Vấn đề hàng đầu trong dài hạn của Trung Quốc không phải là chiến tranh thương mại - nội dung đang chiếm lĩnh trên các phương tiện truyền thông gần đây.
Thực tế, ác mộng lớn nhất của Bắc Kinh là bong bóng nhà ở, với mức giá cao ngất ngưởng, làm giàu cho các đại gia bất động sản, trong khi dập tắt ước mơ sở hữu nhà của các gia đình trẻ.
Giá nhà mới trung bình tại 70 thành phố của Trung Quốc đã tăng 9,7% trong tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước, tăng 9,3% so với tháng trước đó, theo số liệu của Tradingeconomics.com. Đây đã là tháng thứ 44 giá nhà tăng liên tiếp và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.
Việc giá nhà không ngừng leo dốc khiến việc sở hữu bất động sản vượt ra ngoài tầm với của đa số dân cư. Điều này tác động tiêu cực hơn tới triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của Trung Quốc so với chiến tranh thương mại. Thực tế, xung đột thương mại chỉ là vấn đề ngắn hạn, sẽ được giải quyết một khi lãnh đạo 2 quốc gia tìm tới biện pháp hợp lý nhất cho cả 2 nền kinh tế.
Trong khi đó, vấn đề giá nhà sẽ tác động tới việc những người trẻ xây dựng gia đình và thiết lập cuộc sống tại quê nhà. Đáng chú ý, vấn đề giá nhà leo dốc chóng mặt tại các thành phố lớn của Trung Quốc không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ việc chính sách của giới chức địa phương đang ưu ái hơn cho các đại gia bất động sản, thay vì cư dân bình thường.
Cụ thể, chính quyền nhiều địa phương đang tiếp tay cho việc tạo ra các “thành phố ma”, nơi hàng loạt cao ốc, chung cư, căn hộ được xây dựng và bỏ trống, bởi giá cả của các căn nhà mới không phù hợp với mức chi trả của đa số dân cư.
Ruchir Sharma, tác giả của nhiều cuốn sách kinh tế nổi tiếng, trong đó có Quốc gia thăng trầm (The rise and fall of nations), đồng thời là người đứng đầu bộ phận các thị trường mới nổi tại quỹ đầu tư trực thuộc Morgan Stanley nhận định, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc xây dựng thành phố ma, nơi hàng nghìn căn hộ, trung tâm thương mại bị bỏ hoang. Nơi đây thuộc về các chủ đất giàu có, kỳ vọng một ngày sẽ bán được hàng với giá cao. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường luôn thiếu hụt, đẩy giá nhà càng lên cao hơn nữa.
Chưa kể, khi nguồn cung căn hộ mới xây thiếu hụt (dù lượng lớn nhà mới xây bị bỏ hoang do giá cao), giá cả các căn hộ buôn bán qua tay lại càng lên giá. Chỉ số giá nhà buôn bán cho chủ mới tại Thượng Hải (Second-Hand House Price Index) đã tăng từ mức dưới 1.000 điểm năm 2003 lên hơn 4.000 điểm năm 2017.
Đây rõ ràng là tin xấu đối với những người trẻ đang tìm kiếm một căn hộ để xây dựng gia đình. Điều này cũng góp phần giải thích tại sao, tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc đang lao dốc, giảm về gần mức 30% trong 5 năm qua.
Tỷ lệ kết hôn giảm là tin xấu đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, bởi một trong những hệ quả là việc giảm sút lực lượng lao động, nhất là khi quốc gia này đang phải cạnh tranh với những đất có nguồn lực lao động trẻ, dồi dào như Việt Nam, Sri Lanka, Philippines và Bangladesh.
Chưa kể, các diễn biến này còn tác động tới sức tiêu dùng trong nước, khi có ít người làm việc, trong khi nhiều người nghỉ hưu. Nhật Bản hiện đang phải đối diện với những vấn đề này và đã trải qua 3 thập kỷ vẫn chưa thể giải quyết.