ra chồng, vợ ra vợ, khuyên nhưng không nghe. Không ai dám đưa chồng vào nhà thương điên.

Về đạo lý, tôi có nói với cổ nhiều lần: thứ nhất, cô có phá nát công ty tôi vẫn giữ nguyên tắc để điều chỉnh, không cho phép cô làm càn. Thứ hai, phải tu tâm, tu tập, sám hối tội lỗi cô làm", ông Vũ nói.

Nhiều lần trả lời câu hỏi, ông Vũ cho rằng bà Thảo, vợ ông, không hiểu được những điều cao cả ông làm để phát triển Trung Nguyên mà chỉ có tư tưởng của người kinh doanh.

Vẫn mong quay về

Bà Thảo trình bày tại tòa - Video: TUYẾT MAI

Xem thêm video khác trên TVOCó khi nào ông mong muốn bà Thảo vẫn là người vợ ngoan hiền, có vị trí khiêm tốn trong công ty để ông phát triển Trung Nguyên? - luật sư hỏi.

"Những gì đã làm được tôi đã làm hết rồi" - ông Vũ trả lời.

Trái lại, bà Thảo vẫn mong muốn được hàn gắn với chồng để các con được có cha, có mẹ.

"Tôi đã hi sinh rất nhiều, và có thể hi sinh lớn hơn. Hơn 3 năm qua, tôi đã cố gắng rất nhiều giải pháp để hàn gắn lại. Nếu anh đồng ý thì gia đình mình đã có cơ hội, các con của chúng ta đã có có cha, có mẹ, chúng ta đã sinh ra 4 người con thì chúng ta phải có trách nhiệm nuôi dưỡng".

"Đến năm 2013, anh Vũ có thay đổi tư tưởng, tôi và các con luôn lo lắng, các con luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Lúc này các nhân viên Trung Nguyên hiểu anh Vũ đã thay đổi, họ đã tìm cách thâu tóm Trung Nguyên. Tôi lo lắng trước thực trạng công ty nên đã nộp đơn ra tòa" - bà Thảo nói.

"Tôi làm việc rất nhiều từ đối nội, nội ngoại khối lượng công việc rất lớn, mình là người đứng đầu công ty, 5 năm anh không quan tâm tới công ty. Tôi là nạn nhân của rất nhiều vụ kiện. Bản thân tôi luôn mong muốn cơ hội hàn gắn để các con có cha có mẹ.

Nếu có cơ hội, tôi vẫn mong muốn trở về như năm 2014, khi tôi điều hành công ty kinh doanh rất tốt. Trung Nguyên không chỉ là 1 công ty bình thường mà danh tiếng, uy tín trên cả thế giới, là doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia", bà Thảo tiếp tục giãi bày.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai, 21-2.

TUYẾT MAI/Tuổi Trẻ