Sinh nhật 10 tuổi Winmart

4 cao thủ từng sử dụng Phương Thiên Họa Kích: Vô địch thiên hạ như Lữ Bố vẫn chỉ xếp hạng 2

21/12/2018 00:08

Mặc dù tên tuổi của Phương Thiên Họa Kích thường gắn liền với Lữ Bố, thế nhưng sự thực là trong lịch sử Trung Hoa có không ít cao thủ đều từng sử dụng loại kích này làm binh khí.


Mặc dù tên tuổi của Phương Thiên Họa Kích thường gắn liền với Lữ Bố, thế nhưng sự thực là trong lịch sử Trung Hoa có không ít cao thủ đều từng sử dụng loại kích này làm binh khí.

Đối với võ tướng thời cổ đại, binh khí có thể coi là thứ quý ngang với tính mạng. Nói tới lịch sử phong kiến Trung Hoa, một trong số những vũ khí nổi danh nhất phải kể đến Phương Thiên Họa Kích – vũ khí từng làm nên tên tuổi của Lữ Bố.

Theo một số giai thoại truyền lại, Phương Thiên Họa Kích từng có giai đoạn được ca ngợi là vua của các loại binh khí, thậm chí còn được ví như bá chủ trong thời đại vũ khí lạnh. Do đó, loại vũ khí lợi hại này đòi hỏi người dùng phải có trình độ tương đối cao.

Có ý kiến cho rằng, kỹ thuật sử dụng Phương Thiên Họa Kích đã được Lữ Bố luyện tập đến trình độ vô cùng thành thạo. Vì vậy, nhân vật nổi danh này cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm nên tên tuổi cho cây kích nổi tiếng trên.

Thế nhưng trên thực tế, Lữ Bố không phải là nhân vật duy nhất từng sử dụng Phương Thiên Họa Kích làm binh khí.

Theo xếp hạng của KKNews, lịch sử Trung Hoa chỉ có 4 người được đánh giá là đã dùng Phương Thiên Họa Kích tới trình độ cao thủ. Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, Lữ Bố lại không phải là người lợi hại nhất trong số đó.

Vị trí thứ tư: Quách Thịnh

4 cao thủ từng sử dụng Phương Thiên Họa Kích: Vô địch thiên hạ như Lữ Bố vẫn chỉ xếp hạng 2 - Ảnh 1.

Quách Thịnh ngồi ghế thứ 55 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, giữ chức Kiêu tướng Mã quân, nhiệm vụ bảo vệ Tống Giang. Ông đi theo quân đoàn Lương Sơn đánh trận và lập được nhiều công lao. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Quách Thịnh là một trong số 108 hảo hán Lương Sơn Bạc, mang biệt hiệu Trại Nhân Quý. Bởi vũ khí của ông là một cây Phương Thiên Họa Kích, nên họa kích pháp chính là kỹ thuật chủ đạo trong võ công của nhân vật này.

Mặc dù võ nghệ không thực sự nổi bật, nhưng biệt hiệu của ông lại được rất nhiều người biết tới.

Tương truyền rằng, Quách Thịnh giỏi sử dụng phương thiên hoạ kích, ra trận thường cưỡi ngựa trắng, mặc áo giáp bạc trông rất giống danh tướng Tiết Nhân Quý đời Đường nên được người đời gọi là Trại Nhân Quý.

Vị trí thứ ba: Lữ Phương

4 cao thủ từng sử dụng Phương Thiên Họa Kích: Vô địch thiên hạ như Lữ Bố vẫn chỉ xếp hạng 2 - Ảnh 2.

Lữ Phương và Quách Thịnh đã từng dùng kích giao chiến suốt 10 ngày không phân thắng bại rồi được mời lên Lương Sơn tụ nghĩa. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Lữ Phương cũng giống như Quách Thịnh, là một anh hùng thuộc hàng ngũ Lương Sơn Bạc.

Sinh thời, hảo hán họ Lữ này có tài múa kích giống Lữ Bố, lại cũng mến mộ cái tài của võ tướng này, vì vậy liền học tập tiền nhân, lấy Phương Thiên Họa Kích làm binh khí, cũng tự đặt cho mình biệt hiệu "tiểu Ôn hầu" (chức tước của Lữ Bố năm xưa là Ôn hầu).

Nhắc tới nhân vật trên, không ít người lầm tưởng ông có mối quan hệ họ hàng với võ tướng nổi danh Tam Quốc Lữ Bố. Tuy nhiên trên thực tế, mối liên hệ của hai nhân vật này cũng chỉ dừng lại ở biệt danh có mấy phần tương đồng và cùng sử dụng chung một loại binh khí.

Đều sử dụng Phương Thiên Họa Kích làm vũ khí, võ công của Lữ Phương cũng chỉ được xem là tương đương với Quách Thịnh, không lợi hại tới mức được mệnh danh là "vô địch thiên hạ" như Lữ Bố năm xưa.

Vị trí thứ hai: Lữ Bố

4 cao thủ từng sử dụng Phương Thiên Họa Kích: Vô địch thiên hạ như Lữ Bố vẫn chỉ xếp hạng 2 - Ảnh 3.

Mặc dù không phải là người dùng Phương Thiên Họa Kích giỏi nhất, nhưng Lữ Bố đóng vai trò không nhỏ trong việc gây dựng tên tuổi của loại vũ khí lợi hại này. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Lữ Bố, tự Phụng Tiên, là võ tướng dũng mãnh nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán. Mỗi khi nhắc tới tài năng võ thuật của nhân vật này, người đời thường dùng câu "nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố" để ví ông và ngựa quý Xích Thố là hai cực phẩm chốn nhân gian.

Năm xưa, một mình Lữ Phụng Tiên với một ngựa, một kích đã có thể tung hoành thiên hạ, khiến cho không ít kẻ nghe danh đã phải khiếp sợ.

Thế nhưng dù cho tên tuổi của Phương Thiên Họa Kích gắn liền với Lữ Bố, ông vẫn chưa phải là người lợi hại nhất trong bảng xếp hạng.

Đó là chưa kể tới việc vị tướng này tuy dũng mãnh nhưng không có tầm nhìn chiến lược, không giỏi giao thiệp, lại dễ bị sắc đẹp cám dỗ, còn mang danh vong ơn phụ nghĩa cho nên mới bị Tào Tháo đánh bại và bỏ mạng.

Do đó, việc Lữ Bố chỉ xếp thứ hai bảng xếp hạng này cũng không hề khó hiểu. Bởi cổ nhân có câu "núi cao còn có núi cao hơn", người mạnh ắt sẽ còn có kẻ mạnh hơn.

Vị trí thứ nhất: Tiết Nhân Quý

4 cao thủ từng sử dụng Phương Thiên Họa Kích: Vô địch thiên hạ như Lữ Bố vẫn chỉ xếp hạng 2 - Ảnh 4.

Ít ai biết rằng người sử dụng Phương Thiên Họa Kích giỏi nhất vốn không phải võ tướng "vô địch thiên hạ" một thời như Lữ Bố mà lại là Tiết Nhân Quý - danh tướng nổi tiếng Đường triều. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Tiết Nhân Quý là đại tướng quân nhà Đường nổi tiếng với nhiều giai thoại như "tam tiễn định Thiên San", "thần dũng thu Liêu Đông", "ngả mũ lui vạn địch"…

Trong lịch sử Trung Hoa, ông được đánh giá là một nhân tài võ thuật thuộc hàng xuất chúng, cả đời chinh chiến tứ phương, lập được rất nhiều công trạng hiển hách.

Mặc dù tên tuổi của vị tướng họ Tiết gắn với nhiều chiến công nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng vũ khí của ông cũng là một cây Phương Thiên Họa Kích.

Đối với Tiết Nhân Quý và gia tộc họ Tiết, Phương Thiên Họa Kích không đơn thuần là một loại vũ khí mà còn được xem như bảo vật gia truyền.

Cũng bởi Tiết Nhân Quý dùng cây kích này, hảo hán Quách Thịnh mến mộ ông nên đã nối gót tiền nhân, chọn Phương Thiên Họa Kích làm binh khí của mình.

Từ đó có thể thấy, các nhân vật từng sử dụng Phương Thiên Họa Kích đều là các cao thủ luyện võ. Thế nhưng trong số đó, duy chỉ có Tiết Nhân Quý mới là người cả đời vinh hiển.

Có lẽ, thứ quan trọng quyết định sự vinh – nhục của một võ tướng không chỉ là vũ khí mà chính là thời thế…

*Theo xếp hạng của KKNews


Theo Trần Quỳnh

Thời đại