11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền

04/10/2019 09:16

Phát hiện ung thư gan ở thời điểm con đường sự nghiệp đang rộng mở, bác sĩ Nguyễn Lê đã âm thầm tự lo liệu giấy tờ, tài sản, chuẩn bị “dọn đường” cho cái chết trong suốt 2 tháng. Thế nhưng, từ khi phát hiện bạo bệnh cho tới nay, thấm thoát đã 11 năm. Đáng nói 11 năm đó, bác sĩ Nguyễn Lê vẫn sống tốt, duy trì sức khỏe và ý chí để chiến đấu với ung thư - “nỗi ám ảnh của nhân loại”. Hơn thế, bằng chính trải nghiệm của bản thân, bác sĩ Lê còn là động lực lớn lao cho những bệnh nhân mắc phải bệnh hiểm nghèo.


Phát hiện ung thư gan ở thời điểm con đường sự nghiệp đang rộng mở, bác sĩ Nguyễn Lê đã âm thầm tự lo liệu giấy tờ, tài sản, chuẩn bị “dọn đường” cho cái chết trong suốt 2 tháng. Thế nhưng, từ khi phát hiện bạo bệnh cho tới nay, thấm thoát đã 11 năm. Đáng nói 11 năm đó, bác sĩ Nguyễn Lê vẫn sống tốt, duy trì sức khỏe và ý chí để chiến đấu với ung thư - “nỗi ám ảnh của nhân loại”. Hơn thế, bằng chính trải nghiệm của bản thân, bác sĩ Lê còn là động lực lớn lao cho những bệnh nhân mắc phải bệnh hiểm nghèo.

Ngồi tâm sự với chúng tôi, ánh mắt lấp lánh những tia sáng khi nói về những biện pháp chữa trị, hỗ trợ các bệnh nhân K nhưng cũng đượm buồn khi nhiều người còn nghi ngờ về lời khuyên thực tế, bác sĩ đã có phút trải lòng rất thật…

“Ai cũng biết sức khoẻ là quan trọng số 1 nhưng đâu có ai hành động. Cả hội trường đều đồng thanh trả lời Sức khoẻ khi được hỏi điều gì là quan trọng nhất với các bạn. Nhưng hỏi ai trong hội trường này khoẻ mạnh hoàn toàn thì lại chẳng có ai giơ tay. Vậy các bạn đang làm gì với điều quan trọng nhất ấy? Hay là vẫn đang mải mê kiếm tiền, danh vọng rồi địa vị…? Miệng nói phải giữ sức khoẻ - ai cũng biết nhưng không ai làm. Đó là thực tế!”

Thưa bác sĩ, khi phát hiện căn bệnh ác tính kia, cảm xúc của bác sĩ như thế nào?

Năm 2008, tôi phát hiện mình bị ung thư gan trong một dịp rất tình cờ. Sau khi đưa bố bạn đi siêu âm, tôi cũng nhờ anh bạn đồng nghiệp siêu âm cho mình; khi nhìn thấy khối u trên màn hình, tôi rất sửng sốt đến nín lặng, không nói được gì. Thời điểm đó, tôi vẫn đang ngày đêm chuẩn bị bảo vệ nghiên cứu sinh Tiến sĩ, công danh sự nghiệp đang mở rộng trước mắt. Quả thực, tôi suy sụp vô cùng, cảm thấy con đường phấn đấu bị dập tắt. Cậu con trai thứ hai mới 4 tháng tuổi còn chưa nhớ mặt bố.

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 1.

Trong số các loại ung thư, ung thư gan ác tính nhất, diễn biến nhanh nhất và ngắn nhất; thời gian sống trung bình mà Y học thống kê chỉ khoảng 3-6 tháng, nhiều thì 1-2 năm, hiếm người vượt qua được 3 năm. Vì thế, khi biết căn bệnh mình mắc phải, lại làm việc trong ngành nên tôi nghĩ mình chết chắc rồi. Tôi chuyên nghiên cứu và điều trị gan mật nên dựa trên những dữ liệu đã có: 1) bị nhiễm viêm gan B lâu năm từ bệnh nhân, 2) có khối u, 3) các chỉ số ung thư gan tăng, thậm chí không cần sinh thiết, tôi chắc chắn mình không thoát khỏi "lưỡi hái tử thần".

Nhận thấy cơ thể vẫn còn khỏe nên tôi tự cho mình hai lựa chọn: một là điều trị ngay nhưng hiệu quả điều trị chỉ 50/50; hai là cứ mặc kệ, chưa tham gia điều trị, ít nhất vẫn có thể sống thêm được 2, 3 tháng nữa để làm những việc đang dang dở. Cuối cùng, tôi quyết định chọn lựa chọn số 2 vì có quá nhiều điều tôi cần làm. Tôi âm thầm giấu tất cả mọi người, từ gia đình đến đồng nghiệp, vào bệnh viện Việt Xô chụp CT xét nghiệm lại, tự điều khiển mọi việc.

Đó là khoảng thời gian khủng khiếp nhất, sống một mình chuẩn bị cho cái chết.

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 2.

Từ căn bệnh của mình, bác sĩ nghĩ thế nào về vai trò của việc đi khám tổng quát định kì?

Thực tế là bản thân tôi ít đi khám sức khỏe - đó cũng là hiện trạng của người dân Việt Nam mình nói chung, rất lười khám định kì. Đi học nước ngoài, tôi quan sát thấy người phương Tây điều trị hiệu quả không phải do bác sĩ họ giỏi hay máy móc hiện đại, mà bởi vì bệnh nhân thường đến sớm. Ngược lại, hầu hết các bệnh nhân ung thư Việt Nam, phải đến 70-80%, tới bệnh viện vào giai đoạn muộn. Bác sĩ có giỏi đến mấy cũng khó mà điều trị hiệu quả được.

Với ung thư, biểu hiện và triệu chứng lâm sàng xuất hiện ở những giai đoạn muộn, giai đoạn sớm thường không có. Việc phát hiện sớm thường nhờ khám sức khoẻ định kì hoặc tình cờ đi khám mà ra. Những vấn đề dự phòng ung thư như chế độ ăn uống, tập thể dục, phòng tránh chất độc hại… ai cũng biết nhưng một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là khám sức khỏe định kì lại chẳng ai để ý.

Thậm chí, nhiều người còn sợ khám vì sợ khám ra bệnh. Tâm lí rất buồn cười, đang bình thường, khỏe mạnh mà có bệnh là lại lo. Họ không hề biết rằng phát hiện ra bệnh sớm, hiệu quả điều trị rất cao. Y học đã thống kê bất kể bệnh gì khi xuất hiện triệu chứng là bệnh đã tiến triển tới 70%, chẳng hạn như bệnh nhồi máu cơ tim, có cơn đau thắt ngực đồng nghĩa với việc mạch vành đã nghẽn 70%. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu, chục triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng khám bệnh vài triệu lại kêu không có tiền, không có thời gian. Vậy tiền và thời gian của các bạn dùng để làm gì?

Bản thân các bác sĩ chúng tôi cũng như vậy, thỉnh thoảng mới hỏi nhau bao lâu chưa đi khám sức khỏe. Thậm chí, là bác sĩ nên càng chủ quan, mình "cậy" mình trong nghề mà. Công việc tuy vô cùng căng thẳng nhưng cũng không chú ý đến việc đi khám sức khỏe, còn khi phát hiện ra bệnh là muộn rồi.

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 3.

Trên nhiều phương tiện báo chí, bác sĩ có nói rằng "bị ung thư lại là một điều may mắn" với cá nhân mình. Vì sao vậy, thưa bác sĩ?

Bị bệnh, ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, tôi mới nhận ra mình cần điều gì, đâu là điều ý nghĩa thiết thực với cuộc đời mình. Những năm trước đó, tôi chỉ phấn đấu cho công danh sự nghiệp, các mối quan hệ, tiền bạc, địa vị… mà vô tình không dành thời gian cho bố mẹ, gia đình và chính mình.

Bố mẹ có mình tôi, nhà mình cách nhà ông bà có 1-2km mà cả tháng sang thăm một lần; bà nhớ quá, bà gọi điện nhưng tôi đều trả lời bận, không có thời gian, bố mẹ toàn hỏi chuyện linh tinh, thậm chí còn mắng lại. Đó là điều tôi ân hận nhất.

Sau khi phát hiện bệnh, tôi biết mình nên làm những gì mình thích, nên dành thời gian cho những người thân yêu. Đến bấy giờ, tôi mới nhận ra niềm vui duy nhất của bố mẹ chỉ là tôi mà thôi; ấy vậy, tôi đã đánh cắp niềm vui ấy suốt mấy chục năm vừa qua. Niềm vui của người già chính là được nhìn thấy con cái mỗi ngày và dù con cái có 50 hay 70 tuổi, chúng vẫn là những đứa trẻ trong mắt bố mẹ. Tôi cảm thấy những năm sau phát hiện bệnh, mình sống giá trị hơn rất nhiều so với mấy chục năm trước đó. Đó là cuộc sống vui vẻ, an nhiên, không mưu cầu danh vọng, sống buông bỏ, mang lại niềm vui cho những người xung quanh. Tôi đặt tên cho nó là "cuộc đời thứ hai".

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 4.

Sống và chiến đấu với căn bệnh ung thư hơn 11 năm, bằng chính kinh nghiệm và trải nghiệm bản thân, bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các bệnh nhân K không?

Khoảng thời gian phát hiện bệnh, một ngày tôi làm 3 công việc: sáng ra viện điều trị bệnh nhân, chiều lên lớp giảng dạy, tối về lại nghiên cứu. Thêm vào đó, tôi còn tất bật chuẩn bị bảo vệ nghiên cứu sinh - đó là những cú hích khiến tôi bị bệnh; Y học đã chứng minh được yếu tố stress có thể góp phần thúc đẩy phát triển bệnh lý ung thư. Vì thế, các bác sĩ bây giờ thường khuyên bệnh nhân nên thả lỏng tinh thần, đừng bi quan, nếu không bệnh sẽ tiến triển rất nhanh.

Ngày đầu tiên lên bàn mổ, đồng nghiệp ở bệnh viện cũng xác định tôi sẽ "đi" trong một vài tháng nữa. Tôi cũng chuẩn bị sẵn giấy ra quân, sắp xếp cho con cái, gửi chúng đi du học để tránh bơ vơ khi không còn bố. Mọi người thường hỏi tôi có bí quyết gì để sống được lâu như thế; mọi thứ tôi làm, tất cả mọi người đều biết và đều có thể làm nhưng trên thực tế, tôi làm điều mọi người vẫn nói mà không ai làm.

1. Giữ vững tinh thần. Sau khi bị bệnh, chính tôi lại là người động viên người thân của mình. Tôi sống được là nhờ mình cứ lạc quan, vui vẻ từng ngày còn lại trên đời, thả lỏng và buông bỏ tất cả mọi thứ, không tham, sân, si.

2. Tổng hợp nhiều biện pháp điều trị. Khi bệnh cấp tính, mình cần phải điều trị Tây y nhưng ở giai đoạn duy trì, ngăn ngừa tránh tái phát di căn lại cần nhiều biện pháp hỗ trợ thêm. Thực ra mỗi biện pháp có hạn chế và ưu điểm riêng, ở từng giai đoạn và ở thể trạng mỗi người. Tôi kết hợp đa phương thức trong điều trị.

3. Quay về nguồn gốc bệnh, cái may mắn là mức độ và sự tiến triển của bệnh không phải quá ác tính. Đồng lúc tôi bị bệnh, hai bác sĩ khác trong bệnh viện cũng phát hiện bị ung thư gan, một người là đại úy, người kia là thiếu tá. Bạn đại úy 1 tháng sau mất, bạn thiếu tá đi 3 tháng sau, còn mỗi tôi trụ lại. Tiến triển bệnh lý của các bạn kia ác tính và rất nhanh, kể cả điều trị tích cực, nên họ không qua khỏi sự tiến triển và xâm lấn của ung thư, cuối cùng bị đánh chìm. Tôi lại là người không điều trị, chờ chết trong vòng 2, 3 tháng nhưng may mắn là bệnh lý của mình không ác tính và cũng đã kịp thời can thiệp xử lí điều trị cắt bỏ - đó là biện pháp triệt để đối với các căn bệnh ung thư khi còn có thể.

Tôi biết nhiều người có đầy đủ mọi thứ, từ tinh thần đến điều kiện kinh tế để điều trị nhưng căn bệnh quá ác tính nên không qua khỏi. Kết hợp 3 điều này, tôi nghĩ là mình sống sót chứ tôi không có gì là đặc biệt trong việc điều trị bệnh.

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 5.

Nhắc đến việc kết hợp cả Tây y và Đông y trong điều trị bệnh lý ung thư, phải chăng hiện tại phương pháp này của bác sĩ đang gặp rất nhiều tranh cãi từ các bác sĩ cũng như những người có chuyên môn khác?

Hiện nay, có rất nhiều người bàn luận với tôi về việc điều trị căn bệnh ung thư: nhất nhất phải là Tây y, thải trừ Đông y và các biện pháp hỗ trợ nhưng sau điều trị Tây y tích cực, bạn cần gì để duy trì sức khỏe? Nhiều người, không trong vai trò người bệnh, chỉ nói lý thuyết, không thực tế. Bản thân tôi là một bệnh nhân ung thư, đã từng giáp mặt với cái chông chênh, không rõ ràng và không biết điều trị có hiệu quả hay không. Các bệnh nhân ung thư, khi sự sống liền kề cái chết, họ đi tìm cơ hội sống ở mọi nơi, kể cả những cơ hội chỉ có giá trị 1%; họ nghe lời đồn nọ bài thuốc kia rồi làm theo cũng bởi bí bách quá rồi.

Còn việc tìm cơ hội dựa vào nhận thức của mỗi người. Tôi cũng đi tìm cơ hội nhưng tôi dựa vào cơ sở - những kiến thức mình đã có - để cơ hội có xác suất kéo dài sự sống cao hơn. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ ra ung thư không phải bệnh lý của một cơ quan mà là bệnh toàn thân, cơ quan đó chỉ là nơi biểu hiện bệnh thôi. Ung thư là bệnh toàn thân nên cần điều trị toàn diện ở tất cả các mức độ, các biện pháp, các mũi tấn công. Vì thế tôi kết hợp nhiều biện pháp để điều trị cho mình.

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 6.

Ngoài các biện pháp điều trị, chế độ ăn của bác sĩ có khác biệt nhiều so với trước khi phát hiện ra bệnh không?

Dinh dưỡng đóng vai trò bậc nhất trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân, ngay cả với người có sức khỏe bình thường. Lý do bị bệnh là mầm bệnh đó có vượt qua sức đề kháng của mình hay không, mình mới bị bệnh. Hệ miễn dịch kém, mình mắc bệnh. Biện pháp ngăn chặn bệnh là mình giữ cho thể trạng bản thân tốt.  Sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt hay không, phụ thuộc phần ít vào gen di truyền, môi trường… còn quan trọng số 1 vẫn là chế độ dinh dưỡng và tập luỵện hằng ngày.

Dinh dưỡng phải đủ chất và hợp lí. Với người bệnh, điều đó càng quan trọng hơn. Hệ miễn dịch ở người bệnh đã kém lắm rồi; còn với bệnh nhân ung thư, hệ miễn dịch gần như mất vai trò. Quá trình điều trị bệnh tích cực, bao gồm hóa, xạ trị, càng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch nên phải tăng sức khỏe lên, nhất là dinh dưỡng. Do vậy, cái sai lầm của rất nhiều người Việt Nam nằm ở nhìn nhận dinh dưỡng đối với ung thư, kiêng khem các loại thức ăn, chỉ sợ ăn làm tế bào ung thư phát triển. Sai hoàn toàn. Tế bào và khối u ung thư lấy dinh dưỡng từ cơ thể chứ không lấy trực tiếp từ thức ăn đưa từ ngoài vào; mình không ăn thì nó vẫn lấy chất dinh dưỡng cơ mà.

Tế bào ung thư là "một đứa" háu đói, tranh giành năng lượng rất nhiều. Mình ăn nhiều không có nghĩa là nó lấy nhiều dinh dưỡng, nó chỉ lấy vừa đủ, còn đâu dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. 11 năm nay, tôi hoàn toàn không kiêng khem gì cả và thậm chí ăn cùng gia đình. Chỉ có điều khi bị bệnh, mình ăn khôn hơn thôi tức là chủ yếu ăn rau củ, hoa quả do có vitamin và khoáng chất, ăn tôm cua hải sản nhiều hơn vì ít chất béo. Ngoài ra, tôi vẫn ăn thịt bò vì thích. Tôi ăn theo nhu cầu và dưỡng chất mình cần.

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 7.

Tuy nhiên, hiện có một số tranh cãi về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh K. Các bác sĩ đều nói dinh dưỡng quan trọng nhưng bệnh nhân ăn uống có đầy đủ hay không, bác sĩ không biết. Người khỏe còn chẳng biết ăn có đủ chất hay không, nói gì đến người bệnh; một số bệnh nhân tinh thần đã kém, không muốn ăn uống gì, khả năng hấp thụ kém.

Vì thế, nếu không ăn đủ chất thì chúng ta cần đến những sản phẩm hỗ trợ như sữa, thực phẩm bổ sung với mục tiêu là bồi phụ cho sức khoẻ. Nhưng nhiều người không hiểu, lại tưởng tôi dùng thực phẩm chức năng để chữa bệnh hay từ chối các biện pháp chữa bệnh chính thống. Không hề, đó là cách tôi duy trì sức khoẻ và tuỳ vào thể trạng, cơ địa từng người, tuỳ môi trường, hoạt động khác nhau mà chế độ dinh dưỡng khác nhau.

Tôi thấy trên mạng Internet, người ta bày rất nhiều chế độ ăn dành cho người mắc bệnh ung thư. Vậy thưa bác sĩ, theo góc nhìn khoa học, có một chế độ ăn hoàn hảo nào dành cho các bệnh nhân không?

Tôi biết có rất nhiều chế độ ăn được mách bảo trên mạng nhưng từ trước đến giờ, khoa học chứng minh là không có một chế độ ăn nào cụ thể dành cho người ung thư. Điều quan trọng là phải phù hợp với từng cá thể, từng cơ địa và quan trọng số 1 vẫn là đủ chất để đảm bảo một sức khỏe tốt. Nếu không có sức khỏe thì điều trị tích cực cũng không hiệu quả. Điều trị tích cực trong ung thư là triệt để nhưng cái tích cực đó chỉ hiệu quả trên nền tảng tốt.

Ngay cả sau này cũng vậy, muốn tránh tái phát thì phải có nền tảng tốt - một sức khỏe tốt. Tôi quan niệm: trong điều trị, tinh thần và dinh dưỡng giống như nền móng của ngôi nhà, điều trị là cái tiếp theo trên nền móng đó; nền móng không vững thì làm gì cũng dễ lo nhà đổ, đó là lí do vì sao nhiều bệnh nhân sợ mổ, sợ hoá, xạ trị. Thậm chí, họ sợ sẽ chết nếu dùng các biện pháp ấy; đúng, sẽ chết nếu không có sức khỏe. Muốn điều trị hiệu quả, phải có sức khỏe tốt.

Thỉnh thoảng, muốn thư thái, tôi vẫn uống một ly bia. Tôi nhận ra rằng sống có định hướng tốt thì mình thấy khoẻ hơn.

11 năm chiến đấu với ung thư gan, bác sĩ Nguyễn Lê: Nhiều người Việt sẵn sàng bỏ bạc triệu để ăn nhậu, chơi bời nhưng bảo đi khám bệnh định kỳ lại kêu không có thời gian, tốn tiền - Ảnh 8.

Vậy bác sĩ đánh giá như thế nào về chế độ ăn chay đối với bệnh nhân ung thư?

Không có gì trên đời này là tốt hoàn toàn, xấu hoàn toàn, tất cả đều có hai mặt, sẽ có cái không đúng trong cái đúng, sẽ có cái không sai trong cái sai. Ý của tôi ở đây là phụ thuộc vào quan niệm từng người, còn với tôi, mỗi chế độ ăn không có đúng sai tốt xấu mà nó phù hợp với ai. Có những người ăn chay trường rất khỏe. Mỗi chế độ ăn có ưu nhược điểm riêng. Ăn chay tốt ở chỗ ít chất độc hại, ít axit, nhiều vitamin và khoáng chất tự nhiên nhưng nhược điểm là thiếu chất. Chế độ ăn bình thường tốt ở chỗ đủ chất nhưng kèm theo nhiều chất độc hại đi vào cơ thể.

Hơn nữa, chuyển hoá của mỗi người khác nhau. Vì thế, tôi không chê bai chế độ dinh dưỡng nào. Ngay cả trong cuốn sách "Ung thư không phải là chết", những gì tôi viết ra chỉ là kinh nghiệm của riêng mình và cung cấp thêm cho mọi người những trải nghiệm, bài học chứ không phải chỉ dẫn nên làm theo.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bác sĩ có thể chia sẻ thêm về chế độ tập luyện hiện tại được không?

Cũng giống như vấn đề dinh dưỡng, tập luyện thế nào phụ thuộc vào từng cơ địa, đàn ông khác phụ nữ, người già khác người trẻ, quan trọng là phù hợp với mình hay không. Tôi mua các dụng cụ về nhà để tập luyện như kéo tay, xà đơn xà kép… Dinh dưỡng quan trọng nhưng không luyện tập thì dinh dưỡng không những không đem lại lợi ích mà còn gây hại. Vận động thế nào tuỳ vào lứa tuổi, mức độ, thể trạng từng người. Môn thể thao nào cũng mang lại lợi ích cho cơ thể.

Ngoài mục tiêu giữ gìn sức khỏe, hiện tại, bác sĩ còn ấp ủ dự định nào cho cuộc sống cá nhân không?

Bây giờ, tôi tập trung cân bằng tâm lý, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, sống vui vẻ, chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Đối với tôi, việc ý nghĩa nhất, thiết thực nhất hiện giờ là khiến cho ông bà vui, không phải là đưa tiền hay dẫn ông bà đi ăn đi chơi, mà là được thấy con trai khỏe mạnh mỗi ngày. Thời gian còn lại trong ngày, tôi dành để tìm hiểu về các tài liệu bệnh lí ung thư.

Tôi dành thời gian của mình để hỗ trợ thêm cho người bệnh ung thư. Khi họ thấy tôi bị u ác tính mà sống hơn 10 năm, họ sẽ được tiếp thêm nghị lực, niềm tin rằng ung thư không đáng sợ, không giống như họ nghĩ "bị ung thư thì chết ngay", được thêm kiến thức từng bước một cần phải làm gì.

Các bạn, đừng để bản thân phải trải nghiệm rồi mới nhận ra, như tôi, mà hãy lấy trải nghiệm và thất bại của người đi trước để tránh cho bản thân mình, điển hình như việc khám sức khỏe định kì.

Cám ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!

Ninh Linh

Duy Anh

Hương Xuân

Theo Trí Thức Trẻ


Ninh Linh

Theo Trí Thức Trẻ