Sinh nhật 10 tuổi Winmart

7 cấp độ đầu tư tài chính của Robert T.Kiyosaki

17/03/2018 06:40

Thời gian tham gia vào hoạt động đầu tư không phải là thước đo để quyết định một ai đó có phải là nhà đầu tư lão luyện hay không.

Trong trò chơi tiền bạc này, chính cách thức đầu tư, cách điều khiển để tiền đẻ ra tiền mới quyết định bạn là nhà đầu tư đích thực hay chỉ là “cờ bạc” tay ngang.

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” của Robert T. Kiyosaki, người cha giàu đã nói với con trai: “Con không thể dạy cho ai đó trở thành một nhà đầu tư lão luyện. Nhưng một người có thể học hỏi để trở thành nhà đầu tư lão luyện”. Ông cũng chỉ rõ: muốn thành công phải nắm vững 7 cấp bậc trong đầu tư tài chính:

Bậc 0: Những người không có gì để đầu tư

Những người này không có tiền để đầu tư. Hoặc là họ tiêu hết mọi thứ kiếm được, hoặc là họ chi nhiều hơn thu. Có nhiều người “giàu” rơi vào cấp bậc này vì họ tiêu xài quá mức họ kiếm được. Điều không may là 50% những người lớn đều rơi vào cấp bậc zero này.

Bậc 1: Người đi vay

Những người này thường giải quyết vấn đề tiền bạc bằng cách đi vay mượn. Họ thường đầu tư bằng số tiền vay được. Họ có thể có vài tài sản, trông có vẻ giàu có, nhưng thực tế mức nợ của họ lại quá nhiều. Hầu như họ không ý thức gì về tiền bạc và thói quen tiêu tiền của mình. Họ có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng họ không cách xa mấy sự phá sản nếu có một tai nạn nghề nghiệp xảy ra. Nếu những người đầu tư kiểu này không dám tự thay đổi mình, tương lai tài chính của họ sẽ rất ảm đạm.

Bậc 2: Người tiết kiệm

Những người này thường tiết kiệm một khoản tiền “nhỏ” đều đặn nhưng để tiêu dùng hơn là để đầu tư. Họ rất trung thành vào việc trả tiền mặt. Họ rất sợ tín dụng. Họ bỏ tiền vào những công cụ rủi ro thấp và lãi suất thấp như khoản tiết kiệm, tài khoản định kỳ. Họ thích sự an toàn của tiền trong ngân hàng.

Thế nhưng, nếu bạn không chịu học cách đầu tư và thường xuyên âu lo về các rủi ro tài chính thì tiết kiệm là một chọn lựa tốt hơn đầu tư.

Bậc 3: Những người đầu tư tài chính “ma lanh”

Nhóm này có ý thức rõ về nhu cầu đầu tư. Nhìn chung, họ là những người thông minh có nền học vấn vững vàng. Tuy nhiên, họ thiếu kiến thức về đầu tư tài chính hoặc không có sự “tinh vi chuyên nghiệp” của giới đầu tư.

Ở cấp bậc này có 3 hạng đầu tư khác nhau:
• Nhóm “không muốn bị làm phiền’’. Những người này tự thuyết phục mình là họ không hiểu gì về tiền bạc và sẽ không bao giờ muốn hiểu. Họ chỉ biết bỏ tiền vào kế hoạch hưu trí hoặc giao hết cho một chuyên viên kế hoạch tài chính luôn khuyên họ nên “đa dạng hoá”.

• Những kẻ “đa nghi”. Những người này biết hết mọi lý do tại sao một khoản đầu tư sẽ bị thất bại. Họ có vẻ thông minh, lý luận chặt chẽ. Họ thường nhảy vào thị trường khá trễ khi có sự biến động lớn, chờ đợi đám đông hay có chứng cứ rõ ràng về quyết định đầu tư của họ là đúng, mua ở giá cao và bán giá thấp.

Những người này thường có mặt ở khắp mọi nơi, ưa nghe các vụ bê bối để “truyền bá” đi, nhưng họ hầu như không có điều gì tốt để kể về thành công tài chính. Người đa nghi rất dễ khám phá ra những gì sai lầm, đó chính là cách họ tự bảo vệ mình không bị lộ tẩy sự thiếu hiểu biết của mình.

• Những người “cờ bạc”. Trong khi những kẻ “đa nghi” quá cẩn thận, nhóm nhà đầu tư tài chính loại này lại khá cẩu thả. Họ nhìn vào bất cứ kênh đầu tư nào đều giống như cách họ nhìn vào sòng bạc ở Las Vegas. Nhóm này không có một quy tắc đầu tư nào cả. Thay vì cần phải có sự cần mẫn dài hạn để học hỏi và hiểu biết, họ chỉ quan tâm đến những “mánh khoé” trong đầu tư.

Bậc 4: Những người đầu tư tài chính dài hơi

Những người này ý thức rõ về sự cần thiết đầu tư, họ CHỦ ĐỘNG trong quyết định đầu tư của mình. Họ có một KẾ HOẠCH đầu tư dài hạn được vạch sẵn để có thể giúp họ đạt được mục tiêu tài chính của mình. Họ thường tìm tòi và học hỏi trước khi bắt tay vào thực hiện đầu tư tài. Quan trọng nhất là họ biết tìm kiếm tư vấn từ những nhà kế hoạch tài chính lão luyện.
Nếu bạn chưa là một người đầu tư dài hạn, bạn hãy tự mình đến đó càng nhanh càng tốt. Điều đó có nghĩa là bạn hãy vạch ra một kế hoạch, kiểm soát những thói quen tiêu xài của mình, giảm mức nợ xuống đến mức tối thiểu.

Bậc đầu tư này đòi hỏi sự kiên nhẫn và biết tận dụng thời gian. Nếu bạn biết đầu tư sớm và đều đặn, bạn có thể trở nên giàu có. Nếu bạn bắt đầu trễ, chẳng hạn ở tuổi 45, kiểu đầu tư bậc này sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn.

Bậc 5: Những nhà đầu tư tài chính CHUYÊN NGHIỆP

Những người này có thói quen tiền bạc rất tốt, một nền tảng tiền bạc vững chắc và hiểu biết cặn kẽ về thế giới đầu tư. Họ biết cách bắt tiền bạc làm việc cho mình. Họ tập trung chứ không đa dạng hóa. Họ có một kỷ lục dài về trận thắng mà họ đạt được đều đặn, và họ có đủ trận thua để có thể tìm thấy kinh nghiệm, những bài học đáng giá rút ra từ sai lầm đó.
Họ chuyên nghiệp tới mức đủ để tham gia mối đầu tư mà những người bạn bậc 6 của họ cần vốn. Những người này kiểm soát được tỉ lệ vốn/nợ của mình, nghĩa là họ có nhiều thu nhập hơn so với mức chi phí sinh hoạt hàng ngày. Họ cẩn thận nhưng không đa nghi, và luôn mở rộng đầu óc của mình.

Những nhà đầu tư này được gọi là chuyên nghiệp là bởi vì họ có dư tiền, có một đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp mà họ tự tay lựa chọn và một kỷ lục chứng minh những thành công của họ. Họ có thể lắp ráp các khoản đầu tư khác thành một mối đầu tư lớn.

Họ nhảy vào thị trường khi người khác nhảy ra. Họ thường biết khi nào nên nhảy ra. Ở cấp bậc này, một chiến lược thoát ra còn quan trọng hơn chiến lược nhảy vào. Họ rất rõ ràng về những nguyên tắc hay những quy luật của chính họ về đầu tư. Họ có một kế hoạch và những mục tiêu cụ thể.

Bậc 6: Những nhà đầu tư tài chính thực sự

Rất ít người trên thế giới đạt được trình độ đầu tư tuyệt vời này. Những người này có thể vừa tạo ra một công việc kinh doanh lại vừa tạo ra cơ hội đầu tư cùng lúc. Mục đích của nhà đầu tư thực sự là tạo ra nhiều tiền hơn bằng cách tổng hợp hài hoà nguồn vốn, tài năng và thời gian của những người khác. Họ thường là những kẻ làm “lay động và thúc đẩy” xã hội, làm cho các quốc gia lớn trở thành trung tâm quyền lực tài chính. Chính những người này đã tạo ra công ăn việc làm, chuyện kinh doanh và hàng hóa giúp cho một quốc gia phát triển thịnh vượng.

Những người này sẽ đi đến nơi mà hầu hết mọi người đều tránh né. Họ biến nỗi sợ thành kiến thức mới, tài sản mới. Trò chơi trong cuộc đời của họ chính là trò chơi tiền tạo ra tiền. Cho dù có thắng hay thua, họ đều nói “Tôi yêu thích trò chơi này”. Và đó chính là những gì tạo nên một nhà đầu tư thực sự. Bất cứ ai có mục tiêu trở thành nhà đầu tư bậc 5 hay bậc 6 đều phải phát triển kỹ năng của mình trước hết ở bậc 4. Nếu họ không có những kỹ năng cần thiết của nhà đầu tư bậc 4 thì chỉ là một người đầu tư bậc 3, tức là một kẻ cờ bạc không hơn không kém!

T/H

Bạn đang đọc bài viết "7 cấp độ đầu tư tài chính của Robert T.Kiyosaki" tại chuyên mục Tài chính.