Ví dụ mỗi khi buột miệng nói câu: "Em sẽ thử..." hãy nhớ rằng chỉ có làm hay không làm, chứ không có thử.
1. Tôi sẽ thử…
Khi bạn nói "Tôi sẽ thử..." điều đó có nghĩa là chúng ta chưa sẵn sàng để đưa ra lời cam kết, chưa sẵn sàng để hoàn thành tốt nhất công việc. Giống như nhân vật Yoda trong bộ phim Star Wars từng nói: "Chỉ có làm hay không làm, chứ không có thử".
2. Đáng lẽ ra tôi phải...
Bản thân từ "đáng lẽ" đã mang tính tiêu cực. Nó cho thấy một sự thua cuộc và cũng không giúp dẫn tới một điều gì tích cực hơn cả. Khi chúng ta nói ra những câu như "đáng lẽ ra tôi phải..." tức là chúng ta đang tự dày vò mình bởi những điều được cho là "đáng lẽ ra phải làm".
Sự dày vò đó vô tình khiến bạn bị phân tâm và không còn đủ tỉnh táo để nhận ra những cơ hội đang hiện hữu ngay lúc này. Dù là quá khứ vui hay buồn, thay vì mãi hoài niệm về nó, hãy tập trung vào những vấn đề bạn có thể thay đổi được hôm nay và ngày mai.
3. Tôi cần nghiên cứu...
Đã bao lần chúng ta nói "tôi cần nghiên cứu cái này... tôi cần xem xét cái kia..." Rồi đổi lại bạn có thực sự đã tìm ra được vấn đề gì sau thời gian đó. Thực chất, câu nói này là một biểu hiện của sự do dự.
Phía sau câu nói "tôi cần nghiên cứu..." chính là bạn sắp đưa ra những lý do để từ chối một cơ hội nào đó. Với những người nhút nhát và do dự mọi thứ sẽ đều không thể bởi nó trông dường như không thể.
Đứng trước những quyết định khó khăn, hãy tin vào trực giác của bản thân!
4. Người ta nói...
Có thật sự quan trọng phải để tâm tới nhứng gì người ta nói không? Có người đã ly hôn chỉ sau 2 ngày kết hôn, rồi người ta nói gì? Có người thích ăn món này, có người thích ăn món kia, rồi người ta nói gì?
Những gì "người ta nói" chỉ là trên quan điểm cá nhân của họ, đừng đánh đồng tất cả để rồi nghĩ rằng mình cũng nên như thế này, hoặc không nên như thế kia. Cơ hội là do mình tạo ra, mình nắm bắt lấy, đừng cố liên tưởng tới một tiền lệ nào đó để rồi tuột mất cơ hội.
5. Cái này chẳng có gì khác...
Trong cuộc sống có rất nhiều điều tương tự nhau nhưng là vì bạn đã không thấy được sự khác biệt về bản chất.
Nói thật, chẳng phải người đang ngủ say với người chết trông gần như giống nhau sao. " Điều tương tự" mà bạn đã nói có khi còn tệ hơn thế.
6. Cái này khó thật...
Bạn đã bao nhiều lần phàn nàn rằng "cái này khó quá", hay "khó rồi đây". Bản thân từ "khó" sẽ lưu lại trong đầu chúng ta như một hàng rào ngăn chặn các dây thân kinh.
Nhiều khi bạn chưa bắt tay vào làm nhưng vì chót nói "cái này khó quá...", nó góp phần làm bạn bớt thông minh đi. Vì cứ nghĩ nó khó nên trí óc chúng ta bắt đầu đi xa khỏi trung tâm vấn đề, rồi cứ thế bị rời xa luôn cơ hội được tín nhiệm, được thăng chức, được đổi việc...
7. Thế này là tốt lắm rồi...
Rất nhiều người thường lạm dụng câu này như một câu trả lời khi ai đó hỏi. Chính xác đây là một câu trả lời tiêu cực. Với người nhận được câu trả lời này, họ chắc chắn sẽ không thấy vui vì họ biết trong ngụ ý câu nói của bạn chính là "anh đã có thể làm tốt hơn thế". Còn nếu như đây là câu nói bạn tự nói với chính mình như một cách an ủi bản thân thì lại càng không nên.
Tốt là tốt, còn không tốt là không tốt. Ở đời, một là đất người thắng hai là đất kẻ thua, dở dở ương ương đứng ở giữa thì biết đi về đâu hay là cứ chạy lòng vòng mãi thôi.
Hãy tập nghiêm khắc với bản thân hơn, để bản thân mạnh mẽ hơn, để tiến bộ hơn, để dám đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và để đủ can đảm giơ tay tóm lấy những cơ hội lớn nhất trong đời.
Trí thức trẻ