Nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Quy mô này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Trong đó, dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo...
Đây là thông tin được đại diện Google công bố tại Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” tổ chức ngày 18/10 bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tập đoàn Google.
Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do Google phát hành đưa ra dự báo về 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào kinh tế số của Việt Nam bao gồm: Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tài chính (fintech); Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; robot tiên tiến và chế tạo đắp lớp (Additive Manufacturing).
Dự kiến, các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí năng suất cho doanh nghiệp. Các công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, các chuyên gia từ Google cũng đánh giá việc áp dụng kỹ thuật số là rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của COVID-19.
“Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương giá trị 1,216 triệu tỷ đồng khoảng 52 tỷ USD) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy”, bản báo cáo nhấn mạnh.
Ông Fraser Thompson, đại diện nhóm nghiên của của Alpha Beta trình bày báo cáo về tiềm năng kinh tế số của Việt Nam.
Còn nhiều rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số
Google nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số.
Đầu tiên là lợi thế của lực lượng dân số trẻ, trong đó, số có học thức và am hiểu công nghệ chiếm tới 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm từ 15-35 tuổi trên 98%, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91% và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh.
Kế đến, Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á, chi sau Indonesia.
Báo cáo của Google đánh giá việc chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ. Do đó, việc không dành nhiều quan tâm đến tác động của công nghệ số trong các lĩnh vực truyền thống ở Việt Nam như sản xuất, sẽ dẫn đến rủi ro bỏ qua các các tác động chuyển đổi của công nghệ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định vẫn còn một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số. Những rào cản này bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.
Nghiên cứu do Liên minh Internet Á Châu (AIC) thực hiện cho thấy tại Việt Nam các quy định về nội địa hóa dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối chậm, tốc độ băng thông rộng trung bình ước tính chậm hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tốc độ này chậm hơn tới mười lần so với Singapore, chỉ bằng 1/3 Malaysia và 1/2 Thái Lan.
Để vượt qua những “rào cản”, nắm bắt tối đa cơ hội số, báo cáo của Google đưa ra khuyến nghị về 3 trụ cột hành động với Việt Nam.
Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước. Chuyên gia của Google nhận định Việt Nam cần giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn.
Thứ 2, việc nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên cần tiếp tục được xếp vào vị trí ưu tiên quan trọng.
Thứ 3, phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này cũng đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.
Hàng triệu người trẻ có nguy cơ mất việc trong tương lai gần
Đại diện một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cho ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng để công nghệ số được phát triển, phổ cập, đầu tiên Chính phủ hãy là người dùng lớn nhất.
Theo ông Tiến, khi Chính phủ là người dùng lớn nhất về các ứng dụng công nghệ, dữ liệu thì tức khắc thị trường sẽ phát triển.
Đồng thời, ông Tiến cũng nhấn mạnh việc khai thác, chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách tập trung để tăng tính hiệu quả. "Sự không thành công của các ứng dụng chống dịch COVID-19 vừa qua là bài học cho sự không thống nhất trong chia sẻ dữ liệu", Chủ tịch FPT Telecom bình luận.
Chia sẻ về câu chuyện triển khai chuyển đổi số của FPT cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thủy hải sản, cơ khí, nông nghiệp... ông Tiến bày tỏ sự ghi nhận về tính linh hoạt, năng động và sẵn sàng thích ứng học hỏi điều mới của doanh nghiệp Việt.
"Trong tương lai những ngành truyền thống tại Việt Nam có thể sẽ ứng dụng công nghệ tốt hơn cả những doanh nghiệp công nghệ - những người hay nói nhiều về công nghệ như chúng tôi", ông Tiến nói.
Chủ tịch FPT Telecom tại buổi Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo của FPT Telecom, bên cạnh kỳ vọng về tương lai cần thừa nhận thực tế mặt trái của kinh tế số là có thể trong 5-7 năm tới sẽ khiến hàng triệu người trẻ Việt đang có công ăn việc làm sẽ mất việc.
"Chúng ta đã và đang nhìn thấy rất rõ 2,7 triệu công nhân may, 1,7 triệu công nhân giầy da, 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử sẽ mất việc trong vòng 10 năm tới".
Theo ông Tiến, việc nhóm công nhân này có khả năng mất việc tới 70% trong 10 năm tới có lý do rất đơn giản là "do người máy thay thế" những công việc này.
Chúng ta không có cách nào đua được với người máy về năng suất lao động, chất lượng, thời gian làm việc nghiêm túc...Ông Hoàng Nam Tiến
Ông Tiến cho biết, nếu như trước COVID-19, có thể còn có những băn khoăn khi đưa người máy vào sản xuất tại Việt Nam thì sau giai đoạn này tâm thế đó đã thay đổi khá nhiều.
Về lợi thế giá cả, theo ông Tiến, người máy dần phổ thông hóa, có lợi thế. Giá người máy hiện nay rất rẻ, nếu trước đây khoảng 300.000 USD/người máy thì nay tụt xuống còn 40.000 USD thôi.
"Khi đó chúng ta không có cách nào đua được với người máy về năng suất lao động, chất lượng, thời gian làm việc nghiêm túc với người máy", ông Hoàng Nam Tiến nhìn nhận.
Từ thực tế đó, theo Chủ tịch FPT Telecom, câu chuyện hiện nay của Việt Nam là nhìn ra vấn đề, cách giải quyết, khắc phục nó. Trong đó phải đào tạo hàng triệu người trẻ để trở thành công dân toàn cầu, được trang bị kiến thức hiện đại, kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ và thói quen lao động, kỷ luật toàn cầu.
"Vấn đề này thuộc về Chính phủ, bộ ngành với tầm nhìn dài hạn, chiến lược hơn, chứ doanh nghiệp chỉ giải quyết được phần nhỏ", ông Tiến cho biết.
Về đào tạo, Việt Nam hiện có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và điều cần nhất là thay đổi cách thức tổ chức đào tạo, giáo dục mới.
"COVID-19 đã cho chúng ta thấy rằng, phải có chế độ mới để đào tạo, thích nghi trong môi trường mới, điều này không hẳn là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà đầu bài cho cả quốc gia, doanh nghiệp và toàn xã hội", Chủ tịch FPT Telecom nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Tiến cho rằng Việt Nam cũng cần phải bắt tay vào chiến lược đào tạo những ông chủ dám nghĩ, dám làm, dám thất bại để thành công.
"Để trở thành ông chủ phải bắt tay vào làm, nhiều cuộc họp và hội thảo đã chỉ ra rồi, nhưng chỉ đi nghe hội thảo thôi, chưa đủ, không làm ông chủ được", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.
Cuối cùng, theo ông Tiến, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào không chuyển đổi số mà "chết" cả. Nhưng, không biết 5 năm nữa doanh nghiệp chưa chuyển đổi có còn tồn tại hay không thì không ai biết và đây chắc chắn là câu hỏi lớn cần bản thân mỗi doanh nghiệp tự tìm câu trả lời.