89% khách đi buýt điện là người đi làm

26/04/2024 09:47

Thống kê khách hàng sử dụng thẻ tháng của VinBus cho thấy tỷ lệ người đi làm lên tới 89%.

Buýt điện thu hút người đi làm 

Sau hơn 2 năm hoạt động tại Hà Nội, đã có 10 tuyến buýt điện thuộc Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus được đưa vào khai thác.

89-khach-di-buyt-dien-la-nguoi-di-lam-1714099473.jpeg
Buýt điện thu hút người đi làm bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng. 

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày gần đây cho thấy dù không phải vào giờ cao điểm, nhưng các tuyến buýt điện khá đông hành khách.

Vừa từ bên ngoài nóng hầm hập, bước lên xe, cảm giác đầu tiên là mát lạnh. Bên trong xe, khu vực hàng ghế được sắp xếp khá hợp lý, không gian đầu rộng rãi. Trọng tâm của xe buýt điện khá thấp và sử dụng các tấm kính lớn, bắt mắt giúp hành khách dễ quan sát cảnh quan, ngắm phố xá.

Tuyến E01 Bến xe Mỹ Đình - Ngã Tư Sở - KĐT Ocean Park di chuyển từ điểm đầu Bến xe Mỹ Đình chỉ với vài hành khách nhưng qua từ điểm thứ 3 trên đường tới điểm cuối đều có rất đông hành khách lên tuyến, nhất là qua các khu đô thị trên trục đường Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở…

Anh Nguyễn Xuân Thành - Mỹ Đình (Hà Nội) hiện đang làm việc ở KĐT Ocean Park cho biết từ khoảng hơn một năm nay anh đi làm bằng buýt điện. 

"Tôi ở KĐT ra đón xe rất tiện, điểm dừng lại ngay cửa tòa nhà nơi tôi làm việc. Xe sạch sẽ, thoáng mát, còn nhân viên rất chu đáo, cởi mở và hướng dẫn khách tận tình, chuyên nghiệp", anh Thành nói.

Chị Hoàng Thúy Quỳnh - Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, sử dụng buýt điện Hà Nội mà cảm giác như bị nhầm lẫn là đang ở châu Âu bởi lên xe thoáng mát và thiết kế trong xe hiện đại. Hành khách ngồi trên buýt điện cũng yên tâm khi trước vô lăng có lắp một camera để quan sát tình trạng của người lái, sẵn sàng nhắc nhở khi tài xế có dấu hiệu mất tập trung hay buồn ngủ, tạo sự an tâm cho hành khách trong quá trình di chuyển.

Tìm hiểu của PV, lái, phụ xe của Vinbus được đánh giá là văn minh, lịch sự do công tác đào tạo của Vinbus được kiểm soát chặt chẽ từng chi tiết nhỏ. Doanh nghiệp này sẵn sàng cho nhân viên nghỉ việc ngay nếu có hành vi lệch chuẩn với hành khách.

Để kiểm soát được bộ phận nhân viên, trên xe buýt điện có hệ thống camera và được trung tâm kiểm soát hành vi của người lái với phụ xe theo dõi, giám sát nên tất cả mọi người đều tuân theo quy định một cách nghiêm ngặt.

89% khách đi buýt điện là người đi làm

Thông tin về kết quả hoạt động của các tuyến buýt điện trong thời gian qua, ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc VinBus cho biết, đến nay đối tượng khách hàng lớn nhất của xe buýt điện là người đi làm chứ không chỉ chiếm đa số là người già và sinh viên.

Cụ thể theo ông Nhật, thống kê khách hàng sử dụng thẻ tháng của VinBus cho thấy tỷ lệ người đi làm lên tới 89%.

Một lý do khác khiến tỷ lệ người đi làm bằng xe buýt tăng lên đáng kể là thay đổi trong nhận thức về việc giảm phát thải. Người dân dần có ý thức cao hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường, từ đó, ưu tiên lựa chọn sử dụng phương tiện xanh, ít phát thải…

Hai năm đưa buýt điện vào hoạt động dự kiến giảm 50.000 tấn CO2. Tính đến thời điểm 31/3/2024, VinBus góp phần giảm hơn 31 nghìn tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương trồng 1,45 triệu cây xanh

"Trước đây xe bus được coi là chủ yếu dành cho người già và sinh viên bởi đó là những người có thể có thời gian nhiều hơn, rất ít sử dụng phương tiện cá nhân. Tỷ lệ người đi làm bằng xe bus trước khi đưa VinBus vào vận hành chỉ ở mức 25-30%.

Điều này nói lên rằng khi chúng ta cung cấp một dịch vụ tiện lợi, khách hàng sẽ lựa chọn. Mục tiêu chúng ta cần tập trung nhất chính là những người hàng ngày đi làm, hiện hầu hết đang sử dụng phương tiện cá nhân", ông Nhật cho hay.

Bên cạnh nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Tổng giám đốc Vinbus cho biết, đơn vị này đang hướng tới bước tiếp theo là cung ứng phương thức di chuyển Door-to-Door. Thay vì chỉ đón/trả khách tại các điểm dừng xe bus, VinBus hướng tới việc kết hợp cùng Xanh SM đón/trả khách tận nhà.

Chương trình này hướng tới việc tất cả người dân có thể đo lường được lượng giảm phát thải trên từng chuyến đi mà 100% chuyến đều bằng các phương tiện xanh.

"Xe bus không thể di chuyển từ điểm A đến điểm B, nên chúng tôi muốn kết hợp với các đơn vị khác như xe điện Xanh SM để tạo ra chuỗi cung ứng cho khách hàng", ông Nhật nói.

Về chất lượng dịch vụ, theo ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, kể từ khi đi vào hoạt động, thông qua phản ánh chất lượng dịch vụ từ dư luận xã hội trên báo chí và mạng xã hội, cũng như qua các buổi kiểm tra khảo sát của trung tâm, hầu hết hành khách có thái độ rất hài lòng.

"Hà Nội đang xanh hóa buýt điện theo hướng, các tuyến buýt hết hạn thầu sẽ lần lượt được thay mới sang buýt điện. Dự kiến trong tháng 10 tới đây, Hà Nội sẽ có thêm 9 tuyến buýt chạy xăng được chuyển sang buýt điện", ông Phương cho hay. 


VinBus hiện có 286 xe, hoạt động chủ yếu tại Hà Nội (202 xe), Phú Quốc (51 xe) và TP.HCM (33 xe).

Quyết định số 876/QĐ-TTg về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Theo lộ trình đặt ra, đến năm 2025, 100% xe bus thay thế/mới sử dụng điện và năng lượng xanh. Đến năm 2030, taxi thay thế/mới sử dụng điện và năng lượng xanh. Đến 2050, 100% xe bus và taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Bạn đang đọc bài viết "89% khách đi buýt điện là người đi làm" tại chuyên mục Tiêu điểm.