Những thói quen sau khi thức dậy này sẽ hủy hoại quãng thời gian còn lại trong ngày của bạn.
Dưới đây là 7 thói quen chúng ta cần tránh làm ngay sau khi thức dậy, theo các chuyên gia và nhà khoa học.
Nhấn nút hoãn báo thức
Đa phần mọi người đều nhấn nút này khi báo thức reo, bởi họ chưa sẵn sàng đối mặt với ngày mới. Ai cũng không thể chống lại cám dỗ được ngủ nướng thêm 5-10 phút nữa.
Chuyên gia về giấc ngủ Timothy Morgenthaler cho biết: "Nút hoãn báo thức không phải là một ý tưởng tốt."
Đó là bởi vì, nếu bạn ngủ trở lại sau khi chuông báo thức kêu, bạn sẽ rơi vào chu kỳ giấc ngủ mà bạn không thể hoàn thành. Thay vì tràn đầy năng lượng, bạn sẽ thức dậy trong sự uể oải.
Điều bạn nên làm là tìm ra số thời gian mình cần ngủ mỗi đêm và ngủ đủ giấc.
Co quắp trên giường
Nếu có đủ nghị lực để tỉnh dậy, bước tiếp theo bạn sẽ nằm trên giường trong trạng thái ngái ngủ. Hãy sử dụng khoảng thời gian này để khởi động cơ thể.
Theo Amy Cuddy - nhà tâm lý học tại ĐH Harvard, duỗi người là cách để bồi đắp sự tự tin mỗi khi bạn bắt đầu ngày mới.
Mặc dù không thể biết được người ta cảm thấy thoải mái vì được duỗi người hay ngược lại, Cuddy đã giải thích rằng, những người thức dậy trong tư thế chữ V "sẽ cảm thấy cực kỳ hạnh phúc."
Ngược lại, có bằng chứng cho thấy, những người thức dậy trong tư thế cuộn tròn như quả bóng sẽ "dễ cảm thấy stress hơn".
Kiểm tra email
Nếu để điện thoại ở gần khi ngủ, bạn sẽ dễ cầm điện thoại và lướt hòm thư một cách vô thức khi dậy. Tuy nhiên, bạn không nên làm vậy.
Theo Julie Morgenstern - tác giả cuốn Đừng bao giờ kiểm tra email vào buổi sáng, nếu bắt đầu buổi sáng bằng thói quen này, bạn sẽ cảm thấy kiệt sức ngay lập tức.
"Hàng loạt các yêu cầu, nhắc nhở, bất ngờ và vấn đề sẽ trải dài vô tận," cô nói. "Chẳng có gì là không thể chờ sau 1 tiếng."
Thay vào đó, Morgenstern gợi ý rằng, bạn cần tỉnh táo hoàn toàn trước khi dồn toàn bộ sự tập trung vào công việc.
Không dọn giường
Theo Charles Duhigg, tác giả cuốn The Power of Habit và Smarter Faster Better, việc dọn giường có liên quan mật thiết tới sự gia tăng năng suất lao động.
Hiện tại, vẫn còn nhiều hoài nghi liệu việc dọn giường có giúp bạn tăng hiệu quả làm việc không, hay chỉ những người sống quy củ mới thường xuyên dọn giường. Tuy nhiên, Duhigg khẳng định rằng, việc dọn giường chính là "thói quen nền tảng" tạo điều kiện "duy trì hàng loạt các thói quen lành mạnh khác".
Uống cà phê
Nếu bạn tưởng mình không thể hoạt động được nếu thiếu cà phê, hãy suy nghĩ lại.
Cơ thể của bạn thường xuyên sản sinh ra hormone cortisol - thứ điều tiết dòng năng lượng của bạn và chống lại stress - từ 8h đến 9h sáng. Vì vậy, thời gian thích hợp nhất để uống cà phê là sau 9:30.
Nếu bạn uống cà phê trước thời gian này, cơ thể của bạn sẽ bắt đầu điều tiết lại lượng hormone cortisol vào sáng sớm. Điều này sẽ khiến bạn dễ cảm thấy căng thẳng, sợ hãi hơn trong quãng thời gian còn lại của ngày.
Sửa soạn trong bóng tối
Với những người dậy từ lúc tờ mờ sáng, họ không có thói quen bật đèn mà sửa soạn đồ đạc ngay trong bóng tối.
Tuy nhiên, theo bà Natalie Dautovich của Quỹ Giấc ngủ Quốc gia tại Mỹ, đồng hồ sinh học của bạn lại khá nhạy cảm với ánh sáng và bóng tối. Vì vậy, việc sửa soạn trong bóng tối có thể khiến cơ thể nhầm lẫn rằng vẫn đang đêm. Từ đó, bạn sẽ trở nên uể oải, lờ đờ hơn suốt cả ngày dài.
Thay vào đó, bà Dautovich khuyên bạn nên bật đèn có ánh sáng mạnh để cơ thể tỉnh táo, sẵn sàng cho ngày mới.
Không có sẵn kế hoạch, nề nếp
Sau khi ngủ dậy, bạn có quá nhiều việc phải làm: uống nước, nghe nhạc, gọi điện cho bạn,...
Nếu bạn làm từng thứ một theo trình tự có sẵn, ngày mới của bạn sẽ bắt đầu dễ dàng hơn. Chẳng hạn: thức dậy, uống nước trong khi nghe nhạc, mặc quần áo, gọi điện cho bạn trên đường đi làm,...
Theo nhiều nhà khoa học, ý chí của con người có hạn. Nếu dùng quá nhiều ý chí vào buổi sáng để quyết định xem sẽ làm gì tiếp theo, bạn sẽ không còn sức lực để tập trung vào công việc sau đó.
Vì vậy, hãy học hỏi bí kíp từ Barack Obama và Mark Zuckerberg: Hạn chế số lượng quyết định mà bạn phải đưa ra vào buổi sáng, bằng cách mặc cùng một kiểu quần áo mỗi ngày.