Tại văn bản số 134 ngày 17.7 gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư, UBND TP.HCM đã có những kiến nghị liên quan đến dự án này.
Khu vực của Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) nằm bên phải hầm Thủ Thiêm hướng từ quận 2 đi quận 1, đối diện Empire City đang xây dựng. Ảnh: Quỳnh Danh
Quá trình lựa chọn nhà đầu tư
Theo UBND TP.HCM, trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có trao đổi và mời gọi Tập đoàn Lotte sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Sau buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Lotte đã tiến hành nghiên cứu và triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam - trong đó, Tập đoàn Lotte đã có sự quan tâm đặc biệt đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ đó, Tập đoàn Lotte đã kiên trì nghiên cứu và thể hiện sự quyết tâm đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong suốt một thời gian dài.
Sau đó Tập đoàn Lotte (đại diện cho 7 nhà đầu tư gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte và 3 công ty Nhật Bản) đã tiến hành nghiên cứu, trình nộp hồ sơ nghiên cứu đề xuất phát triển dự án, bao gồm: đề xuất ý tưởng triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích đất phát triển dự án khoảng 125.563m2, bao gồm 12 lô đất, được quy hoạch để hình thành trung tâm tài chính - ngân hàng, khách sạn, thương mại, dịch vụ, dân cư đa chức năng và công trình giáo dục mang tầm cỡ quốc tế, với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,118 tỷ đô la Mỹ.
Qua xem xét đề xuất của nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã có công văn số 1912 ngày 10.4.2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó xin chấp thuận chủ trương lựa chọn (theo hình thức chỉ định) liên doanh Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc, gồm 7 nhà đầu tư thực hiện dự án tại khu 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư 2,118 tỷ đô la Mỹ trên quy mô 10 lô đất có tổng diện tích khoảng 99.836 m2, và đề xuất sẽ giao trước 6 lô đất diện tích 50.121 m2 (ký hiệu số 2-1; 2-2; 2-3; 2-4; 2-5 và 2-6) để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, do chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất đối với 4 lô diện tích 49.715 m2 (ký hiệu số 2-7; 2-8; 2-9; 2-11), riêng đối với 2 lô đất diện tích 25.727m2 (ký hiệu số 2-10 và 2-12) thành phố sẽ giữ lại để đầu tư xây dựng các công trình gắn với mục tiêu hình thành trung tâm tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.
Sau đó UBND TP.HCM tiếp tục có các công văn số 4423 ngày 31.7.2015 và công văn số 92 ngày 11.01.2016 làm rõ căn cứ pháp lý, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lựa chọn theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án là theo quy định tại điểm a (chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện) hoặc điểm b (chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ, hoặc thu xếp vốn) khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013.
Ngày 29.1.2016 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 731 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “UBND TP.HCM căn cứ quy định hiện hành để quyết định theo thẩm quyền việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại khu chức năng 2a theo đúng quy định của Luật Đấu thầu 2013 và chịu trách nhiệm toàn diện việc triển khai thực hiện dự án theo quy định pháp luật”.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định hiện hành, thành phố đã chỉ đạo cho các sở ngành yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ 120 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện dự án và thực hiện việc tổ chức chỉ định nhà đầu tư (không thông qua sơ tuyển) theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu đối với 6 lô đất nêu trên.
Do 4 lô đất (ký hiệu số 2-7; 2-8; 2-9; 2-11) trong tổng số 10 lô đất đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ còn 2 cơ sở tôn giáo (đã được thành phố công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa) nên UBND TP.HCM chỉ thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên 6 lô đất (ký hiêu 2-1; 2-2; 2-3; 2-4; 2-5 và 2-6) thuộc khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với diện tích đất khai thác là 50.121,90m2. Vì vậy, ngày 26.9.2016, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị được rút gọn thành phần nhà đầu tư từ 7 công ty xuống còn 4 công ty và giảm vốn xuống còn khoảng 900 triệu đô la Mỹ (do quy mô đầu tư của dự án giảm).
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM đã tổ chức triển khai quy trình chỉ định nhà đầu tư (liên danh 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte, gồm: Lotte Asset Development Co., Ltd; Lotte Shopping Co., Ltd; Hotel Lotte Co., Ltd; Lotte Engineering & Construction Co., Ltd) và ngày 28.4.2017 UBND TP.HCM ban hành quyết định số 2090 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo đó nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte để thực hiện đầu tư 6 lô đất nêu trên, vốn đầu tư dự án khoảng 900 triệu đô la Mỹ.
Ngày 26.7.2017 UBND TP.HCM đã ký hợp đồng thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất số 4647 với nhà đầu tư để thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh. Ngày 2.11.2018 UBND TP.HCM đã ký phụ lục hợp đồng số 4947 về việc cho phép doanh nghiệp dự án (công ty TNHH Lotte Properties HCMC, do liên danh 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte góp vốn thành lập để thực hiện dự án) tiếp nhận và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hợp đồng thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất Khu phức hợp thông minh.
Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) có vị trí nằm ngay lõi trung tâm hành chính mới của TP.HCM, liền kề với hầm Thủ Thiêm.
Số phận dự án sau thanh tra Thủ Thiêm
Theo Thông báo Kết luận thanh tra số 1041 ngày 26.6.2019 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Thanh tra Chính phủ có ý kiến về dự án này như sau: “UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương chỉ định 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Lotte và Vingroup tại 2 dự án (Khu phức hợp thông minh, diện tích 5,012 ha và Khu phức hợp thể thao - giải trí, diện tích 20,047 ha) là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Tuy nhiên, đến nay chưa tính và thu tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư”.
UBND TP.HCM sau đó đã lần lượt có các công văn số 4655 ngày 9.11.2019 và 5019 ngày 3.12.2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án Khu phức hợp thông minh do Tập đoàn Lotte làm chủ đầu tư tại khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có nêu 2 phương án : (1) phương án thu hồi, tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành và (2) phương án chấp thuận cho công ty TNHH Lotte Properties HCMC tiếp tục triển khai dự án. Qua phân tích ưu nhược điểm, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng chấp thuận phương án 2.
Ngày 17.4.2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 279 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó có nêu ý kiến của các cơ quan và phân tích kỹ ưu nhược điểm của từng phương án. Qua phân tích, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến nhận định đa số các cơ quan đều cho rằng phương án 2 như đề xuất của UBND TP.HCM nhiều ưu điểm thuận lợi hơn phương án 1.
Tuy nhiên, để triển khai được phương án 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ rà soát để đảm bảo sự thống nhất trong nội dung Kết luận Thanh tra số 1037 ngày 26.6.2019 và công văn số 151 ngày 6.2.2020, tạo căn cứ để xem xét, quyết định.
Sau đó Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 124 ngày 8.5.20202.
Căn cứ trên ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 279 ngày 17.4.2020 và ý kiến của Thanh tra Chính phủ tại công văn số 124 ngày 8.5.2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4590 ngày 9.6.2020 về việc “giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phương án vận dụng điều 26 Luật Đấu thầu về việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để quyết định việc lựa chọn Công ty TNHH Lotte Properties HCMC là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau khi điều chỉnh quy mô, theo đó làm cơ sở, căn cứ trình tự để quyết định lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật trong tháng 6.2020”.
Ngày 10.7.2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 448 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó có nhận định: việc tiếp tục áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đấu thầu (trong đó có lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt) để lựa chọn Công ty TNHH Lotte Properties HCMC là nhà đầu tư thực hiện dự án là không có cơ sở do nhà đầu tư của dự án đã được lựa chọn trên cơ sở UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và ký kết hợp đồng thực hiện dự án với nhà đầu tư.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng việc tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư trong trường hợp này của dự án dễ phát sinh các tranh chấp pháp lý gây bất lợi cho phía Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị việc thực hiện trình tự, thủ tục đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là chưa phù hợp với các quy định và điều kiện cụ thể của dự án, đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo lãnh đạo Chính phủ xem xét, giao UBND TP.HCM nghiên cứu, đề xuất thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án.
Phối cảnh dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City)
TP.HCM kiến nghị gỡ vướng cho dự án
Căn cứ ý kiến của các bộ ngành và Thanh tra Chính phủ nêu trên, UBND TP.HCM nhận thấy về cơ bản, các bộ ngành và Thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến thống nhất việc tiếp tục cho phép Công ty TNHH Lotte Properties HCMC là nhà đầu tư dự án để tránh các tranh chấp pháp lý, gây bất lợi cho phía Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến và đầu tư, thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, về phương án xử lý thì chưa có sự thống nhất, cụ thể:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho nhà đầu tư làm tiếp (theo phương án 2) và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ rà soát để đảm bảo sự thống nhất trong nội dung Kết luận Thanh tra số 1037 ngày 26.6.2019 và công văn số 151 ngày 6.2.2020, tạo căn cứ để xem xét, quyết định. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ có ý kiến việc cho làm tiếp cần phải có căn cứ pháp lý nên đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phương án vận dụng Điều 26 Luật Đấu thầu số 43 ngày 26.11.2013 (lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến chính thức việc thực hiện theo nội dung đề nghị của Thanh tra Chính phủ là không có tính khả thi và đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM nghiên cứ, đề xuất thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án.
Để giải quyết các vướng mắc này, UBND TP.HCM nhận thấy:
Trước đây thành phố tổ chức quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 30 ngày 17.3.2015. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25 có hiệu lực từ ngày 24.4.2020 (thay thế Nghị định 30). Trong đó, tại khoản 3 Điều 11 có quy định rõ điều kiện để tổ chức đấu thầu là dự án không thuộc đối tượng đấu giá theo quy định của Luật Đất đai. Do khu đất này đã được thành phố bồi thường, giải phóng mặt bằng nên UBND TP.HCM kiến nghị cho phép nhà đầu tư tiếp tục việc đầu tư dự án theo phương án 2 như ý kiến của bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự thống nhất của đa số các bộ.
Về căn cứ pháp lý, theo UBND TP.HCM, tại thời điểm hiện nay nếu tổ chức lại việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (kể cả trong trường hợp đặc thù quy định tại Điều 26 Luật Đầu thầu) thì dự án không đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 25, vì khu đất đã được tổ chức giải phóng mặt bằng nên phải tổ chức đấu giá theo Điều 119 Luật Đất đai.
Tuy nhiên, tại điểm i khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai có quy định các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, bao gồm: (i) “các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Căn cứ quy định nêu trên, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư tiếp tục được đầu tư dự án Khu phức hợp thông minh trên cơ sở pháp lý được giao/thuê đất không thông qua đấu giá theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai (do đây là trường hợp đặc biệt, đã được thành phố tổ chức thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư và được đa số các bộ ngành thống nhất chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện nhưng không thể tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các nội dung nêu tại Kết luận Thanh tra số 1041 ngày 26.6.2019 của Thanh tra Chính phủ).
Đồng thời, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thành phố thực hiện thủ tục giao thuê đất cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai.
Phạm Hải - Anh Tân/Người Đô Thị