04 bài học về tiền bạc chỉ khi nào tự kiếm ra tiền ta mới hiểu.

08/05/2019 15:32

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả được đăng tải trên trang Medium

Đối với tôi, lớn lên trong một gia đình có tình hình tài chính eo hẹp, thì những cuộc hội thoại về tiền bạc dường như không bao giờ xuất hiện. Nếu những cuộc thảo luận về chuyện tiền nong của bố mẹ xảy ra, họ cũng không để cho chúng tôi được biết.

Tuy nhiên, khi trưởng thành tôi mới thực sự nhận ra, có hiểu biết tốt về quản lý tài chính sẽ là nền tảng để mọi đứa trẻ xây dựng thành công sau này. Dưới đây là 4 điều về tiền bạc mà bố mẹ chưa bao giờ dạy tôi, nhưng trên thực tế lại rất quan trọng, tác động rất nhiều đến cuộc sống.

Mọi khoản nợ trên đời đều đáng sợ như nhau

Món nợ đầu đời mà tôi được tiếp xúc đó chính là khoản vay sinh viên. Trước đó chưa bao giờ tôi có khái niệm về chuyện nợ nần. Tôi hoàn toàn không hiểu cơ chế cho vay vốn của ngân hàng hay mức lãi suất hàng năm. Vì điều kiện khó khăn nên tôi chỉ còn cách duy nhất là dựa vào khoản vay sinh viên để chi trả cho việc học đại học.

Mãi cho đến sau này tôi mới nhận ra rằng có nhiều lựa chọn khác tốt hơn là đi vay và trả nợ. Vay nợ cho dù là vì mục đích gì thì khoản tiền đó vẫn luôn ám ảnh bạn cho đến khi bạn trả được hết nợ.

Tiền bạc chỉ là công cụ

Trong rất nhiều hộ gia đình, bao gồm cả gia đình tôi, tiền bạc vẫn được xem như là mục tiêu của cuộc sống chứ không chỉ là một phương tiện, một công cụ đơn thuần. Tư duy mà chúng ta thường được dạy là "hãy làm việc chăm chỉ hơn để kiếm được nhiều tiền hơn" thay vì "làm việc thông minh hơn/sử dụng tiền để tạo ra nhiều giá trị hơn".

Trong suốt thời niên thiếu, tôi đã không được dạy rằng việc kiếm tiền thật ra chỉ nhằm mục đích tạo dựng nên một cuộc sống dễ chịu và hạnh phúc hơn mà thôi. Cũng không ai dạy cho tôi rằng thay vì bán rẻ thanh xuân để kiếm tiền, hãy đầu tư thời gian và tiền bạc để học hỏi và rèn luyện bản thân vì đó mới là cách giúp bạn tiếp cận với các cơ hội lớn hơn.

Tiết kiệm tiền còn quan trọng hơn cả việc kiếm tiền

Tiết kiệm và chi tiêu là hai bài học quan trọng mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng nên dạy con từ thuở còn bé. Bởi đó sẽ là công việc mà khi lớn lên chúng ta sẽ dành cả đời để thực hiện. Một khoản tiền cho dù là nhỏ nhất cũng cần được sử dụng một cách hợp lí và khoa học để từ đó đứa trẻ hình thành nên thói quen tiết kiệm. Kết quả là khi trưởng thành, chúng sẽ biết phải làm gì với những khoản tiền mà mình kiếm được.

Cách lập ngân sách tài chính

Trong trí nhớ của mình, tôi chỉ thấy bố mẹ lập kế hoạch ngân sách cho những chi tiêu lớn như mua nhà, mua xe… Họ chưa bao giờ chuẩn bị kế hoạch ngân sách chi tiết hàng tháng, hàng năm cho các khoản chi tiêu trong gia đình.

Tuy nhiên, việc lập ngân sách không chỉ là điều quan trọng trước khi thực hiện các giao dịch mua bán lớn. Các chi tiêu hàng ngày cũng nên có kế hoạch. Việc thiết lập ngân sách sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lí, có chủ đích hơn.

Nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng, có thể sẽ có một ngày bạn thức dậy và tự hỏi tất cả tiền bạc của mình đã đi đâu về đâu? Kế hoạch đó không hạn chế việc bạn tiêu tiền mà chỉ nhằm mục đích chỉ ra cho bạn thấy bạn có thể làm được nhiều việc hơn với cùng một số tiền.

Nói về tài chính vẫn là chuyện hiếm trong nhiều gia đình, ngay cả trong những gia đình hiện đại. Bố mẹ thường không nói chuyện về vấn đề tài chính trước mặt con cái và ít khi dạy chúng cách quản lí tiền bạc.

Tuy nhiên, việc học những bài học này sớm có thể đã cứu tôi, và có thể cả bạn nữa, khỏi những sai lầm sau này. Nếu bạn cảm thấy vấn đề tài chính là quá lớn, hãy chia thành các bài học/thói quen này nhiều phần nhỏ dựa trên độ tuổi phù hợp để dạy cho những đứa trẻ của bạn./.

Ý Nhi/Theo Medium