10 nữ doanh nhân kế nghiệp

19/03/2018 10:00

Ngày càng nhiều nữ doanh nhân trẻ tiếp bước sư nghiệp kinh doanh của gia đình, nhận trách nhiệm quan trọng tiếp xục xây dựng các công ty do thế hệ đầu tiên thanh lập. Trong số này Forbes Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu 10 gương mặt nữ doanh nhân đáng chú ý đang kế nghiệp gia đình. Họ hoạt động động trong những lĩnh vực khác nhau, với mức độ trách nhiệm nhất định tại những doanh nghiệp có tầm vóc. Điểm chung của họ là những nữ doanh nhân năng động thuộc thế hệ kế nghiệp.

 

Lê Nữ Thùy Dương, một trong hai người con của doanh nhân Lê Văn Kiểm, hiện đang kế nghiệp kinh doanh gia đình với vai trò tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Golf Long Thành. Đây là một trong những công ty đi đầu trong ngành kinh doanh golf tại Việt Nam, và hiện đang đầu tư phát triển dự án khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng với diện tích 1.174 héc ta tại huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai. Bà Thùy Dương cũng đồng thời nắm giữ vị trí giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thiên Đức, là đối tác của Capital Land trong các dự án bất động sản The Vista, Vista Verde, The Feliz en Vista tại quận 2, TP.HCM.

Bên cạnh các dự án kể trên với cương vị đứng đầu Công ty TNHH KN Cam Ranh, Thùy Dương đang đảm nhận trọng trách điều hành dự án phát triển khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng có quy mô 800 héc ta tại khu vực Bãi Dài, Cam Ranh với các công trình tiện ích và dịch vụ du lịch mang tầm quốc tế như: sân golf 27 lỗ được Greg Norman thiết kế, chuỗi khách sạn 4-5 sao, trung tâm hội nghị, trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, cùng các khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà phố thương mại, khu căn hộ dịch vụ và khu dưỡng lão… Trong năm 2018 , giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động với sân golf 27 lỗ , một khách sạn năm sao, cụm biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà phố thương mại, căn hộ dịch vụ và các loại hình vui chơi giải trí trên biển.

Thùy Dương tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Úc và đã hoàn tất chương trình MBA tại trường Quản lý Maastricht Hà Lan. Trong vài năm qua, bà đảm nhận vai trò chính trong việc tiếp tục phát triển tập đoàn gia đình do doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung gây dựng nên.

Crystal Thảo Lâm là trưởng nữ của ông Calvin Tài Lâm, nhà sáng lập Vinawood. Vinawood thành lập năm 1986 tại Mỹ và mở nhà máy sản xuất màn gỗ tại Việt Nam vào năm 2002. Vinawood sản xuất màn sáo gỗ, hướng vào phân khúc cao cấp, 100% xuất khẩu.

Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, Crystal Thảo Lâm thuộc thế hệ thứ hai của người Việt di cư sang Mỹ sau năm 1975. Cô tốt nghiệp đại học tại Mỹ và trở về Việt Nam thay cha điều hành Vinawood từ năm 2008. Theo Vinawood, hiện tại, công ty chi phối thị trường màn gỗ nói chung tại Mỹ và Nhật Bản.

Năm 2008, khi điều hành công ty gia đình, ngoài hai thị trường truyền thống Mỹ và Nhật Bản thế hệ sáng lập đã khai phá, Crystal Thảo Lâm mở rộng thị trường xuất khẩu mới cho Vinawood như Hà Lan, Anh, Thái Lan, Philippines, Singapore, Đài Loan... Vinawood từ chối công bố doanh thu nhưng theo thông tin tự bạch, tăng trưởng công ty mỗi năm ở mức hai con số.

Sau tám năm học ở Anh, ngành địa lý kinh tế và quản trị kinh doanh, Trần Thị Quỳnh Ngọc trở thành người kế nghiệp ở tập đoàn Nam Cường khi cha qua đời năm 2010. Từ năm 2012 đến nay, cô là phó chủ tịch tập đoàn Nam Cường, tập đoàn sau 33 năm hình thành và phát triển đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng, hạ tầng, khách sạn… Cùng với mẹ, bà Lê Thị Thúy Ngà, chủ tịch tập đoàn, Quỳnh Ngọc tham gia hoạch định chiến lược và điều hành công ty trong mảng kinh doanh bất động sản, du lịch.

Tập đoàn Nam Cường là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị mới Dương Nội rộng gần 200 héc ta phía Tây Hà Nội. Từ năm 2016 đến nay, các phần dự án tiêu biểu nằm trong khu đô thị mới Dương Nội được tung ra thị trường như Anland Complex, An Phú Shop - Villa, An Khang Villa. Nam Cường định hướng phát triển xanh và bền vững tại các dự án bất động sản do họ làm chủ đầu tư và công bố phát triển Dương Nội trở thành khu đô thị cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam.

Lê Thu Thủy có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó 11 năm gắn với SeABank, ngân hàng nơi mẹ cô, bà Nguyễn Thị Nga là chủ tịch hội đồng quản trị. Thu Thủy được bầu làm phó chủ tịch thường trực ngân hàng vào tháng 1.2013 và được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc SeABank vào cuối năm đó.

SeABank là ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập vào năm 1994, hiện tại, có vốn điều lệ 5.466 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2017 tài sản của SeABank đạt hơn 126 ngàn tỉ đồng, quy mô trung bình trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. SeABank có 3.200 nhân viên, 162 điểm giao dịch và chi nhánh.

Trên cương vị điều hành SeABank, cùng mẹ và anh trai Lê Tuấn Anh (1979) Thủy đã góp phần đưa SeABank chuyển đổi thành ngân hàng bán lẻ đa năng, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, và xây dựng thành công quan hệ chiến lược của SeABank với một loạt khách hàng doanh nghiệp tên tuổi trong và ngoài nước.

Thu Thủy có bằng cử nhân quản trị kinh doanh và cử nhân tài chính – ngân hàng, đại học Geogre Mason. Trước khi làm việc tại SeABank, Thủy đã có hai năm làm việc cho các định chế tài chính nước ngoài. Ở ngân hàng, cô đã tích lũy kinh nghiệm làm việc tại hầu hết các bộ phận quan trọng của SeABank trước khi được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc.

Thục Quyên hiện là giám đốc điều hành của chuỗi khách sạn Sanouva Hotel và giám đốc phát triển kinh doanh của khu nghỉ dưỡng Fusion Maia Resort.

Khách sạn Sanouva Sài Gòn được xây dựng năm 2009. Quyên đã chịu trách nhiệm về quá trình xây dựng từ ý tưởng, thiết kế, quản lý dự án, thiết lập đội ngũ vận hành và hệ thống đến khi hoàn thành việc xây dựng. Năm 2014 Sanouva Đà Nẵng tiếp tục được xây dựng nâng số phòng thuộc hệ thống Sanouva lên 141 phòng. Ở cương vị điều hành, Quyên giám sát hoạt động chung, quản lý chất lượng dịch vụ, tiếp thị và quản lý tài chính của khách sạn. Năm 2017 hệ thống khách sạn Sanouva đón hơn 88 ngàn lượt khách, doanh thu đạt 3,25 triệu đô la Mỹ.

Quyên cũng là giám đốc kinh doanh, phụ trách việc phát triển kinh doanh của Fusion Maia Resort, khu nghỉ dưỡng có 86 villas với hồ bơi riêng biệt. Fusion Maia Resort có 350 nhân viên năm 2007 đạt doanh thu gần 18 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh đó Quyên còn là cổ đông sáng lập của Bhutanese Spirit, cơ sở lưu trú 28 phòng và năm villas, có vốn đầu tư 6,2 triệu đô la Mỹ tại Bhutan. Cô cũng được chỉ định quản lý dự án Danang Riverside Complex, khách sạn năm sao xây dựng bên bờ sông Hàn có vốn đầu tư 230 triệu đô la Mỹ, dự kiến khởi công năm 2020. Các hoạt động của Quyên đang chiếm 60% hoạt động kinh doanh của gia đình. Quyên tốt nghiệp ĐH RMIT, chuyên ngành thương mại.

Sau 12 năm làm việc cho Tiến Phước, Nguyễn Thị Mỹ Phương được cha, ông Nguyễn Thành Lập, nhà sáng lập tin tưởng và trao quyền CEO của công ty bất động sản Tiến Phước từ năm 2014. Mỹ Phương tốt nghiệp ĐH Swinburne (Úc) và có bằng MBA từ ĐH RMIT (Úc). Với sự cố vấn của cha, trên cương vị điều hành Tiến Phước, Mỹ Phương đang tạo ra những thay đổi tích cực: thay đổi cơ cấu sản phẩm bất động sản, không phát triển dàn trải mà tập trung vào nhóm sản phẩm có giá bán từ trung bình trở lên; xóa bỏ hình ảnh công ty gia đình, từng bước xây dựng các sản phẩm có thương hiệu riêng; tái cấu trúc Tiến Phước hoạt động theo mô hình “holding” với các mảng kinh doanh chính: bất động sản- khách sạn - dịch vụ y tế; chuyển đổi quản trị công ty gia đình sang công ty cổ phần, tuyển dụng, bổ sung đội ngũ quản lý chuyên nghiệp bên ngoài vào công ty.

Mỹ Phương là con thứ ba trong gia đình có bốn chị em gái. Ba chị em khác của Mỹ Phương cũng đang sát cánh cùng cha kinh doanh gồm Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (44 tuổi); Nguyễn Thị Mỹ Linh (43 tuổi); Nguyễn Thị Mỹ Anh (30 tuổi).

Thành lập năm 1992, Tiến Phước là một trong những công ty bất động sản tư nhân đầu tiên ở TP.HCM và là đối tác địa phương của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi như Keppel Land, Gaw Capital ở dự án bất động sản quy mô: Empire City, The Estella, Palm City… Trong dự án đình đám Empire City (quận 2), vốn đầu tư một tỉ đô la Mỹ, không nắm cổ phần chi phối nhưng Tiến Phước được các đối tác nước ngoài tin tưởng giao quyền điều hành. Cuối năm 2017, Tiến Phước có vốn điều lệ 2.800 tỉ đồng, tổng tài sản 8.050 tỉ đồng, doanh thu đạt 1.660 tỉ đồng.

Con gái của doanh nhân Đặng Văn Thành, nhà sáng lập tập đoàn Thành Thành Công (TTC) hiện giữ chức phó chủ tịch tập đoàn, chuyên trách mảng kinh doanh mía đường, mảng kinh doanh quan trọng nhất đóng góp 60% của tập đoàn kinh doanh đa ngành với năm lĩnh vực: nông nghiệp - bất động sản - năng lượng - du lịch- giáo dục với tổng tài sản 50 ngàn tỉ đồng.

Trước khi gia nhập công ty gia đình vào năm 2006, Ức My có hai năm thực tập và làm việc tại ngân hàng ANZ sau sáu năm du học New Zealand. Với trải nghiệm tại một trong các định chế tài chính lớn của thế giới, Ức My cho biết cô nhận ra quản trị rủi ro và quản trị hệ thống là một trong các nhân tố quan trọng nhất của quản trị doanh nghiệp. Quay về công ty gia đình, Ức My đề xuất cơ cấu lại công ty gia đình tách bạch giữa hoạt động kinh doanh thương mại; cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp ngành mía đường. Đây là tiền đề tạo ra bước tái cơ cấu, sáp nhập các doanh nghiệp ngành mía đường của TTC sau này.

Trên cương vị tham gia điều hành TTC theo định hướng chiến lược của các cổ đông sáng lập, dấu ấn lớn nhất Ức My tạo ra là việc kiến nghị và được sự đồng thuận để chuyển đổi mô hình quản trị TTC từ văn phòng truyền thống thành “văn phòng số” (eOffice), không sử dụng giấy tờ, giúp TTC cải tổ mạnh mẽ quy trình hoạt động kinh doanh. Việc áp dụng công nghệ số vào quản lý tăng hiệu quả, giảm thời gian ra quyết định, tăng cơ hội tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực khả năng cạnh tranh.

Ở cương vị điều hành nhánh mía đường, Ức My góp phần đưa TTC thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành với hàng loạt thương vụ sáp nhập: Ninh Hòa Sugar vào Biên Hòa Sugar (2015); Biên Hòa Sugar vào Thành Thành Công Tây Ninh (2017) sau đó đổi tên thành công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa; mua lại dự án mía đường Hoàng Anh Gia Lai Attapeu (2017)... Dự kiến sau khi hoàn tất các thương vụ sáp nhập, TTC đạt công suất “một triệu tấn đường,” Ức My sẽ chuyên tâm phát triển mảng giáo dục, tâm huyết của bà mẹ có ba con.

Hai nhà sáng lập Biti’s, ông Vưu Khải Thành (68 tuổi) và bà Lai Khiêm (65 tuổi), đang dần chuyển giao quyền điều hành cho các con. Thế hệ thứ hai nhà Biti’s gồm Vưu Lệ Quyên (38 tuổi) và Vưu Lệ Minh (34 tuổi) đang đảm trách dần các công việc quan trọng trong công ty.

Vưu Lệ Quyên hiện là phó tổng giám đốc Biti’s phụ trách hoạt động kinh doanh và tiếp thị. Cô có khởi đầu thành công khi đưa thương hiệu giày Việt trở lại một cách ấn tượng với người tiêu dùng Việt Nam sau nhiều năm mất dần thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Với việc ra mắt Hunter, bộ sưu tập giày thể thao cá tính, trẻ trung vào đầu năm 2016, kết hợp chiến dịch truyền thông hiệu quả với các ca sĩ trẻ được mến mộ, giúp thương hiệu với slogan nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt” khuấy đảo thị trường giày như cách mà họ từng làm vào thập niên 1990 và 2000 để lại ấn tượng tốt với dép xốp và cao su Biti’s.

Biti’s cũng có những sản phẩm hướng tới trẻ em với việc mua nhượng quyền bản quyền sản xuất giày trẻ em mang thương hiệu nổi tiếng Disney. Doanh thu công ty năm 2017 là 2.680 tỉ đồng. Biti’s có mạng lưới phân phối gần 100 cửa hàng chính thức và hơn 1.500 đại lý trên cả nước.

Vưu Lệ Quyên cũng đang phát triển thương hiệu giày dép, túi xách riêng mang thương hiệu Gosto. Trong khi đó người em gái, Vưu Lệ Minh phụ trách thiết kế cho các sản phẩm mang thương hiệu Biti’s.

Năm 2013, ở tuổi 26, Hoàng Yến, con gái đầu của doanh nhân Lê Thanh Thản, được cha bổ nhiệm làm CEO của chuỗi khách sạn Mường Thanh. Sau năm năm ở cương vị điều hành Mường Thanh, số khách sạn do Hoàng Yến vận hành đã tăng từ 12 lên 53 khách sạn, tại Lào và 40 tỉnh, thành của Việt Nam. Năm 2017, chuỗi khách sạn này đón bốn triệu lượt khách.

Hiện tại, xét về số địa điểm, Mường Thanh là chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam với 9.609 phòng lưu trú theo tiêu chuẩn 3 – 5 sao (tiêu chuẩn của tổng cục Du lịch Việt Nam). Nhà sáng lập Lê Thanh Thản xây dựng khách sạn đầu tiên tại Điện Biên vào năm 1997 và trong 10 năm trở lại đẩy mạnh việc xây dựng, sau đó bàn giao việc khai thác, vận hành cho con gái. Tuy nhiên một số công trình gặp rắc rối do xây dựng sai quy hoạch hoặc chưa làm đúng thủ tục xin cấp phép.

Theo Hoàng Yến, một trong các thách thức lớn nhất trong sự phát triển của Mường Thanh là thiết lập chất lượng dịch vụ đồng đều. Hoàng Yến có bằng quản lý tài chính và ngân hàng ĐH Birmingham (Anh Quốc).

Nguyễn Ngọc Mỹ hiện phụ tránh nhánh kinh doanh khách sạn và địa ốc của Alphanam Group, công ty đã rời sàn chứng khoán năm 2014 nhằm tái cơ cấu hoạt động. Là con gái của ông Nguyễn Tuấn Hải, nhà sáng lập Alphanam, ngay khi vừa du học trở về Mỹ tham gia công việc kinh doanh của gia đình, cùng cha và anh trai, Nguyễn Minh Nhật.

Sau bốn năm gắn bó với công ty gia đình, cô giúp cha đưa Alphanam mở rộng kinh doanh sang một số lĩnh vực mới. Mỹ đã được cha ủy quyền làm việc với Marriott International và Intercontinental Hotel Group, đối tác hợp tác xây dựng và quản lý ba khách sạn mà công ty đang xây dựng. Trong mảng khách sạn, cô được trao quyền khá rộng: xây dựng kế hoạch, tìm kiếm đối tác, thiết kế dự án - giám sát tiến độ thi công - quản lý vận hành và khai thác kinh doanh khi các khách sạn đi vào khai thác.

Song song với kinh doanh gia đình, ở góc độ cá nhân năm 2012 Mỹ đã lập công ty tư vấn thiết kế Salvador Perez Arroyo & Partner (SDesign), công ty thiết kế bảo tàng thư viện Quảng Ninh, đã nhận giải thưởng về kiến trúc. Trong lĩnh vực F&B cô cũng lập nhà hàng 1915 Indochine, nơi ngôi sao bóng đá David Beckham giao lưu với người hâm mộ khi sang Việt Nam vào năm 2015.

Alphanam được thành lập năm 1995, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Năm 2008, công ty tái cơ cấu, mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản và dịch vụ khách sạn. Tổng giá trị các dự án công ty đầu tư hơn 10 ngàn tỉ đồng.

Theo Forbes Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "10 nữ doanh nhân kế nghiệp" tại chuyên mục Doanh nhân.