7 năm sau thương vụ phở 24: Lý Quí Trung trở lại

24/09/2018 14:52

Kết thúc thương vụ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Phở 24 cho Công ty cổ phần Việt Thái Quốc tế, ông Lý Quí Trung qua Úc định cư. Sau năm năm “dành thời gian cho gia đình nhỏ” ở xứ người, người sáng lập Phở 24 quyết định quay lại Việt Nam tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần nội thất AKA, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về ngành bán lẻ nội thất.

Khoảng thời gian xa nước, ông Trung được cho là không làm gì nhiều ngoài việc mở hai nhà hàng Việt và giảng dạy tại trường đại học. Trong một cuộc trò chuyện cách nay nhiều năm, ông từng nói rằng sẽ bán phở suốt đời. Khi ấy, Phở 24 vẫn chưa sang tên đổi chủ... “Nhờ suy nghĩ như vậy tôi mới toàn tâm toàn ý được. Có ai vừa bắt đầu đã tính chuyện bán”, ông Trung nói.

Nhưng việc xây dựng công ty để bán cũng là một xu hướng? 

Đúng là đang có xu hướng đó. Nhưng tôi nghĩ có một chi tiết các bạn trẻ cần lưu tâm, đó là đừng để chuyện xây để bán trở thành mục tiêu khởi nghiệp. Vì với suy nghĩ này, bạn đã vô tình mặc định chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu nói chung theo hướng ngắn hạn, ăn xổi ở thì - còn gì hay ho cho các nhà đầu tư nữa. Đó là lý do tại sao ở Việt Nam hiện nay, người khởi nghiệp thì nhiều mà số lượng nhận vốn đầu tư rót vào trên thực tế còn rất ít.

Thay vào đó chuyện “bán công ty” nên được nghĩ đến ở một mức độ chừng mực, một cánh cửa “đi ra” cho mình, giống như đi vào rạp hát thì cũng nên biết cửa thoát hiểm nằm Ở đâu để có chuyện còn biết đường mà chạy! Chứ không phải đi vào rạp mà cứ nhìn chằm chằm mấy cái cửa này thì còn gì là xem phim!

Trở lại với hiện tại. Giả như hoạt động kinh doanh ở Úc thuận lợi, ông có tính chuyện hồi hương? 

Việc kinh doanh ở Úc nói chung khá thuận lợi. Vì mục đích chính trong thời gian năm năm này đối với tôi chủ yếu là dành thời gian nhiều hơn cho gia đình nhỏ của mình. Làm được điều mình luôn mong muốn bao nhiêu năm nay là một niềm hạnh phúc.

Ảnh: Tạ Anh Tùng

Còn việc quay trở về Việt Nam lần này đúng ra đã nằm trong suy nghĩ của tôi trước lúc ra đi. Bởi vậy tôi vẫn tiếp tục đóng tiền điện thoại hàng tháng tuy không sử dụng trong suốt năm năm, để khi quay về có số cũ mà xài.

Ai đó từng nói, đi là để quay trở về, để nhìn lại nơi cũ với một nhãn quan mới với nhiều màu sắc mới.

Ẩm thực và đồ nội thất là hai mảng kinh doanh nổi bật của đại gia đình anh. Với mô hình này, thường người ngoài rất hiếm có cơ hội tham gia những vị trí điều hành cấp cao. Nghe nói kiến trúc sư Lý Quí Nghĩa chú của anh cũng đã quay lại tiếp quản thương hiệu Bellavita sau nhiều năm làm việc ở Mỹ. Việc anh tiếp nhận nhiệm vụ điều hành mảng bán lẻ nội thất của gia tộc liệu có phải ngẫu nhiên?

Đại gia đình tôi kinh doanh ẩm thực và nội thất nhưng lúc nào cũng được điều hành bởi một bộ máy chuyên nghiệp. Phở 24 trước đây là một ví dụ. Các chuỗi nhà hàng hay công ty nội thất cũng vậy, việc các thành viên trong gia đình tham gia vào guồng máy quản trị là dựa vào khả năng của từng người, từng trường hợp cụ thể. Tôi tham gia AKA Furniture Group là do công ty đang cần một thuyền trưởng mới có thể lèo lái con thuyền nội thất tiến xa hơn nữa. Còn tôi, thì vừa đúng lúc cảm thấy muốn quay lại làm việc với bao hoài bão to lớn như hồi nào. Tôi tin là mọi sự trên đời đều phải có cái duyên mới xảy ra.

Nếu anh hỏi yếu tố “gia đình” đóng vai trò bao nhiêu phần trăm trong quyết định chọn Công ty AKA để quay về lần này thì tôi sẽ nói chừng 20%. Phần còn lại là vì AKA đang sở hữu các sản phẩm tốt, thương hiệu tốt mà đặc biệt là thương hiệu Nhà Xinh của Việt Nam. Tôi thật sự muốn giúp thương hiệu này gần gũi hơn với người tiêu dùng và vươn ra thị trường thế giới.

Còn nếu anh hỏi tôi công việc giảng dạy và kinh doanh tại Úc đang thuận lợi sao tôi lại bỏ đi thì tôi sẽ nói rằng, ở Việt Nam tôi có thể làm nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn. Chưa kể vui hơn.

Anh nghĩ sao khi đang làm chủ doanh nghiệp đã lâu nay quay lại với vai trò một nhà điều hành chuyên nghiệp? 

Đây là câu chính tôi đã tự hỏi mình. Câu trả lời tính ra rất đơn giản, là tôi đam mê xây dựng một thương hiệu thành công chứ không phải đam mê kiếm tiền hay đam mê làm chủ. Xây dựng một thương hiệu như một cuộc chạy đua tiếp sức đường trường nhiều chặng. Trong đó, nhà sáng lập như là người phát xuất chạy chặng đầu tiên, nhưng các chặng về sau cũng quan trọng không kém. Làm sao ngọn đuốc được chuyền nhau liên tục và được chuyền đến đúng tay người nhận.

Trọng trách của người nhận đuốc là gì, thưa ông? 

Mong muốn thấy một ngày không xa, khi nói đến thương hiệu nội thất của Việt Nam thì mọi người phải bật ra ngay hai chữ Nhà Xinh. Và khi nói đến một tập đoàn nội thất uy tín nhất Việt Nam thì thương hiệu AKA phải hiện lên trước hết.

Nói thì dễ chứ làm không dễ chút nào. Nhưng chính điều đó mới làm tôi cảm thấy thú vị.

Khi nói đến hướng phát triển ra quốc tế thì cửa ra trổ theo hướng nào trước? 

Xin phép không chia sẻ cụ thể, nhưng chắc chắn là hướng có phong thủy tốt nhất!

Vậy những tháng cuối năm sẽ là câu chuyện của thị trường nội địa? 

Hiện AKA có 8 showroom Nhà Xinh và nhiều cửa hàng độc quyền các thương hiệu quốc tế chia đều cho TP.HCM và Hà Nội. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung cho thị trường nội địa, làm sao nhích lại gần hơn với người tiêu dùng ngày càng khó tính và tinh tế hơn.

Nói đúng hơn, thị trường nội địa sẽ là câu chuyện trường kỳ của Nhà Xinh và AKA, chỉ có điều trong những năm tới đây sẽ có thêm câu chuyện của thị trường quốc tế. Thị trường nội địa sẽ luôn là huyết mạch chính cho dù trong tương lai mảng xuất khẩu có lớn mạnh thế nào đi nữa. Phải thắng tại sân nhà khi đi rong chơi ở các sân xa.

Nhìn lại lịch sử doanh nghiệp thì thấy Nhà Xinh từng là một phần của AA, nhà thầu nội thất đã khẳng định danh tiếng với nhiều công trình khách sạn, resort ở cả trong và ngoài nước. AKA thừa hưởng gì từ người anh AA? 

AA có bề dày kinh nghiệm vượt trội trong lãnh vực sản xuất, thiết kế, thi công các công trình đẳng cấp thế giới. Năm 2012, AA quyết định tách phần kinh doanh bán lẻ nội thất và phần thiết kế, thi công các công trình lớn ra để tập trung chuyên sâu hơn. AKA từ đó ra đời với thương hiệu Nhà Xinh làm nòng cốt. Các thương hiệu quốc tế khác được AKA đem về thị trường Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng hơn của người tiêu dùng.

Tuy AA và AKA là hai công ty độc lập nhưng sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau làm nên sức mạnh mà không phải thương hiệu nội thất nào cũng có được.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. 

Ngoài thương hiệu Nhà Xinh vừa bước sang tuổi 19, AKA còn phân phối nhiều thương hiệu nội thất quốc tế từ Ý, Pháp và Đan Mạch như BoConcept, Calligaris, Bellavita, Baxter, Ligne Roset, Savio Firmino với mạng lưới hơn 20 cửa hàng tại những vị trí đắc địa ở TP.HCM và Hà Nội.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Người Đô Thị, ông Trung tỏ ra khá thận trọng khi được hỏi về những chỉ tiêu tài chính cơ bản, góp phần phác thảo vị thế và quy mô của AKA. Có lẽ bởi ông là người kín đáo. Cũng có thể thời gian ông tiếp quản vị trí điều hành còn khá ngắn ngủi, chưa đầy tháng.

Diệp Khuê thực hiện/Theo Người Đô Thị

 

Bạn đang đọc bài viết "7 năm sau thương vụ phở 24: Lý Quí Trung trở lại" tại chuyên mục Doanh nhân.