Sinh nhật 10 tuổi Winmart

6 câu hỏi giúp bạn tự tin mạnh dạn yêu cầu sếp tăng lương

03/12/2018 11:21

Cuối năm thường khoảng thời gian để mỗi người kiểm tra lại các mục tiêu quan trọng đã đạt được và lên day cót tinh thần "đối mặt" với sếp để thương thảo về việc tăng lương. Nhưng trước hết, hãy tự hỏi bản thân 6 câu hỏi dưới đây trước khi tranh luận với sếp về việc tăng lương

1. Tôi có thật sự được trả lương phù hợp hay không?

Mặc dù bạn có thể cảm thấy trong quá trình làm việc, bạn đã được tăng lương dựa trên kỹ năng và nỗ lực của bản thân, nhưng thực tế là mức lương của bạn có thể thấp hơn mặt bằng chung, đây là một điều rất khó tranh luận với sếp. Trước khi đặt ra vấn đề này với sếp của mình, hãy thực hiện một số thống kê để xem liệu thu nhập của bạn có ngang bằng với những người cùng đảm nhận vị trí công việc như bạn hay không. Nếu có, hoặc nếu bạn thấy rằng bạn đang được trả lương cao hơn mặt bằng chung, bạn sẽ cần phải điều chỉnh chiến lược của mình khi đi vào cuộc thảo luận nghiêm túc với sếp về vấn đề này.

2. Tôi đã làm gì xứng đáng để được tăng lương?

Tăng lương là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng bạn phải có một lý do hợp lý để yêu cầu với sếp về vấn đề này. Trước khi bạn yêu cầu một mức lương cao hơn, hãy suy nghĩ về việc liệu bạn có xứng đáng được tăng lương hay không. Nếu bạn luôn làm việc muộn, hãy tập trung "quảng cáo" với sếp về các dự án mà bạn đã tham gia, mặc dù những dự án đó không thuộc phạm vi trách nhiệm của bạn. Hoặc hãy đưa ra các bằng chứng cho thấy bạn đã làm tăng giá trị của công ty, sau đó bằng mọi cách, hãy "quảng cáo" và nhấn mạnh về điều này. Nhưng nếu bạn không thể nghĩ ra một lý do thuyết phục tại sao bạn xứng đáng được tăng lương, có lẽ vẫn chưa đến lúc thích hợp để thương thảo với sếp về vấn đề này.

3. Lần cuối cùng tôi được tăng lương là khi nào?

Trừ phi bạn làm nhà nước, còn không thì hầu chẳng có quy tắc nào yêu cầu bạn phải đợi một khoảng thời gian nhất định (thông thường là 1 năm) để được tăng lương. Ví dụ: nếu bạn được tăng lương trong tháng 7 cùng với hầu hết các đồng nghiệp của mình nhưng phạm vi trách nhiệm trong công việc của bạn đã tăng lên kể từ đó, không có gì sai khi bạn yêu cầu được tăng thêm lương sau 5 tháng cày cuốc hết mình vì công ty.

Và dĩ nhiên, sẽ rất buồn cười nếu bạn vừa nhận được quyết định tăng lương cách đây 2 tháng, và giờ đây bạn lại yêu cầu sếp tiếp tục tăng lương cho mình.

Mặt khác, nếu bạn đã làm công việc tương tự trong ba năm qua mà không có bất kỳ sự tăng lương nào, bạn có thể tranh luận với sếp rằng mặc dù trách nhiệm của bạn có thể không thay đổi, tuy nhiên giá cả vật chất leo thang mỗi ngày khiến mức lương hiện tại không còn phù hợp với bạn.

4. Yêu cầu tăng lương có khiến tôi nhận thêm được lợi ích gì không ?

Dĩ nhiên là việc có thêm tiền luôn khiến cuộc sống chúng ta thoải mái, nhưng trước khi bạn nhấn mạnh vào việc tăng lương, hãy nghĩ xem liệu khi bạn được tăng lương, liệu công ty có cắt giảm bớt phúc lợi của người lao động hay không . Ví dụ: nếu Quỹ hưu trí tư nhân (401K plan) của bạn rất tệ và sếp của bạn dường như không quan tâm đến điều này, bạn có thể yêu cầu cải thiện quỹ 401K của bạn thay vì tăng lương lên mức 2.000 USD. Và nếu trước đó, công ty của bạn chẳng quan tâm đến kỳ nghỉ của nhân viên, thì việc yêu cầu có thêm ngày nghỉ sẽ tốt hơn là việc được tăng lương thêm 1.000 USD nhưng phải cắm đầu làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, thậm chí là overtime.

5. Tôi có nên yêu cầu số tiền tôi muốn hoặc hướng đến số tiền cao hơn ?

Một trong những phần khó khăn nhất trong việc thương lượng tăng lương là xác định số tiền bạn muốn được tăng thêm. Nếu bạn trình bày mức lương bạn đang thực sự tìm kiếm, sếp của bạn chắc hẳn sẽ không "mặc cả". Mặt khác, nếu nêu ra con số quá cao, sếp của bạn sẽ cho rằng bạn là một con người "tham lam". Một sự thỏa hiệp tốt sẽ có lợi hơn cho bạn thay vì vài con số lẻ trong bảng lương. Ví dụ: nếu bạn đang hy vọng mức lương là 58.000 USD, hãy đề nghị sếp con số 60.000 USD, bởi vì rất có thể, sếp bạn sẽ "đề nghị" giảm con số 60.000 USD xuống một bậc.

6. Tôi sẽ làm gì nếu cuộc trò chuyện với sếp không suôn sẻ ?

Một thái độ tích cực khi bước vào việc "đàm phán" là chưa đủ, bạn cũng sẽ cần tính đến khả năng yêu cầu của bạn bị sếp từ chối thẳng thừng. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn cần có kế hoạch dự phòng. Trước khi ngồi xuống với sếp của bạn, hãy suy nghĩ về những gì bạn sẽ làm nếu cuộc thảo luận đó không diễn ra theo cách bạn muốn. Bạn sẽ yêu cầu một vị trí công việc khác (chẳng hạn làm việc tại nhà) như một sự thỏa hiệp? Hay bạn sẽ gật đầu lịch sự, ra khỏi phòng, và ngay tức tốc gửi hàng loạt CV đến các công ty khác? Việc biết những gì bạn sẽ làm khi đối mặt với sự từ chối sẽ giúp bạn điều hướng tốt hơn những biến cố không may nhưng có thể xảy ra.

Ý Nhi/Theo Fastcompany