WinEco

2018 rồi, ngưng lấy việc bận rộn làm thước đo sự thành công: “Không làm gì, vẫn thành công” mới đáng ngưỡng mộ

19/06/2018 12:35

Một ngày bạn có thể làm việc 8 tiếng, 10 tiếng, 16 tiếng, nhưng bạn có chắc trong khoảng thời gian đó, bạn đã phát huy hết công suất của mình? Nếu không, có thể bạn chưa biết, hiệu quả công việc lại nằm ở những giây phút bạn “không làm gì cả”.

Bên bờ sông, bác cá sấu già đang đắm mình trong giấc ngủ trưa ngon lành, chợt từ đâu bỗng xuất hiện một cậu chàng cá sấu trẻ trung tiến lại gần bác ta và hỏi: “Nghe nói bác là kẻ săn mồi dữ tợn nhất ở vùng sông nước này. Xin bác hãy truyền cho cháu bí quyết đó.”

Tỉnh dậy, bác cá sấu già nhìn chằm chằm cậu trai trẻ kia với đôi mắt ti hí, không nói không rằng, bác ta lại nhắm mắt ngủ tiếp.

Thái độ khó hiểu của bác già đã khiến cậu chàng sôi máu và cảm thấy như bị coi thường.“Cháu sẽ chứng minh cho bác thấy”, cậu nghĩ bụng. Cậu ta đã bơi đến tận thượng nguồn dòng sông để bắt vài con cá da trơn.

Sau đó, cậu trai trẻ đã nhanh nhảu bơi đến chỗ bác già vẫn đang ngủ say để khoe khoang chiến công của mình: “Hôm nay, cháu đã bắt được 2 con cá da trơn béo ngậy đó. Bác bắt được gì nào? Không có gì ư? Có lẽ bác không lợi hại như những gì người ta đồn đại rồi.”

Và thật lạ lùng, phản ứng của bác già vẫn không hề thay đổi, bác ta lại nhìn cậu trai trẻ, không nói một lời và tiếp tục trầm ngâm nổi trên mặt nước.

Vẫn không nhận được câu trả lời tử tế từ bác già, sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến cậu trai trẻ tiếp tục lặn lội lên thượng nguồn dòng sông để tìm con mồi.

Và lần này, cậu chàng đã bắt được một chú cò nhỏ. Mỉm cười mãn nguyện, cậu trai trẻ tóm gọn con mồi bằng móng vuốt sắc bén và quay lại chỗ bác già để chứng minh cho bác ta thấy ai mới là kẻ săn mồi thực thụ.

Nhưng cậu ta đã được tận mắt chứng kiến khung cảnh đáng sợ. Ngay sát chỗ bác cá sấu già nằm là một con linh dương vạm vỡ đang uống nước sông.

Bằng chuyển động nhanh như chớp, bác cá sấu già đã vùng lên từ mặt nước, tóm gọn con linh dương to mộng và kéo con mồi xuống sông.

Không khỏi ngưỡng mộ, cậu trai trẻ tiến lại chỗ bác già đang thưởng thức bữa ăn thịnh soạn và tiếp tục hỏi: “Xin bác … hãy chỉ cho cháu… làm thế nào…làm thế nào để bác có thể săn mồi siêu phàm như vậy?”

Nuốt chửng con linh dương, bác già cuối cùng cũng đáp lại: “Ta chẳng làm gì cả.”

2018 rồi, ngưng lấy việc bận rộn làm thước đo sự thành công: “Không làm gì, vẫn thành công” mới đáng ngưỡng mộ - Ảnh 1.Làm việc hay chỉ là kiếm được chút bận rộn để khoe khoang?

Hồi mới bắt tay vào xây dựng công ty riêng, tôi cũng giống như chú cá sấu trẻ kia, tôi tin rằng tôi phải siêng năng làm việc thì mới đạt được thành công.

Hồi đó, nếu ai đó nói với tôi rằng nếu dành nhiều thời gian hơn vào việc “chẳng làm gì cả”, tôi sẽ còn gặt hái thành tựu to lớn hơn, tôi sẽ chớp mắt ngạc nhiên rồi lại tiếp tục quay cuồng trong một ngày làm việc kéo dài 16 tiếng.

Bởi tôi luôn tâm niệm rằng, để thành công, tôi phải tạo dựng lên một sản phẩm gì đó, làm việc hết mình vì nó, phát triển nó và lại tiếp tục phát triển một sản phẩm khác.

Tất cả chúng ta đều tự hào khi mang bên mình 2 chữ “bận rộn”. Tuy nhiên, bận rộn và thành công là 2 khái niệm chẳng liên quan đến nhau. Và tôi cho rằng, nếu chúng ta trân trọng việc “không làm gì” hơn việc cố gắng làm tất cả mọi thứ, ta sẽ tóm được những con linh dương béo mộng thay vì những chú cá da trơn nhỏ bé.

Bí quyết này hữu ích với bản thân tôi, và tôi hi vọng nó cũng sẽ đem lại thành công cho bạn.

Tuy nhiên, việc “làm ít hoặc không làm gì” đó, nói thì dễ làm mới khó, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang quay cuồng trong cơn lốc bận rộn này. Hãy xoay ống kính của bạn để có cái nhìn cận cảnh hơn về việc sự bận rộn đã trở thành nỗi ám ảnh bủa vây quanh chúng ta ra sao.

Nạn dịch “bận rộn thái quá” đang hoành hành.

Loài người đã phải đánh vật với sự bận rộn từ năm 425 trước công nguyên, khi Homer mang kiệt tác Odyssey đến trái đất này. Tác phẩm này kể về "Lotus-eaters" – những kẻ suốt ngày chỉ lười biếng ăn hoa sen và chẳng làm gì cả. Và lạ lùng hơn, họ luôn hài lòng về cuộc sống “chây lười” đó.

Sau khi một số thủy thủ đoàn của Odysseus ăn loại quả của người “Lotus-eaters”, và giống như các "Lotus-eaters", họ đã dần trở nên hài lòng với chính cuộc sống của mình, muốn nghỉ ngơi và trở nên biếng nhác.

Khốn khổ hơn nữa, sau khi ăn “trái cấm” đó, các thành viên còn trở nên nhụt chí, không có đủ động lực để trở về nhà. Chứng kiến tinh thần rệu rã của binh đoàn, Odysseus đã phải ra lệnh trói chặt họ lên thuyền và yêu cầu khởi hành ngay lập tức.2018 rồi, ngưng lấy việc bận rộn làm thước đo sự thành công: “Không làm gì, vẫn thành công” mới đáng ngưỡng mộ - Ảnh 2.

Thú vị thay, ta có thấy bắt gặp phản ứng này của Odysseus trong CEO của các tập đoàn lớn, các nhà sáng lập Startup, các huấn luyện viên thể thao ngày nay – những con người “sống để làm việc” thực thụ, và luôn bác bỏ bất cứ thứ gì liên quan đến cảm giác tự thỏa mãn, tự bằng lòng với bản thân mình.

Tuy nhiên, họ chỉ là một phần nhỏ trong một xã hội đang bị thống trị bởi lối mòn suy nghĩ “Nếu tôi lười biếng, tôi sẽ thất bại”.

Xã hội ngày nay đang đem 2 khái niệm “giá trị của sự bận rộn” và “hiệu quả công việc” lên bàn cân để đo đếm.

Đã bao lần bạn đã từng nghe/ đã từng là một nhân vật trong cuộc đối thoại dưới đây:

“Dạo này anh thế nào?”

“Vẫn bận phát điên lên!”

“Thật tuyệt khi nghe anh nói vậy, tiếp tục chiến đấu nha.”

Càng trưởng thành, chúng ta càng ngầm hiểu rằng giá trị của một người sẽ được quyết định dựa trên số giờ làm việc của họ mỗi ngày.

Trong tác phẩm “4-hour work week” (tạm dịch: “4 giờ làm việc mỗi tuần”), Tim Ferris đã hài hước gợi ý rằng nếu bạn muốn được thăng chứng, hãy tỏ ra bận rộn hơn, làm thêm giờ chăm chỉ hơn, đánh vật và trả lời email liên tục.

Nhưng, sớm muộn tất cả chúng ta cũng phải tự vấn chính bản thân mình rằng, ta cố gắng như vậy để chứng tỏ ta là người bận rộn nhất hay là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất?

Và điều thú vị là, khi nhìn vào các vĩ nhân đang  từng ngày tô đẹp cho thế giới này, ta sẽ thấy ở họ một điểm chung – tất cả họ đều dành thời gian để được “lười biếng”.

2018 rồi, ngưng lấy việc bận rộn làm thước đo sự thành công: “Không làm gì, vẫn thành công” mới đáng ngưỡng mộ - Ảnh 3.

“Không làm gì” – Tưởng không mạnh, mà thực ra lại mạnh không tưởng.

Trong bối cảnh ngày nay khi “những người khốn khổ” chúng ta hằng ngày bị tấn công bởi biết bao cuộc họp, thông báo, và một biển công việc chưa hề vơi cạn, việc dành thời gian để nghỉ ngơi, lười biếng chút đỉnh cũng thật nan giải, còn các nhà sáng lập doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai “Tuần lễ suy nghĩ” – khoảng thời gian họ chỉ tận dụng để nhìn lại những gì mình đã làm, đọc sách, suy nghĩ, “sống ẩn dật tạm lánh khỏi guồng quay công việc”.

Từ những người trẻ như nhà sáng lập Skillshare Mike Karnjanaprakorn đến những tên tuổi lớn như Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Tim Ferris đều áp dụng phương pháp này. Và hơn nữa, chính Bill Gates là người tiên phong dẫn đầu xu hướng này.

Nhiều năm nay, khi điều hành Microsoft, Gates đã dành thời gian cho “Tuần lễ suy nghĩ” 2 lần trong năm – không cần là kỳ nghỉ lễ cầu kỳ, mà chỉ là khoảng thời gian dành trọn cho việc nghỉ ngơi.

Gates quả quyết rằng trong “Tuần lễ suy nghĩ”, thậm chỉ cả gia đình, bạn bè, nhân viên ở Microsoft cũng không được phép liên lạc với ông. Và đến nay, ông khẳng định, thành tựu mà mình gặt hái được là do các ý tưởng lớn mà ông chợt nảy ra trong khi nghỉ ngơi và “không làm gì”.

Áp dụng khoảng thời gian “không làm gì” của các vĩ nhân vào chính cuộc sống của bạn.

Bạn không cần phải “cấm vận” gia đình, bạn bè liên lạc với mình để tập trung cho kì nghỉ như Gates. Bạn có thể học theo cách của tôi.

Mỗi năm, tôi dành ra ít nhất một tuần nghỉ việc để về quê giúp bố mẹ tôi gặt hái ô liu.

Tất cả mọi thứ từ tốc độ tăng trưởng startup hay tỷ giá hối đoái sẽ tự động biến mất khỏi tâm trí khi bạn gặt hái ô liu. Đây cũng là phương pháp thiền định, tĩnh tâm hiệu quả.

Tôi biết rằng hái ô liu sẽ không đưa tôi đến đỉnh cao của công việc, nhưng với riêng tôi, đây vẫn là thước đo của sự thành công. Và tôi vẫn có thể nảy ra những ý tưởng tuyệt vời khi tâm trí tôi được thanh thản trong suốt khoảng thời gian này.2018 rồi, ngưng lấy việc bận rộn làm thước đo sự thành công: “Không làm gì, vẫn thành công” mới đáng ngưỡng mộ - Ảnh 4.

Còn nếu bạn bận rộn đến mức không thể dành ra một tuần nghỉ việc trong năm để nghỉ ngơi, hãy áp dụng phương pháp này – tận hưởng “ngày Sabát công nghệ” (Ngày Sabát là ngày lễ nghỉ ngơi và cầu nguyện trong tuần theo đạo thiên chúa giáo). Vào thứ 7 hoặc chủ nhật, hãy tự ép bản thân tắt hết các thiết bị di động như smartphone, laptop. Và cố gắng đừng xem các series phim dài tập trên Netflix.

Tránh xa những thú tiêu khiển hằng ngày, ngồi tĩnh tâm và dành cho chính bạn một không gian yên tĩnh để suy nghĩ. Khi đó, bạn mới có thời gian để nảy ra những ý tưởng mới.

Và bạn sẽ nhận ra, sau khi luyện tập theo phương pháp này, bạn cũng sẽ gặt hái được những thành tựu to lớn như bác cá sấu già ở phần đầu bài viết.

Trong khi chúng ta luôn nhắc nhở bản thân mình rằng ta phải cố gắng để đạt được thành công, cũng có những lúc, chỉ cần nhắm mắt, nằm im.

Và chờ đợi, cho đến khi con mồi béo ngậy xuất hiện.

Theo Bích Phượng/Trí Thức Trẻ