1. Trước khi phỏng vấn, hãy nghiên cứu CV ứng viên một chút
Đúng là làm công tác tuyển dụng thì luôn bận rộn. Bạn sẽ thường xuyên phải đọc hàng trăm cái CV chỉ để tìm ra một ứng viên tiềm năng cho một vị trí trong công ty. Có khi, không thể tránh khỏi trường hợp mỗi CV chỉ kịp xem qua trong chưa đến 30s. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, đọc đúng trọng tâm, ghi chú lại đúng vấn đề là cả một kỹ năng.
Ví dụ, nếu ứng viên viết là “đã xây dựng mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh" sẽ khác hẳn so với “lên kế hoạch chào hàng tới đối tượng khách hàng là trưởng phòng các doanh nghiệp và mang lại 45 khách hàng mới cho công ty.” Mấu chốt ở đây là một bên đề cập chung chung và một bên mô tả khá chi tiết cũng như sử dụng từ ngữ có vẻ chuyên biệt. Nếu thông tin trong CV chỉ đưa ra chung chung mà ít có số liệu cụ thể, cũng như dùng những từ ngữ không mang tính chuyên ngành, thì nhiều khả năng thông tin mà ứng viên đó đề cập không phải là thật. Để xác định chính xác liệu ứng viên có thực sự làm được những điều họ nói trong CV không, hãy tiếp tục áp dụng những kỹ năng dưới đây trong buổi phỏng vấn trực tiếp hoặc tiến hành phỏng vấn bằng điện thoại (phone screen) với ứng viên.
2. Kỹ thuật phỏng vấn bằng câu hỏi hành vi và câu hỏi tình huống
Muốn phát hiện ứng viên nói dối khi trả lời câu hỏi thì cũng cần một chút nghệ thuật trong kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng. Như phần đầu bài viết đã chỉ ra, bạn có thể thấy những câu hỏi mà ứng viên hay trả lời thiếu trung thực nhất là đều khá bao quát và chung chung. Vì vậy, để nhận biết ứng viên có nói dối hay không, hãy hỏi chi tiết hơn. Hãy yêu cầu ứng viên đưa ra ví dụ hoặc một tình huống họ đã từng gặp thể hiện được năng lực và kinh nghiệm họ có - đây được gọi là câu hỏi phỏng vấn hành vi. Việc của bạn chỉ là lắng nghe câu trả lời xem họ có kể chi tiết không, hay là họ chỉ nói qua loa và kể lại những gì họ đã viết trong CV. Ứng viên càng trả lời chi tiết, thì họ càng đáng tin.
Một cách khác mà bạn có thể sử dụng là test kỹ năng của ứng viên. Bài test trực tiếp thường phù hợp với các kỹ năng liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ (như khả năng sử dụng thành thạo các công cụ tin học văn phòng, kỹ năng viết content, kỹ năng thiết kế...). Ví dụ, với một nhân viên bán hàng, hãy yêu cầu họ bán thử cho bạn một sản phẩm bất kỳ và xem cách họ trình bày, thuyết phục. Nếu họ nói họ tự tin với kỹ năng tổ chức, hãy thử giao cho họ lên kế hoạch đi du lịch cho toàn công ty gồm 100 người hoặc là đưa ra ý tưởng cho buổi kỷ niệm thành lập chi nhánh. Nếu họ hoàn thành được mục tiêu trong khoảng thời gian bạn cho phép, bạn sẽ biết mình có tin tưởng họ được hay không. Đây gọi là kỹ thuật đặt câu hỏi phỏng vấn tình huống.
3. Để ý đến độ logic trong câu trả lời
Nói dối trông vậy nhưng là một việc vô cùng khó; không chỉ cần "vẽ ra thứ mình không có" mà còn cần phải ghi nhớ xem lần trước mình đã nói điều gì để lần sau nói những điều khác cho khớp. Vì vậy, để biết ứng viên có nói dối hay không, bạn hãy để ý đến độ logic trong những câu trả lời của họ. Nếu họ trả lời câu trước “đá” câu sau thì bạn cần phải xem lại.
Một ví dụ ngay trong cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ 2017, một thí sinh có phát biểu rằng mình rất thích xem bóng đá. Nhưng khi được hỏi “đang có ý kiến là nên bỏ SEA Games, theo em có nên bỏ không,” câu trả lời của thí sinh lại là “SEA Games là một hoạt động toàn thế giới, không nên bỏ.” Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi được hỏi “SEA Games có bao nhiêu nước tham gia,” câu trả lời thí sinh ấy đưa ra là “24 nước.”
Từ ví dụ này, hãy nhớ để ý đến sự logic trong các câu trả lời của ứng viên. Nếu càng về sau họ trả lời càng sai lệch so với thông tin ban đầu họ đưa ra, nghĩa là họ quá thiếu kiến thức, hoặc họ chỉ đang nói dối bạn mà thôi.
4. Để ý đến những câu chuyện hoàn hảo đến mức khó tin
Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên có thể kể chuyện hoặc đưa ra các ví dụ để minh chứng cho kết quả của mình. Nhưng nếu những câu chuyện hoặc ví dụ đó hoàn hảo quá, thì bạn có thể nghi ngờ. Chẳng hạn như là ứng viên phỏng vấn cho vị trí quản lý bán hàng, và nói rằng mình đã từng phá vỡ kỉ lục, tăng doanh thu lên hơn 300%, thì bạn hoàn toàn có quyền nghi ngờ, và yêu cầu họ đưa ra bằng chứng cụ thể thông qua loại câu hỏi phỏng vấn hành vi như đã đề cập ở trên.
5. Ngôn ngữ cơ thể và giọng nói cũng có thể chỉ ra ứng viên đang nói dối
Chắc hẳn bạn đã từng đọc một số bài viết hoặc nghe nhiều người nói về cử chỉ hành động của một người thay đổi ra sao khi nói dối. Với ứng viên cũng vậy. Khi nói dối, thông thường, họ sẽ thể hiện tâm trạng bồn chồn, bứt rứt qua các hành động, như là hất tóc, nghịch tóc, khoanh tay, nhìn xuống dưới chân, đưa tay lên cổ, xoa hai lòng bàn tay lên đùi, .v.v
Ngoài ra, giọng nói của họ cũng có thể là dấu hiệu. Nếu giọng nói của họ bỗng nhiên cao hẳn lên, hoặc trầm hẳn xuống, và hơi thở trở nên gấp gáp hơn, thì nhiều khả năng là họ đang nói dối bạn đấy.
Ý Nhi/Theo Fastcompany