Ở tuổi 30, bạn sẽ thấy cuộc sống có sự phân chia rõ ràng đến kỳ lạ. Một bên là bạn bè bạn – những người đã có gia đình, có tiền và thành công. Một bên là bạn – độc thân, không có tiền và vẫn thất bại liên tiếp. Bạn nhìn vào họ, ghen tỵ với những gì họ có và cảm thấy mình thật kém cỏi, bế tắc.
Ở tuổi 29, có thể bạn sẽ phải chấp nhận việc ai đó rời xa mình hoặc phải đón sinh nhật một mình mà không có những người thân yêu bên cạnh. Tuổi 29, bạn cũng cần có sự chuẩn bị để chào đón tuổi 30 với sự chín chắn, trưởng thành và không được phép sợ hãi.
Ở tuổi 29, bạn không còn là cô cậu sinh viên mới ra trường non nớt, thiếu kinh nghiệm để được phép sai lầm nữa. Bạn đã có ít nhất 8 năm, thậm chí 10 năm kinh nghiệm làm việc (nếu như bạn đi làm từ trước khi ra trường).
Ở tuổi 29, bạn đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Bạn phải tự đưa ra mọi quyết định mà không có sự can thiệp của gia đình hay bạn bè. Bạn cũng cần biết tự đứng dậy khi vấp ngã, bởi chẳng có ai theo sau đỡ bạn dậy được nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tuổi 29 là ngưỡng cửa cuộc đời. Ở tuổi 29, người độc thân quẩn quanh với những mối quan hệ đến rồi đi, trong khi đó những người đã lập gia đình thì luẩn quẩn giữa những bộn bề của cuộc sống gia đình, con cái và cả những khó khăn về tài chính.
Lúc này bạn sẽ thấy cuộc sống có sự phân chia rõ ràng đến kỳ lạ. Một bên là bạn bè bạn – những người đã có gia đình, có tiền và thành công. Một bên là bạn – độc thân, không có tiền và vẫn thất bại liên tiếp. Bạn nhìn vào họ, ghen tỵ với những gì họ có và cảm thấy mình thật kém cỏi, bế tắc.
Lời khuyên ở đây là bạn đừng nhìn vào những thứ mà bạn bè mình đang có. Hãy nghĩ xem, trong khi họ đang vật lộn với con cái, với những mối quan hệ ràng buộc thì bạn đang tự do, bạn được đi tới những nơi mình thích và làm những việc mình đam mê. Còn thất bại ư? Điều đó chẳng là gì ở tuổi 29 cả!
Chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện về Jack Dorsey, đồng sáng lập Twitter – tỷ phú từng nắm trong tay khối tài sản 2,3 tỷ USD, khởi nghiệp khá muộn. Năm 2005, Dorsey 29 tuổi, vừa bỏ học ở Đại học New York, thường mặc một chiếc áo T-shirt với số điện thoại in ở mặt trước và một chiếc khuyên ở mũi.
Sau 3 tháng viết phần mềm cho một công ty nhỏ, anh chuyển tới sống trong một căn hộ lụp xụp ở San Francisco. Ngay cả một cửa hàng bán giày cũng từ chối nhận anh vào làm. Tuy nhiên, cơ hội thành tỷ phú tới với anh vào một buổi sáng khi anh đang ngồi ở Caffe Centro đường South Park và gặp Evan Williams.
Hay câu chuyện của Harland Sanders – cha đẻ của thương hiệu gà rán nổi tiếng toàn cầu KFC. Năm 1952, ở tuổi 62, Harland Sanders chính thức nhượng quyền kinh doanh thương hiệu Kentucky Fried Chicken. 12 năm sau đó, ông đã bán cổ phần của mình tại đây với giá 2 triệu USD cho một nhóm nhà đầu tư.
Bạn thấy đấy, cánh cửa cuộc đời sẽ chẳng đóng lại với bất cứ ai, chỉ là thành công đến sớm hay muộn mà thôi. Khi một cánh cửa khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra cho bạn. Do vậy, thay vì lo lắng thất bại, bạn hãy mỉm cười thật tươi và dũng cảm bước về phía trước. Hãy sống với đam mê và làm việc hết mình, thành công sẽ đến với bạn.
Nhật Minh
Theo Trí Thức Trẻ