Sinh nhật 10 tuổi Winmart

07 hình mẫu của nỗi sợ hãi, bạn thuộc kiểu hình mẫu nào dưới đây ?

05/08/2019 09:29

Có lần, tôi đã được nghe một podcast của Ruth Soukup, tác giả của cuốn sách Do It Scared: Finding the Courage to Face Your Fears, Overcome Adversity, and Create a Life You Love.

Theo podcast này, sau khi tiến hành khảo sát hơn 4.000 người trưởng thành, Soukup và một nhóm các nhà nghiên cứu và tâm lý học đã phát hiện ra rằng nỗi sợ hãi vốn kìm hãm chúng ta trong cuộc sống biểu hiện theo 07 cách khác nhau. Hay nói cách khác, có đến 07 hình mẫu của nỗi sợ hãi

Theo nghiên cứu của Soukup, các hình mẫu sợ hãi bao gồm: Người chần chừ; Người theo quy trình; Người thích hài lòng; Người bị ruồng bỏ; Người luôn hoài nghi; Người hay thanh minh và Người bi quan.

Rất có thể nhiều bạn đọc sẽ tìm thấy hình bóng của bản thân trong 07 nguyên mẫu này.

"Thực tế, mỗi người trong chúng ta có thể sở hữu một vài phẩm chất của cả 07 nguyên mẫu, tuy nhiên hầu hết chúng ta đều có ít nhất một nguyên mẫu thống trị ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách của chúng ta", Soukup giải thích trong một bài viết cho Mindbodygreen

Người chần chừ

Những người chần chừ thường bị ám ảnh về sản phẩm cuối cùng hoặc kết quả của bất cứ điều gì họ đang thực hiện hoặc chứng minh. Chính vì yếu tố này, những người này thường có xu hướng dành quá nhiều thời gian lên kế hoạch và nghiên cứu thay vì chỉ đơn giản là nhúng tay vào thực hiện. Họ lo sợ và tự tiết chế bản thân mình ngay cả khi bắt đầu thực hiện điều gì đó

Đối với những người chần chừ, điều quan trọng là phải vượt qua được nỗi sợ ban đầu. Thay vì dồn hết năng lượng vào sản phẩm cuối cùng, Người chần chừ nên dành thời gian để quan tâm đến những khúc mắc xảy ra trong qua trình thực hiện để công việc luôn trôi chảy.

Cách tốt nhất là trước khi thực hiện một điều gì đó, bạn nên lên một kế hoạch cụ thể có deadline rõ ràng, đồng thời xác định rõ thời điểm nào bạn sẽ bắt đầu thực hiện. Đồng thời hãy luôn tự nhủ rằng: Sự hoàn hảo không bao giờ tồn tại, mọi thứ đều mang tính tương đối, do đó hãy thiết lập mục tiêu của bản thân một cách "thực tế" và cố gắng hết sức để đạt được kết quả khả quan nhất.

Người theo quy trình

Theo đúng nghĩa đen, kiểu người này được dành riêng để tuân theo các quy tắc và hướng dẫn riêng biệt được đặt ra bởi những người xung quanh. Họ bị ám ảnh bởi việc luôn cố gắng đưa ra những quyết định đúng đắn, bất chấp một thực tế phũ phàng rằng, những quyết định này có thể ảnh hưởng đến kết quả công việc của bản thân.

Cách tốt nhất để vượt qua điều này là: Hãy từ bi với bản thân.

Hãy cho phép bản thân cơ hội và không gian để có thể đưa ra những quyết định sai lầm, và nếu bạn làm thế, hãy tự trấn an rằng điều này hoàn toàn bình thường, chẳng có sai trái gì cả.

Chúng ta là con người, do đó sẽ luôn tồn tại sai lầm trong bất cứ việc gì chúng ta làm. Điều quan trọng là phải xác định rõ những nguyên tắc riêng của bản thân thay vì phải luôn phụ thuộc vào người khác hoặc các yếu tố bên ngoài.

Người thích hài lòng

Kiểu người thích hài lòng luôn phải vật lộn đấu tranh nội tâm vì sự sợ hãi khi bị người khác đánh gia và nỗi lo lắng về việc khiến người khác thất vọng. Những người này thường gặp khó khăn trong việc lập ra "ranh giới" và thường không có khả năng từ chối người khác.

Đối với những người thích làm hài lòng người khác, việc lập ra "ranh giới" hay nói lời từ chối luôn khiến họ sợ hãi. Theo kết quả khảo sát của Soukup, có đến 40% đối tượng nghiên cứu cho biết họ ít khi chăm sóc bản thân vì thường ưu tiên thời gian cho nhu cầu của người khác.

Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng "ưu ái cho người khác" là hãy dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân, đồng thời thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng bạn xứng đáng được ưu tiên, cũng như những người khác trong cuộc sống của bạn.

Người bị ruồng bỏ

Những người có hình mẫu bị ruồng bỏ có thể bề ngoài luôn mạnh mẽ, nhưng ẩn sâu bên trong họ luôn tồn tại nỗi sợ hãi bị từ chối. Do đó, họ thường cố gắng từ chối người khác trước để tránh bản thân bị tổn thương.

Lời khuyên tốt nhất danh cho kiểu người này là hãy dành ra thời gian để tự hỏi liệu bạn có đang tập trung vào tình huống xấu nhất hay không và liệu có sự lựa chọn nào khác hay không. Thông thường, nếu bạn chỉ tập trung suy nghỉ về kết quả xấu, bạn đã bỏ qua những ích lợi có được từ những cơ hội người khác trao cho bạn.

Hãy cho mọi người xung quanh bạn một cơ hội để có thể đem lại những kết quả bất ngờ dành cho bạn. Hãy tìm những bằng chứng cho thấy bạn có thể tin tưởng người khác và luôn tự nhủ rằng, nếu mọi việc không ổn, bạn đã có kinh nghiệm trong việc kết thúc một tình huống!

Người luôn hoài nghi

Kiểu người này thường bị chi phối bởi nỗi sợ hãi họ chưa đủ tốt. Do đó họ thường có xu hướng tự nghi ngờ về khả năng của bản thân.

Đôi khi, họ có thể cảm thấy khó khăn khi tự đưa mình ra khỏi một tình huống nào đó, vì thế họ thích phán xét người khác để che giấu nỗi sợ hãi của chính bản thân.

Những người luôn hoài nghi là những người làm việc chăm chỉ nhất, họ đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua nỗi sợ hãi bản thân không đủ tốt.

Cách tốt để vượt qua sự nghi ngờ bản thân là thỉnh thoảng bước ra khỏi vùng thoải mái của bạn và thỉnh thoảng nhìn nhận lại kết quả bạn đã đạt được. Khi bạn dần chủ động hơn về cuộc sống của bản thân, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bạn có khả năng như thế nào.

Người thanh minh

Kiểu người hay thanh minh thường gặp khó khăn trong việc nhận trách nhiệm đối với mục tiêu của bản thân.

Thay vì phải xung phong dẫn đầu, họ thường lùi lại phía sau để né tránh trách nhiệm. Họ cho phép người khác đưa ra quyết định trong cuộc sống của họ.

Cách hành động thuận theo số đông, hay gió chiều nào, ngã theo chiều ấy có thể rất hấp dẫn bởi vì cho dù kết quả có xấu đi thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bản thân mình phải chịu trách nhiệm cho việc này. Tuy nhiên, đây gọi là lối sống thụ động. Thông thường, những người có lối sống này thường khó cơ thể đạt được mục tiêu trong cuộc sống.

"Cho dù bạn có cho người khác tự đặt ra mục tiêu cho bản thân bạn, bạn vẫn khó có thể rất thành công, vì chưa chắc người khác đã xem bạn là sự ưu tiên để coi trọng lợi ích tốt nhất của bạn" - Soukup chia sẻ thêm trong bài viết của mình.

Soukup cũng khuyên, cách giải quyết tốt nhất dành cho người thanh minh là hãy chia nhỏ các mục tiêu của bản thân thành những nhiệm vụ hằng ngày và luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Bằng cách chia nhỏ từng mục tiêu của bạn, bạn sẽ có thể cấu trúc lại nhiệm vụ và tăng cường khả năng theo dõi tiến độ. Không cần phải áp đảo bản thân khi bắt đầu; chỉ cần tự hỏi làm thế nào bạn có thể cải thiện theo những cách nhỏ.

Người bi quan

Hình mẫu này thường phải vật lộn đấu tranh với nỗi sợ hãi của nghịch cảnh và khó khăn.

Bi quan là một dạng chấn thương tâm lý, do một biến cố trong quá khứ hoặc hiện tại hoặc những khó khăn trước mắt gây ra. Những người thuộc hình mẫu bi quan thường cảm thấy bản thân mình là nạn nhân và đôi khi đúng là như vậy. Nhưng những người này thường có xu hướng coi những khó khăn là một tín hiệu để chững lại, thậm chí là bỏ cuộc.

Đối với những người này, điều quan trọng là phải dám đương đầu với khó khăn và xem đó như là một bước đệm hoặc bài học, thay vì những rào cản. Tất cả chúng ta đều trải qua những khó khăn trong cuộc sống; điều khác biệt duy nhất là chúng ta nhìn nhận khó khăn đó theo cách nào.

Lần tới, khi gặp phải khó khăn, bạn hãy dành một chút thời gian để lùi lại và đánh giá tình hình. Nghĩ về bài học mà thử thách này có thể dạy cho bạn, hoặc làm thế nào bạn có thể làm cho kết quả thuận lợi hơn.

Việc này mất khá nhiều thời gian, nhưng khi chúng ta rèn luyện trí óc để suy nghĩ tích cực hơn, chúng ta sẽ cảm thấy bình yên hơn.

"Nếu cuộc đời ném cho bạn một quả chanh, thay vì lắc đầu lè lưỡi, hãy vắt trái chanh đó thành một ly nước chanh"

Ý Nhi/Theo Fast Company