Ái nữ của Tập đoàn Alphanam, doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ (Sylvia, sinh năm 1991) chia sẻ, ở Alphanam trong chiến lược kinh doanh mỗi thành viên đều phải đưa ra những tiêu chí rất cụ thể, còn bình thường việc của ai người đó quyết, gia đình trao quyền là trao niềm tin cho người quyết định.
Sự rút lui dần của nhiều doanh nhân thế hệ thứ nhất tạo cơ hội cho các thiếu gia, ái nữ dấn thân vào thương trường để thử sức gánh vác công việc kinh doanh. Nguyễn Ngọc Mỹ (Sylvia, sinh năm 1991) là con gái cưng của ông Nguyễn Tuấn Hải, ông chủ tập đoàn Alphanam, được đánh giá là một trong những doanh nhân thế hệ F2 có triển vọng.
Hiện cô đang làm Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Foodinco. Năm 2017, cô có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam, cũng là người trẻ nhất trong danh sách này. Năm 2015, cô cũng xuất hiện ở danh sách 30 under 30 to watch, khi mới 24 tuổi.
Ngọc Mỹ cho rằng, bố mình đã dành hơn 30 năm cho sự nghiệp kinh doanh và chính cô và người anh trai Nguyễn Minh Nhật (1988) sẽ nỗ lực các bước đi đó, là những người kế nghiệp trong tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn Hải và hai người con tài giỏi. |
Nói về vấn đề này cô chia sẻ: Tháng 5 vừa qua chúng tôi đã tổ chức hội nghị chiến lược chuẩn bị cho 1/4 thế kỷ tiếp theo. Buổi chia sẻ rất cởi mở, nói về việc chúng tôi sẽ làm gì trong 20 năm tới. Câu hỏi đặt ra không chỉ cho thế hệ F2 mà còn toàn bộ nhân viên có liên quan đến Alphanam.
Có một câu hỏi khiến Mỹ và nhiều người chú ý là: Văn hoá gia đình có được coi là văn hoá bền vững, văn hoá gia đình có nên tiếp tục duy trì?
Theo cô, đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, được vận hành như một gia đình. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát triển nhanh chóng như thì liệu văn hoá đấy có còn phù hợp? Đặt trong câu chuyện của Alphanam, Mỹ trăn trở: làm thế nào để một doanh nghiệp vừa giữ được những văn hoá mà bậc cha chú xây dựng hàng chục năm tích hợp với những thứ mới, mang hơi thở thời đại.
Một công thức được cô đưa ra là lòng tin và tình yêu giữa các thành viên trong doanh nghiệp. "Mọi người cùng đối xử với nhau như thành viên trong gia đình", cô nói và lý giải.
Văn hoá của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng lớn từ văn hoá gia đình người đứng đầu doanh nghiệp, Ngọc Mỹ cho biết, mỗi một thành viên trong gia đình đều có ý thức có điểm mạnh, điểm yếu gì? Mỗi một thành viên trong gia đình sẽ là một mảnh ghép của nhau, làm thế nào để bổ trợ cho nhau hoàn hảo nhất. Vì vậy, để việc quản trị trong gia đình, trong doanh nghiệp ít vấn đề ít rủi ro nhất gia đình cô thường xuyên chia sẻ, tâm sự, lắng nghe nhau. Bởi làm như vậy mọi người có thể giải quyết tất cả những khó khăn trong bất cứ tình huống nào.
Ngọc Mỹ có nhiều thời điểm mà cô cảm thấy “mông lung, chịu áp lực trước những công việc tưởng không thể vượt qua.” Nhưng cô kể người cha có một câu “thần chú” khiến cô luôn phải tìm mọi cách để vượt qua thử thách đó. “Bố tôi luôn nói là ‘ok, con không làm thì để bố làm’.”
May mắn trong gia đình tôi văn hoá gia đình rất mạnh, tất cả truyền thống gia đình cũng được lan tỏa đến tất cả các thành viên, chưa hề có một vấn đề khó khăn hay mâu thuẫn xảy ra. Trong chiến lược kinh doanh mỗi thành viên đều phải đưa ra những tiêu chí rất cụ thể, còn bình thường việc của ai người đó quyết, gia đình trao quyền là trao niềm tin cho người quyết định. Tôi nghe mọi người nói nhiều về trao quyền, nhưng tôi muốn sửa lại một chút, là trao niềm tin", Ngọc Mỹ nói.
Dù rằng không có một công thức chung nào cho sự tương tác giữa thế hệ đi trước và thế hệ kế thừa, nhưng cây cầu nối cần có giữa hai thế hệ phải là niềm tin. Niềm tin vào thế hệ F1 sẽ làm những gì tốt nhất để có thể giữ được nền tảng mà họ đã xây dựng. Niềm tin vào thế hệ F2 có tình yêu với người đi trước và mong muốn làm những điều tốt nhất để giữ gìn và phát triển di sản.
Thế hệ F2 chỉ có ý chí khi họ có niềm tin rằng họ có thể thay đổi nó.
Ý chí của thế hệ kế thừa cũng xuất phát từ điểm này. "Thế hệ F2 chỉ có ý chí khi họ có niềm tin rằng họ có thể thay đổi nó", cô nói và giải thích rằng thế hệ kế cận cần thực sự có một ghế trong việc vận hành doanh nghiệp.
"Họ phải được lắng nghe, chia sẻ chứ không chỉ nghe những lời nói kiểu như không có thế hệ F1 thì thế hệ F2 có thể làm gì", Ngọc Mỹ nói. Cô cho rằng cần có sự thay đổi về mặt từ ngữ để có thể đẩy mạnh được ý chí, mong mỏi của lớp người kế cận.
Gia đình ông chủ Alphanam
Ở vị trí của F2 Ngọc Mỹ chắc chắn có rất áp lực nhưng theo cô trong công việc ai cũng sẽ áp lực, ở vị trí của tất cả các thành viên trong công ty ai cũng có áp lực riêng.
“Đối với tôi, trong văn hoá gia đình mà tôi lớn lên, tôi được dạy một câu là biết thưởng thức áp lực, phải hoà mình vào nó sống chung với nó thì nó sẽ trở thành một phần gia vị của cuộc sống”, Ngọc Mỹ tâm sự.
Chia sẻ thông điệp đến những chuyên gia trẻ, Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng, Hãy ít để tâm đến đời sống cá nhân của người khác. Thay vào đó, chúng ta nên quan tâm đến bản thân hơn và tự học hỏi nhiều hơn vì đó là cách duy nhất bạn có thể củng cố sứ mệnh và thúc đẩy bản thân phát triển. Mỗi người có khả năng đạt đến tầm cao của mình theo cách riêng.
Song hành cùng với đó là hãy ít giải thích lại. Giải thích bạn đi đâu hay không, tình cảm của bạn thế nào, hay tình hình công việc ra sao,.. thế giới không cần bạn giải thích. Hãy là chính mình, và thế giới sẽ thích ứng theo.
Và nếu bạn muốn tạo ra sự khác biệt thì hãy bắt tay làm.
>>> Nguyễn Ngọc Mỹ: 'Tôi không phải người showbiz, mà làm kinh doanh"