Với hai tuyến cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới, ông chủ Tập đoàn Sun Group xứng được gọi là “vua” cáp treo Việt Nam. Không những thế, với khối tài sản và hàng loạt dự án lớn đang sở hữu, ông Lê Viết Lam được giới kinh doanh kiềng nể như một tỷ phú USD ẩn mình đang dần lộ diện.
Tự phá kỷ lục với Fansipan-Sapa
Trong vài ngày qua, nhiều người bất ngờ trước thông tin một đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - đỉnh núi Fansipan.
Hệ thống cáp treo Fansipan Sapa có 3 dây phức tạp với độ dài toàn tuyến khoảng 6-7km; độ chênh tuyệt đối của ga đi và ga đến là 1.404m; công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/giờ.
Đây được coi là hệ thống cáp treo dài nhất, cao nhất và phức tạp nhất thế giới, đánh bại tất cả các kỷ lục thế giới mà Bà Nà Hills cũng do ông đầu tư được công nhận hồi cuối tháng 3/2013. Bốn kỷ lục thế giới là: dài nhất, 5.801m; độ chênh lớn nhất, 1.368m; tổng chiều dài cáp dài nhất, 11.587m; sợi cáp nặng nhất, 141,24 tấn do tổ chức Guinness World Records sẽ thành dĩ vãng vào tháng 9/2015 tới khi cáp treo lên Fansipan hoàn thành.
Bên cạnh hệ thống cáp treo, dự án Fansipan Sapa còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, sân goft 18 lỗ... với tổng vốn đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng.
So với Bà Nà Hills, dự án được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, Fansipan Sapa có quy mô gấp nhiều lần. Hơn nữa, nó gắn với đỉnh núi cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Dương. Một đỉnh núi huyền thoại nổi tiếng với du lịch leo núi mạo hiểm, gắn với một môi trường sinh thái đa dạng, cảnh quan tuyệt đẹp và một khí hậu mát mẻ.
Sự hiếu kỳ còn ở chỗ, người ta muốn biết doanh nghiệp nào có tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chìm ngập trong khó khăn? Ai là chủ dự án khủng này? Đại gia nào đang sở hữu hệ thống Cáp treo Bà Nà và sắp tới là Cáp treo Fansipan Sapa? Và dự án này liệu sẽ đóng góp như thế nào cho du lịch Sapa nói riêng, Việt Nam nói chung?
Tài sản của tỷ phú kín tiếng
Thông tin ban đầu cho thấy, công trình do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Cáp treo Fansipan Sapa thuộc Công ty dịch vụ Cáp treo Bà Nà làm chủ đầu tư. Đây là thành viên của Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).
Nói đến Sun Group, dù là một tập đoàn khá non trẻ nhưng đã được biết đến ở Việt Nam. Doanh nghiệp này thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Sinh sau đẻ muộn nhưng Sungroup đã có vị thế rất đáng nể với các dự án Cáp treo Bà Nà; Novotel Da Nang Priemier - khách sạn cao nhất miền Trung với 37 tầng; khu nghỉ dưỡng Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas... Với 20 đơn vị thành viên, hơn 1.500 cán bộ nhân viên, Sun Group hiện diện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó đang hoạt động mạnh nhất là ở Đà Nẵng với thương hiệu nổi tiếng Bà Nà Hills. Với hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan - có độ cao 3.143 mét, Sun Group đã tự tạo nên bước đột phá mới cho chính mình.
Xuất phát từ Đông Âu, ngay sau khi về Việt Nam, Sun Group đã nổi như cồn với hàng loạt các dự án khủng. Tất cả các dự án mà tập đoàn đều cho thấy ông chủ của nó đều muốn ghi dấu ấn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực. Tuy nhiên, ông chủ, doanh nhân trẻ tuổi Lê Viết Lam, người đứng sau tập đoàn này lại rất hiếm khi được nhắc tới như một phong cách thường thấy ở nhóm các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rồi mang tiền về Việt Nam đầu tư.
Ông Lê Viết Lam (1969) đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng - người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú đôla của Forbes. Sau chương trình đạo tạo của Nhà nước tại Nga hồi đầu những năm 90, ông Lê Viết Lam đã cùng một số người bạn thành lập một nhà máy chế biến mì ăn liền thương hiệu Mivina. Hai doanh nhân Lam - Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine.
Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine. Đặc biệt, ông là lãnh đạo Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người ViệtNam ở nước ngoài.
Cũng như các doanh nhân "gốc Đông Âu" khác như Phạm Nhật Vượng, Đặng Khắc Vỹ, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn, ông Lê Viết Lam đã quyết định trở về đầu tư tại Việt Nam sau khi đã rất thành công ở xứ người.
Thay vì chọn Hà Nội, TP.HCM như các đồng nghiệp khác, đại gia xứ Thanh này đã chọn Đà Nẵng để chính thức mở rộng các hoạt động đầu tư tại quê nhà. Quyết định bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - Fansipan cùng hàng loạt các dự án bất động sản cho thấy sự chuyển hướng về quê mạnh mẽ của đại gia này.
Trên bình diện chung, các dự án nhà đất, du lịch, các ngân hàng và thương hiệu hàng tiêu dùng... đang nổi bật... giới đầu tư đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các doanh nhân khởi nghiệp từ khu vực Đông Âu. Nhóm các đại gia này được đánh giá đang đứng đầu cộng đồng doanh nhân Việt và có những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Kéo theo đó, tên tuổi, sự nghiệp kinh doanh và hoạt động của họ tại ViệtNam cũng luôn được quan tâm vì các đại gia này rất kín tiếng.
Theo VEF/Tin nhanh CK