Thung lũng Silicon được ví như cái nôi làm nên những tên tuổi hàng đầu như Google, Facebook,... nhưng đôi khi, mọi mặt của nó cũng không toàn màu hồng như nhiều người nghĩ.
Thung lũng Silicon (California, Mỹ) là một trong những điểm đến mơ ước được làm việc của hàng triệu người trên thế giới, là cái nôi tạo nên biết bao những thương hiệu công nghệ vẻ vang nhất trong lịch sử. Thế nhưng, điều kiện làm việc lý tưởng là một chuyện, điều kiện sống của nhân viên tại đây lại là một vấn đề hoàn toàn khác, không hề đi đôi bình đẳng với nhau. Đặc biệt, đối với những thực tập sinh, nhân viên từ xa chuyển đến hoặc các "mem mới", công cuộc tìm nơi ở sẽ gần như là một nỗi thất vọng tràn trề.
Theo The Sun, trung bình một người phải trả tới 1200 USD/tháng (gần 30 triệu đồng) để có được một chỗ ở tạm bợ, không thể thỏa mãn được những nhu cầu riêng tư. Thậm chí, mức giá đó còn chưa đủ để thuê được một phòng ngủ khép kín, tất cả những gì có được là một căn nhà chung với giường tầng, đôi khi chỉ là tấm nệm kê dưới đất - mọi thứ từ học tập, làm việc cho tới sinh hoạt đều phải chung chạ với nhiều người khác cùng thuê, không có không gian riêng chút nào.
Toàn cảnh một khu nhà chung cho người ở Thung lũng Silicon.
Nếu muốn tìm tới những căn hộ cho thuê chỉn chu với 2 phòng ngủ, mức giá trung bình sẽ là 4400 USD/tháng (hơn 100 triệu đồng). Đó đích thị là con số quá lớn đối với những nhân viên tập sự hoặc mới bước chân vào nghề, kể cả khi được làm việc cho những ông lớn hàng đầu như Apple, Facebook, Google...
Do vậy, mức giá 1200 USD ban đầu cũng quá hời so với mặt bằng chung, và đó là tất cả những gì ưu ái nhất có thể tìm được. Một trong những dịch vụ cho thuê phòng sinh hoạt chung nổi nhất tại California là PodShare, với hơn 7 tụ điểm được đặt rải rác tại California và Los Angeles. Ít nhất, PodShare cũng cung cấp thêm cho mỗi người một tủ đồ riêng, kệ sách, TV, đồ ăn vặt miễn phí (ngũ cốc, mỳ phở...), Wi-Fi chung và những cơ hội làm quen, tạo dựng mạng lưới mối quan hệ với những người cùng hoàn cảnh và ngành nghề. Ngoài ra, có một số luật ngầm cần phải tuân theo: Bắt buộc tắt đèn từ 10h tối và không được mời người khác đến ở chung.
Mọi người cảm thấy khá ổn và không có bất bình gì về chất lượng mang lại.
Đối với những khách hàng trả phí thuê, họ cho biết cũng cảm thấy khá thoải mái và chấp nhận được, không có quá nhiều lý do để phàn nàn. Đôi khi cũng có những người không hề quá khó khăn, nhưng họ vẫn chấp nhận sử dụng PodShare như một cách để tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu bản thân.
Chẳng hạn, Stephen Johnson, một chủ công ty quảng cáo hợp tác cùng Instagram, thừa nhận mình dư sức thuê một căn hộ ở gần nơi làm việc. Thế nhưng, mức giá quá cao (1750 USD/tháng) so với chất lượng diện tích nhỏ đã khiến anh suy nghĩ lại, cuối cùng quyết định ở PodShare. Với anh, như vậy vẫn đủ lãi so với những gì phải đánh đổi.
Góc phòng ấm cúng cho cá nhân 1 người.
"Tôi nghĩ ở trong những dịch vụ phòng chung thế này cũng không quá bất tiện, chỉ là một dạng nhà thuê mới mẻ thôi. Trong tương lai có lẽ nó sẽ phổ biến hơn nhiều so với nhu cầu đó," Johnson chia sẻ.
Trong khi đó, anh chàng 23 tuổi Rayyan Zahid hiện là một lập trình viên lại có sở thích khá khác biệt, không quá quan tâm đến không gian riêng cho bản thân mình. Với anh, sự riêng tư không quan trọng, chỉ cần mọi người quanh mình sống hòa thuận là đủ. Trên hết, nơi ở này giúp anh tránh khỏi việc thuê nhà ở xa cách tận 2 tiếng đi làm.
Dịch vụ nhà chung PodShare qua phóng sự của CNN
Theo Hà Thu
Trí thức trẻ