Tròn 10 năm kể từ mức cao lịch sử, giá dầu thế giới đang tăng nhanh trở lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vướng vào vấn đề Iran trong khi nước Nga của ông Vladimir Putin và OPEC có thể hưởng lợi.
Ám ảnh một cuộc chiến lịch sử
Thị trường dầu thế giới vừa xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp và lên mức cao nhất 4 năm trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran tiến gần tới thời điểm thực thi ngày 4/11 và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi tiến triển tích cực.
Giá dầu ngọt nhẹ Brent trong tuần đã lên tới gần 97 USD/thùng, trong khi dầu WTI cũng lên tới mức 75 USD/thùng.
Giá dầu tăng mạnh trong thời gian gần dây, thêm khoảng 20% kể từ giữa tháng 8, chủ yếu do giới đầu tư lo ngại nguồn cung dầu thô sẽ tụt giảm sau khi Mỹ trừng phạt Iran, trong khi Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhiều khả năng sẽ không bù đắp đủ phần thiếu hụt.
Thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục yêu cầu các nước OPEC và Nga tăng sản lượng dầu cung câp cho thị trường, bù đắp cho sản lượng dầu của Iran và Venezuela đang lao dốc. Tuy nhiên, số thùng dầu mà các nước OPEC và ngoài OPEC có thể cung cấp thêm là bao nhiêu và lượng dầu giảm đi do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran là bao nhiêu thực sự vẫn chưa rõ ràng.
Một số dự báo gần đây cho rằng, giá dầu WTI sẽ sớm quay trở lại mốc 100 USD/thùng như năm 2014 trở về trước. Như vậy, Mỹ có thể rơi vào giai đoạn đáng sợ khi mà giá dầu tăng cao, trong khi OPEC và Nga giành lại được lợi thế đã đánh mất trong nhiều năm qua.
Trong thập kỷ qua, Mỹ và OPEC - Nga đã thay nhau rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng và bất lực trước việc giá dầu liên tục tăng cao kỷ lục nửa đầu 2008 lên trên 147 USD/thùng hoặc liên tục lao dốc nửa sau 2008 và trong những năm sau đó, nhất là năm 2012 khi giá dầu về dưới ngưỡng 27 USD/thùng.
Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng và rồi ghi nhận đỉnh cao lịch sử gần 150 USD/thùng (giữa tháng 7). Nước Mỹ khi đó đã thực sự lo sợ. Nhưng cũng trong năm này, giá dầu sụt giảm tới hơn 70% về dưới 40 USD/thùng. Dầu còn có đợt giảm sâu hơn hồi cuối 2015 và đầu 2016 khi xuống dưới 27 USD/thùng. Nga đã tưởng chừng sụp đổ về tài chính trong cuộc đại chiến dầu mỏ khi đó.
Giống như 10 năm trước, giờ đây tổng thống Mỹ Donald Trump lại vướng vấn đề Iran, cũng liên quan tới vấn đề hạt nhân và tình hình bất ổn ở một số nước sản xuất dầu khí lớn, mà lần này là Venezuela, quốc gia đang lâm vào tình cảnh siêu lạm phát hàng chục ngàn phần mỗi tháng.
Giá dầu đang tăng mạnh. Nước Mỹ lo ngại và ông Trump đứng trước một thời điểm khá khó khăn khi mà cuộc bầu cử nghị viện đang tới gần. Trong cuộc họp tại Algieria gần đây, OPEC và Nga bác yêu cầu của ông Trump về tăng sản lượng.
Tình hình có vẻ căng thẳng, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy, giá dầu khó có thể tăng mạnh, dầu WTI khó vượt lên trên ngưỡng 100 USD/thùng vì bối cảnh hiện nay đã khác và ông Trump có những quân bài của riêng mình.
Vũ khí của ông Donald Trump
Trái ngược với lo ngại của thị trường, Tổng thống Mỹ Donald Trump khá tự tin vào những bước đi của mình. Giá dầu tăng thời gian gần đây có lẽ không nằm ngoài tính toán của Nhà Trắng bởi cuộc chiến năng lượng tại khu vực Trung Đông lần này là chính do Mỹ chủ động khơi mào.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận đa phương với Iran và trừng phạt kinh tế nước này khiến cho Tehran điêu đứng: xuất khẩu dầu tê liệt, đồng nội tệ giảm mạnh, thất nghiệp tăng cao. Hoa Kỳ biến Nga thành đối thủ cạnh tranh với Iran trên thị trường dầu mỏ.
Ông Trump liên tục gây áp lực để Saudi Arabia và Nga nâng sản lượng dầu.
Theo Reuters, Saudi Arabia và Nga đã đạt được một thỏa thuận riêng cho việc gia tăng sản lượng dầu. Thỏa thuận cho biết, hai bên sẽ tăng sản lượng nhằm bù đắp nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn từ nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC.
Trên thực tế, nước Nga của ông Putin cũng như các nước OPEC khác, trong đó có Saudi Arabia, luôn mong muốn giá dầu cao và cao hơn nữa. OPEC và Nga đã từng phớt lờ lời thỉnh cầu của thế giới khi dầu lên mức 130-140 USD/thùng hồi 2008. Khi đó, các nước này cho rằng, thế giới được cung cấp đủ dầu và giá dầu tăng chẳng qua do hoạt động đầu cơ.
Nhưng ở vào thời điểm hiện tại, tình hình đã khác rất nhiều. Nước Nga cũng như nhiều nước OPEC gặp khó khăn tài chính quốc gia. Nga của ông Putin cần thu thêm tiền để bù đắp cho dự trữ ngoại hối vốn tụt giảm hồi những năm 2012-2015 khi phải bỏ tiền ra để chống lại cuộc khủng hoảng do giá dầu giảm, đồng rubble mất giá và các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Hoạt động đầu cơ giá dầu giờ đây không còn mạnh như cách đây chục năm. Cú tụt giảm 70% giá dầu trong vòng 4 tháng cuối 2008 khiến nhiều tổ chức chùn tay.
Đồng USD giờ cũng khác nhiều, không còn tụt giảm như hồi 2008 (khi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ lan rộng), mà thay vào đó đang tăng mạnh. Nó khiến giá dầu không có cơ hội bứt phá.
Dầu khí đá phiến Mỹ phát triển mạnh và là 1 "vũ khí" mới của nước Mỹ.
Tình hình thế giới không dồn dập bất ổn như trước đây. Trước khi bước vào cuộc chiến với Iran lần này (mà có thể khiến dầu tăng giá), ông Trump đã tạo ra một tình trạng khó có thể tốt hơn ở khu vực bán đảo Triều Tiên, qua việc buộc Kim Jong Un vào con đường đàm phán.
Nền kinh tế Trung Quốc không còn sốt nóng tăng 11-12% như hồi 2007-2008, mà giờ đây đang giảm tốc, nhất là sau những đòn giáng từ một cuộc chiến thương mại do chính Donald Trump khởi xướng.
Chứng khoán Mỹ không tụt giảm như ở thời kỳ khủng hoảng 2008, mà đang ở vùng đỉnh cao lịch sử và chưa phát tín hiệu điều chỉnh giảm. Dòng tiền vẫn chảy vào chứng khoán, chảy vào đồng USD, thay vì dồn dập đầu cơ vào vàng và dầu thô như hai kênh ưa thích thời điểm khủng hoảng cách đây 10 năm.
Theo dự báo của OPEC, nguồn cung dầu từ các nước ngoài OPEC sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2019, chủ yếu là nguồn cung tăng thêm từ Mỹ, trong khi nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày.
Hiện Mỹ có lợi thế rất lớn về dầu khí đá phiến. Nếu như trước đây, giá thành của dầu khí đá phiến được ước tính ở mức khoảng 70 USD/thùng thì trong vài năm gần đây, sau cú sốc giá dầu giảm giai đoạn 2014-2016, các doanh nghiệp khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ đã có công nghệ sản xuất dầu với giá thấp hơn khá nhiều.
Với tiềm năng này, Mỹ có thể dễ dàng vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Không những thế, từ 2017, ngành dầu khí của Mỹ hồi phục mạnh. Ông Donald Trump cũng đã tuyên bố mở ra một kỷ nguyên "năng lượng Mỹ thống trị" với cam kết thúc đẩy thông qua nới lỏng các quy chế giám sát về khai thác dầu ngoài khơi.
M. Hà
Theo Vietnamnet