Những bộ phim như "Bố già" củng cố một số điều lầm tưởng về Mafia.
Liên hoan phim Tribeca đã chiếu lại 2 bộ phim "Bố già" và "Bố già: Phần II" khi bế mạc nhằm kỷ niệm 45 năm ngày bộ phim Bố già đầu tiên ra đời, và nó đã mang đến một sức sống mới cho thể loại phim đã thống trị ngành điện ảnh trong những năm 1930. Tuy nhiên, theo nhiều cách, những bộ phim này lại củng cố một số điều lầm tưởng về Mafia.
Điều lầm tưởng số 1:
Mafia không dính đến ma túy
Trong "Bố già", Michael Corleone (do Al Pacino thủ vai) trở thành mafia khi anh trai Sonny bị thảm sát trong một vụ tranh chấp ma túy. Sự chối bỏ công khai với các hoạt động buôn bán ma túy của Don Vito Corleone (Marlon Brando thủ vai) khiến nhiều người lầm tưởng rằng hoạt động này trái với các nguyên tắc của Mafia.
Trên thực tế, ma túy đã tạo ra hàng tỷ đô la thu nhập cho các băng đảng trong hàng thập niên. Trong những năm 1975-1984, hoạt động của nhóm Pizza Connection nở rộ ở New York và các thành phố ở Bờ Đông khác, mang vào nước Mỹ lượng heroin trị giá 1,6 tỷ USD.
Tư liệu của FBI cũng cho biết các bố già như Paul Castellano và Vincent Gigante ở New York và Angelo Bruno ở Philadelphia có cấm các thành viên trong tổ chức của mình dính líu đến ma túy. Nhưng nguyên nhân không phải tôn trọng nguyên tắc của Mafia, mà là do họ nhận thấy nguy cơ về pháp lý cực lớn nếu tham gia vào hoạt động này khi chính phủ liên bang tỏ ra cứng rắn trong cuộc chiến chống ma túy vào đầu thập niên 1970.
Điều lầm tưởng số 2:
Omerta, luật im lặng, là một điều thiêng liêng
Ý niệm về luật im lặng của Mafia không thể bị phá bỏ chính là đặc trưng trọng tâm trong văn hóa đại chúng về thế giới ngầm, thể hiện rõ rệt trong các bộ phim, sách, truyện và chương trình truyền hình.
Trên thực tế, điều luật ấy đã bị phá bỏ từ hàng chục năm trước khi Valachi khai về tổ chức tội phạm gia đình của mình. Trong 20 năm tiếp theo, một số thành viên đã được kết nạp của Mafia đã trở thành người cộng tác với chính quyền. Đến cuối thập niên 1980, omerta đã không còn là điều gì cao quý thiêng liêng nữa. Các thành viên băng đảng bắt đầu nhận ra rằng họ có thể thoát khỏi các vấn đề tội phạm của mình bằng cách cộng tác với chính quyền và bước lên bục làm chứng.
Điều lầm tưởng số 3:
Lễ kết nạp thành viên Mafia là một nghi lễ bí mật
Trong rất nhiều năm, nghi lễ kết nạp thành viên vào gia đình Mafia là một bí mật chỉ những người thân cận mới biết. "Một khi viên đạn đã rời khỏi họng súng, ta không bao giờ nói về nó", Joseph Massino – một sếp sòng Mafia – nói về lời thề của mình khi được kết nạp vào năm 1977.
Tất nhiên, Massimo nói điều này với tư cách là một nhân chứng vào năm 2011 khi trở thành tay trong cho chính phủ, bất chấp lời thề mà mình đã nói: không được kể về nghi lễ kết nạp thành viên.
Ngày nay, những chi tiết chính xác của nghi lễ này có thể được tái hiện trong các bộ phim về xã hội đen, và các tư liệu của FBI đã góp phần không nhỏ để soi rọi ánh sáng về hoạt động này. Nghi lễ thường diễn ra trước một bữa tối trọng đại và do người chủ gia đình Mafia thực hiện, bắt đầu bằng một nghi thức hỏi han người sắp được kết nạp. Người này sẽ được lấy máu ở ngón tay trỏ và quệt phần máu đó vào một lá bài có hình một vị thánh. Sau đó lá bài bị vò nát, vo lại trong bàn tay của người sắp được kết nạp và ném vào lửa, trong khi người này thề sẽ sống và chết vì "gia đình" của mình, nguyện sẽ "cháy như vị thánh này" nếu phản bội bất kỳ ai trong tổ chức.
Điều lầm tưởng số 4:
Bất kỳ ai làm chứng chống lại Mafia đều phải chết
Joe Pistone, đặc vụ FBI đã từng dành 6 năm sống dưới vỏ bọc là Donnie Brasco, để rồi ra tòa làm chứng chống lại Mafia bất chấp các băng đảng treo thưởng 500.000 USD cho ai lấy mạng được ông. Án tử hình thường là công cụ được sử dụng nhằm củng cố "tư cách đạo đức" trong thế giới ngầm và Pistone đã vi phạm điều cấm.
Nhưng Chương trình An ninh Nhân chứng đã cho thấy bạn vẫn an toàn khi đoạn tuyệt với Mafia. Các nhân chứng và gia đình của họ có cơ hội thoát khỏi cuộc sống tội phạm mà họ đang sống. Chương trình này bắt đầu tư năm 1971 và thường bị gọi nhầm là chương trình bảo vệ nhân chứng, chuyển họ đến một nơi ở mới với nhân dạng mới và hỗ trợ tài chính để bắt đầu một cuộc đời mới. Chương trình này đã mang lại cuộc sống mới cho hơn 8.600 nhân chứng (không phải tất cả đều là cựu thành viên các băng đảng Mafia) và 9.900 người thân của họ.
Điều lầm tưởng số 5:
Mafia không bao giờ qua lại với các nhóm tội phạm có tổ chức khác.
Hầu hết phim ảnh trên TV đều mô tả Mafia là một tổ chức biệt lập, hoạt động một mình và không dính dáng đến các tổ chức khác.
Michael Franzese, một trùm Mafia ở Colombo, đã mô tả các vụ làm ăn trong thập niên 1980 với các băng đảng ở Nga trong vụ trốn thuế xăng dầu hàng triệu USD là: "Băng đảng người Nga ở Brighton Beach trong việc làm ăn về xăng dầu – chính là đối tác tuyệt vời nhất mà tôi từng có".
Nhiều thành viên Mafia ở các thành phố khác nhau còn dính líu đến việc mua bán methamphetamine với các thành viên băng đảng moto Pagans. Và các ông trùm ở gia đình Lucchese và Colombo thường xuyên làm ăn với Leroy "Nicky" Barnes , một kẻ buôn lậu ma túy khét tiếng ở Harlem.
Rốt cuộc, Mafia như chúng ta thấy không phải sống vì niềm kiêu hãnh, mà là vì tiền – làm cách nào để có được tiền, giữ được tiền và kiếm được nhiều tiền hơn.
Đinh Vân
Theo Trí Thức Trẻ