Sinh nhật 10 tuổi Winmart

5 thói quen tài chính dưới đây sẽ giúp bạn có cuộc sống ổn định

20/08/2019 16:45

Cải thiện tài chính để tránh nguy cơ bạn rơi vào vòng xoáy nợ nần, nhiều người cho rằng đừng quan trọng cách bạn tiết kiệm, mà hãy quan trọng cách bạn kiếm tiền. Thế nhưng, nếu vì lý do nào đó bạn chưa thể kiếm được nhiều tiền thì hãy học cách tiết kiệm để giữ tình hình tài chính của bạn ở mức lạc quan. Cùng tham khảo những cách dưới đây

1. Không giữ quá nhiều tiền mặt

Nếu nắm rõ về lãi gộp, bạn sẽ chẳng muốn giữ quá nhiều tiền mặt trong người hay trong tài khoản thanh toán nữa. Cách tốt nhất để nhân số tiền lên là đầu tư vào thị trường. Nhưng đó không phải lựa chọn duy nhất. Bạn vẫn có thể đổ tiền vào các công cụ khác, như tài khoản tiết kiệm trả lãi cao, hoặc chứng chỉ tiền gửi.

2. Thu nhập tăng, nhưng chi tiêu không thay đổi

Nếu bạn mang về nhà nhiều tiền hơn năm ngoái, xin chúc mừng. Đây là một bước tiến lớn, đặc biệt nếu bạn không tăng chi tiêu.

"Giới hạn chi tiêu không phải việc dễ làm. Nhiều người thậm chí chẳng chú ý đến điều này, nhất là khi thu nhập của họ tăng lên. Nhưng nếu làm được điều đó, bạn sẽ có cơ hội chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn", chuyên gia tài chính cá nhân Eric Roberge cho biết trên Business Insider.

3. Không có các khoản nợ lãi suất cao

Lãi suất thẻ tín dụng tại Mỹ trung bình vào khoảng 17% một năm. Trong khi đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán nước này chỉ sinh lời khoảng 7% - 8%. Vì thế, nếu muốn hòa vốn, bạn sẽ phải đầu tư gấp đôi số tiền đang nợ thẻ.

Mấu chốt ở đây là hãy tránh các khoản nợ lãi suất cao, để tối đa hóa mọi đồng bạn kiếm được. Trong cuốn "Cha giàu cha nghèo" kinh điển, Robert Kiyosaki cho biết phần lớn mọi người không nhận ra rằng trong cuộc sống, quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu, mà là bạn giữ được bao nhiêu".

4. Tập trung vào những khoản tiết kiệm lớn

Chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được là quy tắc vàng về tiền bạc. Nhưng nó không phải quy tắc duy nhất.

Điều quan trọng là bạn phải cắt giảm không thương tiếc những thứ không mang lại giá trị cho cuộc sống của mình, chuyên gia tài chính Ramit Sethi cho biết. "Có những khoản tiết kiệm lớn, mà nếu làm đúng, bạn sẽ không phải lo lắng về những khoản lặt vặt nữa. Hãy tập trung vào 5 - 10 khoản lớn thay vì 50 khoản nhỏ", Sethi nói.

Ví dụ, trả nợ, tiết kiệm tự động, đàm phán tăng lương hoặc đầu tư sớm sẽ có ảnh hưởng lớn hơn là bỏ cà phê sáng hay các bữa phụ hàng tuần.

5. Có mục tiêu tài chính và có kế hoạch thực hiện

Nếu bạn có lộ trình rõ ràng, và thực sự đã bắt đầu hành động, cơ hội đạt mục tiêu của bạn đã cao hơn rất nhiều rồi.

Bạn không cần một chuyên gia giúp mình quản lý tiền bạc hay vạch ra kế hoạch. Nhưng nếu cảm thấy khó khăn, bạn hoàn toàn có thể làm điều này. Những người có cố vấn tài chính sẽ biết cách cân bằng giữa chi tiêu hiện tại và tiết kiệm trong tương lai. Họ cũng biết cách lập mục tiêu và cảm thấy tự tin rằng mình sẽ đạt mục tiêu đó.

Ý Nhi/Theo Business Insider