Sinh nhật 10 tuổi Winmart

4.000 tấn vàng và giấc mơ của cụ Tiệp

27/07/2020 01:20

Kết quả công cuộc tìm kiếm kho báu của cụ Tiệp không còn bàn cãi gì nữa, kho vàng hàng ngàn tấn đến bây giờ có lẽ chỉ có trong niềm tin của ông cụ đã là người thiên cổ và một số người. Nhưng dựa vào đâu mà cụ Tiệp lại kiên định lập trường trước sau như một về bảo tàng bên dưới núi Tàu?

Cụ Tiệp đã chú ý đến “kho báu Yamashita” tại Nam Trung Bộ từ những năm 1950
Cụ Tiệp đã chú ý đến “kho báu Yamashita” tại Nam Trung Bộ từ những năm 1950)

Từ kế hoạch “Kim bách hợp”

Trong chuyện này một điều chắc chắn, là phải có những căn cứ đầy tính thuyết phục mới có thể khiến cho một đại gia máu mặt như cụ Trần Văn Tiệp, thậm chí còn có cán bộ lãnh đạo cấp cao, tin rằng kho báu núi Tàu hoàn toàn có thật.

Mọi chuyện có lẽ xuất phát từ những gì người Nhật và quân đội của họ đã làm ở nhiều nước châu Á, Đông Nam Á trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Năm 2002, cuốn sách “Những chiến binh vàng” (Gold Warriors) của đôi vợ chồng nhà văn người Mỹ Sterling Seagrave và Peggy ra mắt và sau đó được dịch ra hàng chục thứ tiếng, gây chấn động dư luận thế giới, trong đó tập trung nói đến kế hoạch “Kim bách hợp”.

Đây là một kế hoạch được lập ra bởi Thiên hoàng Hirohito và các thành viên hoàng thân từ trước Chiến tranh thế giới thứ 2, nhằm mục đích vơ vét vàng bạc của cải tại các nước châu Á để chuẩn bị tiềm lực cho kế hoạch bá chủ thế giới của Nhật Bản.

Theo đó, từ khi chiến tranh còn chưa nổ ra, Nhật đã có những hành động mang tính chiến lược về sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít. Để phục vụ chiến lược này, năm 1937 kế hoạch “Kim bách hợp” ra đời và được giao do hoàng thân Yasuhito, em trai của Nhật hoàng trực tiếp chỉ huy. Kế hoạch được triển khai một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, tất cả hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế và công nghiệp nước Nhật nhanh nhất có thể.

Thực hiện kế hoạch này, lực lượng tình báo trinh sát được tung đi khắp nơi để dò xét tình hình, địa điểm cụ thể và những thương nhân giàu có trong khi lực lượng lớn các chuyên gia giám định vàng bạc, cổ vật được điều đi các nước để phân loại của cải.

Tất cả đều một mục đích vơ vét càng nhiều càng tốt và vận chuyển, bảo vệ số lượng vàng bạc châu báu chiếm được ở 12 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đưa về Nhật Bản một cách an toàn nhất. Chỉ trong vài năm quân đội phát xít Nhật đã vơ vét được rất nhiều của cải quý giá, từ hàng nghìn tấn vàng khối ở Trung Quốc, những bức tượng Phật cổ quý hiếm ở Myanmar đến vô số đá quý ở Indonesia và những đồ gốm cổ của Triều Tiên.

Theo số liệu thống kê trong “Những chiến binh vàng”, riêng tại Nam Kinh, Trung Quốc, quân Nhật đã thu được 6.000 tấn vàng, chưa kể các báu vật khác. Số vàng này được nấu chảy ra rồi đúc khuôn thành những thỏi vàng có kích thước thống nhất, sau đó chuyển về nước.

Một phần của cải được chuyển về Nhật Bản bằng đường biển, nhưng từ năm 1943, tàu ngầm của Mỹ đã phong tỏa toàn bộ các tuyến hàng hải tại vùng biển này nên quân Nhật chỉ còn cách tạm thời chôn giấu tại chính các nước, mục đích là sau này sẽ tìm cách khai thác chuyển về Nhật Bản.

Khi đó, Đại tướng Yamashita Tomoyuki đã được giao nhiệm vụ chỉ huy kế hoạch xây dựng các kho cất giữ của cải ngầm trong lòng đất tại Philippines. Ngày 2/9/1945, tướng Yamashita cùng binh sĩ đầu hàng quân đồng minh. Ông bị tòa án binh xử tử hình một năm sau đó vì phạm nhiều tội ác chiến tranh, nhưng không hề hé lộ về những kho báu đã tự tay chôn giấu.

Tuy nhiên, các hoạt động của tướng Yamashita đã không qua được mắt các điệp viên Mỹ nằm vùng tại Philippines. Tình báo Mỹ quyết định khai thác từ người lái xe thân cận của Yamashita và có được thông tin về một số điểm nghi là nơi chứa kho báu ở vùng núi phía bắc Manila, Philippines.

Tháng 10/1945, quân đội Mỹ bí mật lên kế hoạch khai quật và chỉ riêng một tại một địa điểm, số vàng được tìm thấy đã có giá trị lên đến vài chục tỷ USD. Theo ước tính, tổng số vàng và của cải được chôn giấu tại nhiều địa điểm ở Phillippines có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD. Số vàng bạc được tìm thấy chính quyền Mỹ sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tính xác thực về sự tồn tại của kho báu quân đội Nhật chôn giấu có thể được chứng minh bằng sự việc liên quan đến cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Marcos bị phế truất năm 1986 vì cáo buộc tham nhũng và trước khi chạy sang Hawaii sống lưu vong, gia đình nhà độc tài này được cho là sở hữu khối tài sản khổng lồ nhờ đào được kho vàng của tướng Yamashita. Sau đó, năm 1992, bà góa phụ Imelda Marcos tái xác nhận chồng bà đã tìm được 4.000 tấn vàng từ kho vàng Yamashita.

Đến “kho báu Yamashita” tại Việt Nam

Tại Việt Nam, không phải đợi đến những năm sau này mà thông tin về kế hoạch “Kim bách hợp” và những kho báu liên quan đến tướng Yamashita đã xuất hiện ngay từ sau năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh.

Bởi thực tế ngay tại nước ta cho thấy, những năm 1940 khi tràn vào Việt Nam thay chân Pháp, quân đội Nhật đã cướp bóc, vơ vét rất nhiều vàng bạc của cải tại những nơi mà họ đi qua. Nhiều người Việt tin rằng, số vàng bạc khổng lồ vơ vét được, quân đội Nhật vận chuyển bằng tàu biển về nước.

Tuy nhiên, khi Nhật vận chuyển vàng trên biển Đông thì bị máy bay quân Đồng minh oanh kích nên số tàu chở báu vật được lệnh di chuyển vào một địa điểm bí mật ở ven biển Nam Trung bộ Việt Nam, nơi quân Nhật đang chiếm đóng để chôn giấu trên một ngọn đồi. Sau đó toàn bộ số tàu tham gia vận chuyển đều bị đánh đắm ở vùng biển ven bờ.

Giả thuyết này phù hợp với thông tin đưa ra trong cuốn Những chiến binh vàng, đó là năm 1943, tàu ngầm của Mỹ đã phong tỏa toàn bộ các tuyến đường vận chuyển của cải của quân đội Nhật. Chính vì vậy, việc tướng Yamashita cho chôn lấp vàng bạc tại một địa điểm tạm thời bên bờ biển là điều có thể xảy ra.

Thậm chí nhiều người tin rằng, cũng giống như việc chôn cất vàng bạc tại Philippines, sau khi mọi việc hoàn tất, toàn bộ nhân công người bản xứ, thậm chí những đốc công người Việt và kĩ sư người Nhật tham gia chôn giấu kho báu đều bị thủ tiêu sau khi lấp miệng hầm.

Bí mật của kho báu được giữ kín và chỉ có tướng Yamashita cùng một vài sĩ quan cao cấp trong quân đội Phát xít Nhật nắm giữ. Nơi chôn giấu số tài sản khổng lồ của tướng Yamashita tại Việt Nam đã được nhiều người nghiên cứu, tìm kiếm, trong đó người quan tâm nhiều nhất có lẽ là cụ Trần Văn Tiệp. Cụ Tiệp quê gốc Hải Phòng, di tản vào Sài Gòn từ năm 10 tuổi, từng tham kháng chiến chống Pháp tại đây. Trải qua rất nhiều công việc từ thợ mộc, lái xe đến làm trang trại, cụ Tiệp từng là một đại gia máu mặt trong giới buôn gỗ tại các tỉnh Buôn Mê Thuột, Sông Bé, Bình Tuy…

Lúc còn sống cụ Tiệp từng cho biết, ngay từ những năm 1953 cụ đã nắm được nhiều thông tin, hồ sơ về sự tồn tại của kho báu núi Tàu. Theo đó, thời gian năm 1944-1945, tướng Yamashita đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) trú ẩn. Tuy nhiên, sau đó 66 tàu bị không quân Đồng minh đánh chìm tại khu vực này, còn lại 18 tàu khác kịp thời chạy thoát và sau đó chính quân đội Nhật đã đưa số vàng khoảng 4.000 tấn xuống một hòn núi sát với vùng biển này.

Theo cụ Tiệp lý giải, sở dĩ quân đội Nhật chôn kho vàng này gần biển là do thuận tiện giao thông đường biển, đường bộ và đường sắt, việc trở lại vận chuyển sau này sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, họ chôn gần một kho vàng khác của vua Chăm ngày xưa để lại tại nơi này.

Ông cụ cũng cho rằng, sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng này nhưng đều thất bại. Trong khi cụ Tiệp đang âm thầm tìm hiểu tung tích kho báu được chôn ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận thì vào năm 1970, báo chí Sài Gòn liên tục đưa tin về việc Thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy xin phép chính quyền Sài Gòn đi công cán “thăm dò kim lọai quý” tại một số tỉnh trung phần, trong đó có Bình Thuận.

Năm 1971, một trực thăng dân sự của Mỹ đáp xuống đỉnh núi Tàu và các chuyên gia người Mỹ đã thuê nhân công đúc một tấm bê tông tại đây, như là để đánh dấu. Sự việc lúc đó được nhiều người dân địa phương biết đến khi một trung đội lính bảo an ở Bình Thuận nhận được lệnh bảo vệ cho chuyến khảo sát trên. 3 năm trước tại chân núi Tàu chúng tôi gặp cụ Dương Mọn, lúc đó ông cụ 92 tuổi này đã xác nhận sự việc này.

“Lính Bảo an canh phòng nghiêm ngặt, dân thường không ai được lên núi. Họ (ý nói người Mỹ và chính quyền Sài Gòn) làm cái gì trên đó thì mình không biết được, chỉ nghe bảo là họ đến đó tìm vàng, nhưng hình như tìm không thấy…”, ông Dương Mọn kể lại.

Đang nghiên cứu về kho vàng của tướng Yamashita nên những sự việc này cụ Tiệp đều ghi lại. 2 năm sau đó, cụ Tiệp đã gặp được một người quen mà nhờ chính người này ông đã có thêm chứng cứ để tin rằng kho báu Yamashita là hoàn toàn có thật.

Người này là ông Lê Văn Bường, từng là Tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy (nay là Bình Thuận) tuy nhiên năm 1963, khi anh em nhà Ngô Đình Diệm bị giết thì ông Bường bỗng biến mất một cách bí ẩn. Nguyên nhân sâu xa được cho là bởi ông Bường nắm giữ bản đồ và bí mật kho báu Yamashita mà anh em nhà Diệm, Nhu giao cho ông giữ. Lần gặp đó ông Bường đã kể cho cụ Tiệp về câu chuyện có kho báu nằm ở núi Tàu mà bản thân ông từ trước đến nay luôn giấu kín.

Tuy nhiên, tấm bản đồ kho báu thì ông Bường cho biết lúc xảy ra vụ đảo chính tại Sài Gòn, một sỹ quan nội an Bình Tuy đã chiếm đoạt. Không lâu sau cuộc gặp trên, ông Bường bất ngờ qua đời. Tuy không có được bản đồ về vị trí chôn kho báu Yamashita nhưng câu chuyện nghe được và cái chết bí ẩn của người kể chuyện càng khiến cụ Tiệp củng cố niềm tin về kho báu.

3 năm sau đó, tức năm 1976, chính quyền tỉnh Thuận Hải đã cho thợ lặn ra Cù Lao Câu, nơi cách núi Tàu hơn 3 hải lý lặn tìm những con tàu đắm dưới biển, kết quả những con tàu đắm ở vùng biển này đều rỗng ruột. Nhiều người suy đoán, tài sản trên tàu đã được đem lên chôn giấu ở đất liền. Còn đối với cụ Tiệp, đây chính là một bằng chứng để khẳng định chắc nịch rằng đâu đó ở gần vùng biển này, khả nghi nhất là núi Tàu, là nơi quân đội Nhật đã chôn cất kho báu.

Hai ông cụ chung một giấc mơ

Sau nhiều năm dày công thu thập thông tin, chứng cứ và trực tiếp đến các địa điểm để thăm dò, năm 1990, cụ Tiệp gửi nhiều báo cáo đến chính quyền địa phương về các kho báu tại Bình Giã (Bà Rịa-Vũng Tàu) và núi Tàu (Bình Thuận). Đồng thời, cụ cũng bắt đầu chuẩn bị khá chu đáo cho kế hoạch tìm kiếm kho báu. Về tài chính, ngoài số tiền dành dụm cụ Tiệp còn thế chấp căn nhà ở quận Phú Nhuận (TPHCM) lấy 700 triệu đồng, ngoài ra cụ được các con ở trong và ngoài nước hỗ trợ.

Ngoài tài chính, một nhân tố cực kì quan trọng không thể không nói đến đó là người đồng hành của cụ Tiệp. Đó là cụ Lê Văn Hiền (1925 – 2010), bí danh Tám Hiền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay). Cụ Tám Hiền cũng có niềm tin mãnh liệt vào kho báu Yamashita và chính là người đứng ra giúp đỡ cụ Tiệp về mặt quan hệ với trung ương, địa phương để xin và gia hạn giấy phép thăm dò, tìm kiếm kho vàng ở núi Tàu.

Sinh thời cụ Tám Hiền từng kể rằng, năm 1987 khi được Trung ương điều về làm việc tại Ban Nội chính, ông đã có một số bằng chứng và cơ sở về việc quân đội Nhật chôn giấu kho báu tại núi Tàu trước khi Thế chiến thứ II kết thúc. Chẳng hạn, sự kiện tìm thấy tàu đắm ở vùng biển gần núi Tàu hay nhiều câu chuyện về người Việt từng tham gia thực hiện chôn lấp kho báu vào hang đá trên núi Tàu.

Thuyết phục hơn cả là kết quả khảo sát năm 1986 của nhóm chuyên viên Bộ Quốc phòng cho rằng có khối lượng lớn với diện tích nhiễm từ xấp xỉ 1.200m2 và có dấu vết rạn nứt nghi là hướng cửa hầm tại sườn đông, đông nam và nam trên núi Tàu.

Năm 1992, cụ Tiệp gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận xin phép khai quật kho báu đồng thời tiến hành các khâu chuẩn bị cho công cuộc tìm kiếm. Tháng 10/1993, công cuộc truy tìm kho báu được tiến hành bằng việc đào bới, san ủi trên núi Tàu, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Việc đào bới diễn ra một năm ròng rã, trải rộng trên diện tích hàng ngàn mét vuông, tuy nhiên đội khảo sát thăm dò vẫn không phát hiện được gì. Vì kết quả trên, tháng 11/1994, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác. Để tiếp tục được tìm kiếm, cụ Tiệp sau đó đã trình bày việc thăm dò vừa có tiến triển mới là tìm ra nắp hầm, đồng thời xin phép uỷ ban tỉnh cho phép dùng chất nổ để phá đá, nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Đầu năm 1995, chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép cụ Tiệp được tiếp tục thăm dò. Sau đó, việc tìm kiếm có thêm sự tham gia của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, đơn vị trực tiếp sử dụng thuốc nổ phá đá, đào hầm.

Ngoài ra cụ Tiệp cũng kí kết hợp đồng khai thác kho báu với một doanh nghiệp tại TP HCM. Đến năm 1999, sau bốn năm ròng rã đào bới bằng máy móc lẫn nổ mìn xẻ núi, đội thăm dò khảo sát do cụ Tiệp đứng đầu vẫn không tìm thấy tung tích kho báu.

Mặc dù cụ Tiệp cho là mình đã tìm thấy nhiều bằng chứng nhưng điều đó vẫn không thuyết phục được UBND tỉnh Bình Thuận. Tuy năm đó kế hoạch thăm dò bị đình chỉ, tuy nhiên cụ Tám Hiền và cụ Tiệp không từ bỏ khát vọng, hai ông già thi thoảng vẫn dắt nhau lên núi Tàu với niềm tin bất diệt.

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/4000-tan-vang-va-giac-mo-cua-cu-tiep-d104435.html

Bạn đang đọc bài viết "4.000 tấn vàng và giấc mơ của cụ Tiệp" tại chuyên mục Doanh nhân.