Cuộc đời là những gánh lo. Nhưng ở những độ tuổi khác nhau, những nỗi lo của bạn cũng sẽ thay đổi...
25 tuổi, khi nhiệt huyết thanh xuân bắt đầu phải đối mặt với hiện thực cuộc sống.
Khi còn nhỏ, tôi chỉ muốn lớn thật mau. Bởi vì lớn rồi mới có thể đi làm, độc lập về kinh tế, được làm mọi việc mình thích. Muốn ngồi ở đâu, sống thế nào, yêu người ra sao, mặc quần áo kiểu gì, tất cả đều do chính mình quyết định.
Sau khi tốt nghiệp, nhiệt huyết căng tràn, tiền vốn chỉ có hai bàn tay trắng, một thân một mình chuyến đến một thành phố xa lạ, tích cực kết bạn, tự cho rằng tương lai sẽ vô cùng xán lạn.
Nhà, xe, đối tượng kết hôn… mới 20 tuổi đầu ai lại đi lo mấy chuyện người già ấy? Khi đó, tôi chỉ thấy mấy chuyện này thật xa vời, như thể chúng chỉ tồn tại để bó buộc tự do của mình.
Trong khi người khác tiết kiệm chắt chiu để có tiền mua nhà, mua xe thì tôi lại sống vô cùng thoải mái, tự do, không lo nghĩ gì.
Thoáng một cái đã đến tuổi 25.
Cảm giác dường như chỉ sau một đêm, cuộc sống của tôi đã bước sang thế giới khác. Ai đó sắp kết hôn, ai đó sắp đủ tiền mua chung cư, ai đó đang xây nhà cho bố mẹ ở quê... Những tin tức như vậy cứ vô tình chui vào tai tôi. Đến bố mẹ khi gọi điện lên cũng bắt đầu giục kết hôn, sinh con.
Sao đột nhiên chúng ta lại trưởng thành rồi?
Chủ đề nói chuyện trong các buổi tụ họp dần trở thành giá nhà đất và hôn nhân. Khi nhắc đến giá nhà đất, cũng không còn như trước tặc lưỡi cho qua, mà bắt đầu ngồi tính nhẩm xem khi nào lương của mình mới đủ mua được một căn hộ.
Tuổi 25, một độ tuổi nói lớn cũng lớn mà nói nhỏ cũng nhỏ, là ranh giới giữa tuổi trẻ và tuổi trưởng thành. Ở độ tuổi này chúng ta phải định nghĩa lại cuộc sống, tình cảm, cũng như công việc.
Có lẽ ngày trước khi bị ai đó hỏi "Sao em vẫn không yêu đi?", "Sao em không tìm một công việc chính thức ổn định mà làm?"... chúng ta vẫn có thể trả lời rằng "vì em còn bé mà" để cho qua chuyện. Nhưng ở tuổi 25, câu trả lời này đã không còn được chấp nhận nữa, "25 tuổi mà còn nhỏ cái gì?".
Không thể viện cớ tuổi tác nữa, rất nhiều người bắt đầu cảm thấy sợ hãi.
Thế giới này không hoan nghênh "em bé khổng lồ", sau 25 tuổi, bạn phải học cách rời vòng tay mẹ, tự đứng lên bằng năng lực của bản thân, lo nghĩ cho các vấn đế của cuộc sống tương lai sau này.
Nhiều người thường tự lập cho mình một list những việc cần làm: dậy sớm, thăng chức tăng lương, du lịch nước ngoài, học ngoại ngữ, có người yêu… Nhưng kế hoạch là một chuyện, có thực hiện hay không lại là một chuyện khác.
Nhưng khi bạn 25, dù có vứt cái kế hoạch đó sang một bên y như lúc trước hay làm, thì bạn cũng không thể dễ dàng quên nó đi nữa. Bởi bạn phát hiện mình vẫn chẳng có gì trong tay. Những kế hoạch biến thành những vết thương trên người bạn, khiến bạn âm ỉ đau.
Đến độ tuổi này, dù đã đặt ra mục tiêu cho bản thân mình hay chưa, thì cảm giác mơ hồ trong bạn cũng sẽ dần mất đi. Tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng mình nên hoàn thành những việc gì.
Tuổi 25, chẳng ai là ngoại lệ, tôi, bạn, chúng ta, đều sẽ có nhiều điều cần lo nghĩ hơn trước đó rất nhiều.
Tết năm ngoái khi tôi nói chuyện với mẹ về những dự định tương lai, cuộc sống lí tưởng, không hưởng ứng ủng hộ như mọi khi, lần này mẹ tỏ ra không đồng ý, mẹ bày ra những hiện thực mà tôi phải đối mặt: lập gia đình, xây nhà… Những chuyện mà tôi chưa bao giờ để tâm, hoặc cố ý không để tâm.
Mẹ nói, không phải mẹ muốn ép buộc hay trách mắng gì, trước giờ mẹ luôn để tôi tự do làm điều tôi muốn, nhưng đến một độ tuổi nhất định, tôi vẫn cần phải suy nghĩ thực tế hơn, không thể sống mộng mơ mãi được. Khi những vấn đề cơ bản này chưa được giải quyết, mẹ không thể trơ mắt đứng nhìn tôi theo đuổi những thứ mà mẹ, cũng như phần đông mọi người thấy không mấy quan trọng.
"Đừng chỉ biết nghĩ cho bản thân mình." Mẹ nói.
Quan hệ huyết thống giữa người với người là không thể cắt đứt được. Hoàn cảnh trưởng thành khác nhau khiến cho chúng ta không thể hoàn toàn thấu hiểu được cảm nhận của người khác. Đồng thời, môi trường sống cũng để lại trên chúng ta những dấu vết vĩnh hằng. Mặc dù rất nhiều người cố gắng hết sức để chứng minh rằng mình có thể thoát khỏi những quan niệm áp đặt, mình vẫn sẽ sống tốt. Nhưng cuối cùng vẫn phải miễn cưỡng giơ cờ trắng đầu hàng.
Nếu không đủ kiên cường, sẽ rất khó để chống lại cả thế giới này.
Dù bạn có khoác lên mình áo giáp kiên cố đến đâu, cũng khó có thể chống lại những dị nghị, những lời ra tiếng vào. Những chi phí sinh hoạt, giá nhà đất, hôn nhân, bệnh tật... có thể hạ gục bạn bất cứ lúc nào.
Bước vào tuổi 25, chúng ta bắt đầu phải đối mặt với những chuyện đại sự trong đời.
Bắt đầu từ tuổi 25, chúng ta sẽ luôn có chuyện để lo nghĩ.
Nhưng bạn đoán xem, khi bạn 30, những nỗi lo ấy có còn mãi được không?
Theo một cuộc điều tra về các mối lo nghĩ ở độ tuổi 26-30, kết quả như sau:
96% mọi người đều có chuyện để lo, trong đó 54% ngày nào cũng lo nghĩ.
Top 3 chuyện người ta hay lo là: mục tiêu cuộc sống, tiền và sự nghiệp. Nói một cách khác, thế cũng tức là: không có mục tiêu, nghèo và làm công việc mà bản thân không thích.
"Đã độc thân, công việc lại chẳng có gì nổi bật, tương lai mờ mịt, không có mục tiêu, cả ngày chỉ biết lo lo nghĩ nghĩ." Một người đi làm văn phòng 28 tuổi, sống ở Hà Nội, lương tháng 9 triệu chia sẻ.
Thiết nghĩ, những vấn đề khiến người ta đau đầu cũng chỉ quanh quẩn với mấy chuyện đó mà thôi.
Đi làm rồi, thời gian lâu dần, tuổi tác của bạn tăng, chứ con số chuyển vào thẻ ngân hàng mỗi tháng thì vẫn thế. Rảnh rỗi thì lại lên mạng xã hội, nhìn người này đi du lịch đó đây, người kia đăng ảnh khoe tình cảm vợ chồng, người nọ khoe nhà khoe cửa...
Con nhà người ta, nam thanh nữ tú nhà người ta, xe sang nhà đẹp nhà người ta... Tất cả làm nổi bật lên bạn, một người gần 30 tuổi, vẫn không có tiền, không có người yêu, không có mục tiêu, sống không khác gì kẻ thất bại. Thế là sau khi tắt Facebook, dường như bên bạn chỉ còn lại những mối lo.
Khi được hỏi "Bạn cho cuộc sống hiện tại của bạn bao nhiêu điểm?", đa số mọi người đều chọn 6-7 điểm.
"Nếu tôi kiếm được nhiều tiền hơn, có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn."
"Nếu tôi làm công việc khác, có khi tôi sẽ vui hơn."
"Nếu tôi có người yêu, hẳn cuộc sống này sẽ dễ dàng hơn."
Nhiều người cho rằng cuộc sống của mình còn cách cái ngưỡng hoàn mỹ xa lắm, bởi vì giờ họ chưa có được thứ mình mong muốn.
Nhưng nếu cứ lo nghĩ về tiền, bạn có bao giờ hết lo được không?
Tôi có quen một anh bạn, 29 tuổi, lương tháng 25 triệu, có nhà, có vợ, có công việc tốt, nhưng không như mọi người nghĩ, anh ấy vẫn hay lo nghĩ.
"Bà xã nói muốn chuyển nhà, muốn chuyển sang căn hộ tốt hơn, ba phòng ngủ, tôi hơi lo."
Với tình hình kinh tế hiện tại của họ, cũng không phải là không đổi được, nhưng nếu chuyển nhà thì sẽ kéo theo một loạt các chi phí khác. Tất nhiên chỗ này cần thêm tiền thì chỗ kia phải bớt tiêu đi, chất lượng cuộc sống sẽ không được như hiện tại nữa.
"Con người luôn như vậy, lúc chưa có nhà thì muốn có nhà, có rồi lại muốn cái rộng hơn, tốt hơn."
Theo đuổi vật chất cũng không khác gì cố lấp đầy cái thùng không đáy. Khi lương tháng 10 triệu thì muốn lương tháng 15 triệu, được 15 triệu rồi lại muốn 20 triệu, 25 triệu. Ánh mắt của bạn luôn luôn hướng lên cao, đến nơi bạn cảm thấy chỉ cần bạn cố gắng thêm nữa là có thể chạm tay vào được. Nơi đó, bạn được mặc đồ đẹp hơn, được ăn ở những nhà hàng sang hơn, được đi xe xịn hơn, được ở phòng rộng hơn… Trên đời này, không có thứ tốt nhất chỉ có thứ tốt hơn, cũng như những lo lắng vì vật chất của bạn, không bao giờ hết.
Tương tự, những người không hài lòng với công việc, đổi việc liệu có khiến bạn hết lo nghĩ hay không?
Thực ra nếu đi làm khiến bạn cảm thấy không thoải mái, thì ngoài những yếu tố khách quan ra, đa số là do chính bản thân bạn.
Chưa hiểu rõ vấn đề của mình là ở đâu, chỉ biết mình muốn đòi hỏi cái nọ cái kia, thế là đã mơ mộng đổi sang việc khác tốt hơn. Nếu vậy, kiểu gì bạn cũng sẽ lại giẫm lên vết xe đổ mà thôi
Nói thật lòng, có ai lại chưa từng lo nghĩ chứ?
Có một khoảng thời gian, công việc của tôi lương cao nhưng lại quá nhàn hạ, gần như đến công ty cũng chỉ làm vài việc linh tinh là hết. Lúc đó tôi chợt cảm thấy, mình vẫn còn trẻ như thế, làm công việc thế này liệu có quá lãng phí thời gian không?
Tôi lo lắng. Tôi có nên đổi việc?
Sau đó tôi đi chạy bộ, chạy một lúc lâu, vừa chạy vừa nghĩ: Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Đang làm gì? Sống vì cái gì? Muốn sống thế nào?
Sau đó, những nỗi lo cũng tan biến, dường như tôi đã tìm được cho mình mục tiêu cuộc sống, có lẽ tôi sẽ đổi việc.
Sau này, còn rất nhiều những mối lo khác, nhưng tôi mặc kệ chúng, không quan tâm đến chúng nữa, cho chúng tự sinh tự diệt.
Cũng giống như chạy bền vậy.
Không biết các bạn đã từng thử chạy 30 phút bao giờ chưa. Thường thì khi chạy được một đoạn nhất định, hai chân của tôi liền rã rời, nặng trịch, rất muốn từ bỏ. Nhưng chính lúc này, nếu chuyển lực chú ý lên việc khác, vượt qua được giai đoạn này, thì sẽ không thấy mệt nữa.
Tôi gọi hiện tượng này là điểm giới hạn của đau khổ.
Khi gặp khó khăn, tôi luôn tự nhắc nhở mình rồi tất cả sẽ qua, mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn. Tôi cũng không làm gì đặc biệt cả, vẫn sống như bình thường. Thế rồi khó khăn trôi đi lúc nào không biết và tôi thì vẫn lành lặn đứng đây.
Cuối cùng, chẳng chuyện gì tôi từng lo lắng thực sự xảy ra cả.
Nhiều khi tôi cảm thấy, các mối lo nghĩ là điều tất yếu trong đời, lúc nào chúng ta cũng sẽ phải lo cái này cái nọ. Nhưng mong rằng trong từng giai đoạn cuộc đời, bạn sẽ tìm ra cách để đối mặt với chúng, để vượt qua chúng, và sống một cuộc đời thật ý nghĩa.
Theo Sandy/Trí Thức Trẻ