Bố mẹ thường đặt rất nhiều kì vọng vào con cái, mong chúng thành thần đồng, thành công thế nhưng quan trọng nhất vẫn là quá trình giáo dục con cái chứ không phải để tố chất đưa chúng tới thành công.
Hãy theo sát hàng ngàn những đứa trẻ “siêu thông minh” trong 45 năm liền, bạn sẽ học được vài điều về việc nuôi dạy một người thành công .
Một trong những điều đáng ghi nhớ nhất là: Ngay cả những đứa trẻ có chỉ số IQ của thiên tài cũng cần có những người thầy để giúp chúng phát triển hết tiềm năng của mình.
Bắt đầu từ năm 1971, “Nghiên cứu về các thần đồng toán học” (SMPY) đã theo dõi 5.000 đứa trẻ thông minh nhất ở Mỹ - thuộc top 1%, 0,1% và thậm chí 0,01% tổng số học sinh. Đây là nghiên cứu dài hơi nhất về những đứa trẻ có tài năng thiên bẩm trong lịch sử.
Và đây là những kết luận mà họ rút ra được từ nghiên cứu.
Những đứa trẻ thần đồng đều có cuộc sống khác thường
SMPY ban đầu kiểm tra trí thông minh của trẻ bằng bài thi SAT, các bài thi đầu vào đại học và nhiều bài test IQ khác. Sau đó các nhà nghiên cứu bắt đầu xem xét các yếu tố bổ sung như tỷ lệ vào đại học và con đường sự nghiệp sau này.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ tài năng nhất đều có học vị cao, và nắm giữ số lượng bằng phát minh nhiều hơn hẳn so với những đứa trẻ ít thông minh hơn. Hầu hết chúng đều thuộc top 5% những người có thu nhập cao nhất.
Chúng không nhận được sự chú ý đầy đủ
Vấn đề ở đây là các thần đồng nhỏ tuổi thường ít được giáo viên của mình chú ý đến, vì họ đều cho rằng những đứa trẻ thông minh này đều đã phát triển hết tiềm năng của mình.
Khi các nhà nghiên cứu SMPY xem xét mức độ quan tâm mà các giáo viên dành cho những học sinh tài năng này, họ thấy rằng đa phần thời gian trong lớp các giáo viên phải tập trung giúp đỡ những học sinh kém để chúng bắt kịp các bạn còn lại.
SMPY cho rằng các thầy cô giáo nên tránh áp dụng giáo án chung chung cho mọi đối tượng, thay vào đó nên tập trung làm hết khả năng của mình để soạn các bài học đặc thù cho học sinh.
Học nhảy lớp thực ra lại có tác dụng tốt
SMPY cho rằng để giúp trẻ phát triển hết tiềm năng của mình, giáo viên và cha mẹ cần xem xét cho một đứa trẻ thần đồng lên hẳn một lớp trên.
Khi các nhà nghiên cứu so sánh một nhóm các thần đồng không nhảy lớp với các thần đồng có nhảy lớp, họ thấy rằng những em nhảy lớp có khả năng lấy bằng tiến sĩ và bằng sáng chế cao hơn những 60% - và khả năng lấy bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học cao hơn gấp đôi.
Trí thông minh ở các thần đồng rất khác nhau
Thông minh không đơn giản là có thể nhớ hết mọi thứ và nhắc lại chính xác tên cũng như ngày tháng. SMPY cho biết, qua nhiều cuộc phân tích sau đó, một số những đứa trẻ thông minh nhất đều sở hữu khả năng tư duy không gian tuyệt vời.
Những đứa trẻ này rất giỏi hình dung các hệ thống, như hệ tuần hoàn ở người hoặc bản phân tích chi tiết các bộ phận của một chiếc xe Honda. Vào năm 2013, các cuộc khảo sát kế tiếp cho thấy có mối liên hệ mạnh mẽ giữa các kỹ năng tư duy không gian với số lượng bằng sáng chế và các tiểu luận khoa học được công bố.
Các bài test tiêu chuẩn không phải lúc nào cũng vô nghĩa
Các bài test tiêu chuẩn – điển hình là SAT chẳng hạn – không thể đo lường được mọi điều mà các giáo viên và các phụ huynh cần biết về một đứa trẻ.
Nhưng dữ liệu của SMPY cho thấy SAT và các bài test trí thông minh phổ biến khác đều có khả năng dự đoán – trong khi vẫn tính đến các yếu tố như điều kiện kinh tế xã hội và mức độ tập luyện.
Camilla Benbow, một nhà nghiên cứu tham gia SMPY, nói rằng ưu điểm nổi bật nhất của các bài test này là tìm ra trẻ giỏi ở lĩnh vực nào để các giáo viên có thể tập trung sự chú ý của mình vào đó khi dạy trẻ.
Những trở ngại không làm lu mờ khả năng nhận thức ban đầu
Nhà tâm lý học Carol Dweck thấy rằng những người thành công thường có nếp suy nghĩ “tăng tiến” chứ không phải tâm lý “bất động”. Họ coi mình như một dòng chảy, có khả năng thích nghi và tăng trưởng liên tục.
SMPY đồng ý với đánh giá đó, nhưng cũng nhận thấy rằng những dấu hiệu ban đầu về khả năng nhận thức của trẻ có thể dự đoán mức độ thành công của chúng sau này, bất chấp có hay không các biện pháp bổ trợ trong quá trình từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành.
Với tương lai đầy triển vọng trong tầm tay, nhiệm vụ của cha mẹ và giáo viên là phải nhận diện được năng lực của trẻ thật sớm và nuôi dưỡng để chúng phát triển hết tiềm năng của mình.
Trí thức trẻ