Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bà Ba Huân: 'Cả đời tôi gắn bó và chỉ biết có quả trứng'

05/03/2018 16:16

Dịch cúm gia cầm khiến nhiều người chăn nuôi phá sản, nhưng nhờ đổi mới công nghệ, doanh nghiệp tư nhân Ba Huân lột xác để mười năm sau bước sang chế biến thực phẩm.

Trong đại dịch cúm gia cầm năm 2003, gia đình ông Sáu Bé ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) điêu đứng khi 90% đàn vịt chạy đồng gồm 3.000 con dính bệnh buộc phải tiêu hủy. “Lúc ấy vịt lạc ngoài đồng không ai thèm bắt, trứng bán ngoài chợ không ai mua,” lão nông dân 70 tuổi nhớ lại.

May mắn, sau đó hộ nông dân này khôi phục sản xuất nhờ một doanh nghiệp hỗ trợ vốn. Từng bước gây dựng, hiện tại đàn vịt của gia đình phát triển lên đến 10 ngàn con, mỗi ngày thu 7.000 – 8.000 trứng. Trung bình mỗi năm hộ chăn nuôi này lãi vài trăm triệu đồng.

Đối tác chia sẻ khó khăn với gia đình ông Sáu Bé là công ty TNHH Ba Huân lúc đó chuyên thu mua trứng gia cầm của nhiều gia đình nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Nghề này không cao sang nhưng gắn kết, tạo được việc làm cho nông dân,” bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), giám đốc công ty Ba Huân nói. Trong ngành chăn nuôi nội địa vốn phân mảnh và manh mún, Ba Huân là một trong số ít các doanh nghiệp khu vực phía Nam tạo dựng được thương hiệu nhờ mạnh dạn đổi mới và đầu tư vào công nghệ. Giờ đây, ở tuổi 61, bà Ba Huân chưa dừng lại khi đặt chân vào quỹ đạo ngành thực phẩm chế biến. Bà nuôi tham vọng chuyển mô hình thành công hiện nay ra phía Bắc.

Hiện tại Ba Huân là công ty gia đình với vốn điều lệ gần 130 tỉ đồng. Xuất phát điểm từ hoạt động kinh doanh thương mại trứng gia cầm, khoảng 10 năm gần đây công ty thực hiện cuộc lột xác ngoạn mục nhảy vọt, lấn sang sản xuất và chế biến. Theo ước tính của sở Nông nghiệp TP.HCM, với 10 triệu dân mỗi ngày thành phố tiêu thụ gần bốn triệu trứng gia cầm. Theo bà Ba Huân, mỗi ngày công ty xuất ra thị trường gần một triệu trứng gia cầm các loại. Không chỉ xuất hiện trên kệ hàng nhiều chuỗi siêu thị như Co.op Mart, Metro, Lotte, theo công ty vào dịp tết Trung thu, Ba Huân độc chiếm gần như toàn bộ thị phần trứng muối, thành phần chính có trong nhân bánh của các thương hiệu lớn: Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh, Như Lan, Hữu Nghị... Ước tính, mỗi ngày doanh nghiệp tư nhân này thu về hai tỉ đồng tiền mặt chỉ tính riêng từ việc tiêu thụ trứng gia cầm.

Chăn nuôi gia cầm là nghề sản xuất truyền thống, chiếm vị trí quan trọng thứ hai sau nuôi heo trong toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay chỉ có gần 20% trứng và thịt gia cầm được cung cấp từ trang trại theo quy mô công nghiệp theo thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phương thức kinh doanh truyền thống hiện nay vẫn là chăn nuôi thả tự do để gia cầm tự kiếm thức ăn. Riêng hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, người dân giữ tập quán nuôi vịt chạy đồng sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên là thóc rụng, thức ăn thủy sinh trên ruộng đồng, kênh rạch. Phương thức này phát triển mạnh do vốn đầu tư thấp nhưng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro phát tán, lây lan dịch bệnh ra môi trường qua nguồn nước và chất thải. Quy trình giết mổ, vận chuyển gia cầm nhỏ lẻ cộng với việc xử lý trứng gia cầm không hợp vệ sinh khiến Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đầu tiên có tình trạng lây lan virus cúm H5N1 từ gia cầm sang người khi đại dịch này bùng phát năm 2003.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, trung tâm Khuyến nông quốc gia, chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi gia cầm nội địa gồm ba khâu: sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Cách đây mười năm chỉ có một số ít nhà đầu tư nước ngoài như CP, Japfa sản xuất theo quy mô công nghiệp, khép kín chuỗi giá trị, thì gần đây nhiều công ty nội địa như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Vietfarm, San Hà, HTX Gà ta Gò Công… vươn lên làm chủ nhiều mắt xích. “Ba Huân là một trong số các doanh nghiệp quan trọng hình thành nên chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi gia cầm,” ông Bắc nói.

Hiện tại, Ba Huân đang sở hữu một trang trại rộng 18 héc ta tại Bình Dương. Với vốn đầu tư hơn 320 tỉ đồng, trang trại được chia làm nhiều phân khu: khu gà giống, khu gà hậu bị, khu gà đẻ trứng, khu nghiên cứu, khu chế biến thức ăn gia cầm. Với việc hiện đại hóa sản xuất, 500 ngàn gia cầm tại đây được nuôi trong chuồng kín có điều hòa nhiệt độ hoặc hệ thống thông gió. Việc cung cấp từ thức ăn, nước uống đến thu gom trứng, xử lý chất thải hoàn toàn tự động. Theo công ty, nuôi theo quy mô công nghiệp cho sản lượng trứng hơn 300 quả/ mái/năm, cao hơn 20 - 30% phương thức truyền thống. Mỗi ngày trang trại thu 400 ngàn - 500 ngàn trứng, chiếm gần một nửa sản lượng trứng doanh nghiệp này đang cung cấp ra thị trường. Ngoài trứng gia cầm tươi, Ba Huân cũng cung cấp một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trứng gà tươi Omega 3, trứng vịt muối, trứng bắc thảo…

“Trứng gà là kỳ tích của thiên nhiên, là một trong những thực phẩm hoàn thiện nhất mà nhân loại từng biết đến,” bách khoa toàn thư về Thực phẩm và Dinh dưỡng Hoa Kỳ đánh giá. Trong đông y, các thầy thuốc còn gọi trứng gà là kê hoàng, xem như một loại thuốc với tác dụng bổ, dưỡng huyết. Được thừa nhận và sử dụng rộng rãi nhưng trứng là một thể sống, vỏ có các lỗ thông hơi dễ thẩm thấu chất thải và hóa chất trong quá trình làm trắng vỏ trứng theo phương pháp thủ công. Bước đột phá đưa Ba Huân vào sản xuất công nghiệp bắt đầu từ dây chuyền xử lý trứng sau khi ngành chăn nuôi gia cầm điêu đứng vì người tiêu dùng quay lưng.

Ông Phạm Thanh Hùng, phó giám đốc công ty Ba Huân, em thứ sáu của bà Ba Huân kể, khi đại dịch cúm gia cầm diễn ra, cả gia đình ngồi lại họp bàn việc chuyển nghề. Nhưng bà Ba Huân khi ấy có hơn 30 năm kinh doanh trứng khẳng định không bỏ cuộc vì “cả đời gắn bó và chỉ biết quả trứng.” Nữ doanh nhân, bỏ học từ lớp năm, tự bạch “trình độ mình không có nhiều” mạnh dạn nhập khẩu dây chuyền xử lý trứng từ Hà Lan. Theo công bố của nhà sản xuất, thiết bị cho phép loại bỏ 99,9% vi sinh vật trên bề mặt trứng khi sản phẩm trải qua nhiều khâu. Trứng đưa vào dây chuyền được rửa hai lần bằng nước sạch. Sau khi sấy khô soi loại bỏ trứng hư, bể. Bước kế tiếp máy chiếu tia cực tím diệt khuẩn và khoác một lớp dầu mỏng chuyên dụng trên bề mặt vỏ ngăn ngừa sự thâm nhập vi khuẩn từ bên ngoài. Cuối cùng trước khi tung sản phẩm ra thị trường mỗi quả trứng được đánh mã số truy xuất nguồn gốc và dán tem nhà sản xuất. Với ba dây chuyền xử lý trứng, nếu hoạt động hết công suất, Ba Huân đủ khả năng xử lý hơn 4,3 triệu trứng gia cầm mỗi ngày, vượt nhu cầu của TP.HCM. “Ba Huân là doanh nghiệp tiên phong tạo ra cuộc cách mạng với xử lý trứng gia cầm,” ông Bắc nói.

 Sáu anh em trong gia đình cùng làm trong doanh nghiệp Ba Huân. Trong ảnh: Bà Ba Huân và ông Phạm Thanh Hùng, em thứ sáu của bà. (Ảnh: Phan Quang)

Cuối năm 2014, Ba Huân khánh thành nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm ở Long An. Với công suất giết mổ 1.500 đầu gia cầm, chế biến năm tấn thịt mỗi giờ, nhà máy cung cấp từ gà đông lạnh tới lạp xưởng, xúc xích, chà bông, bánh flan… Ở quy mô khiêm tốn và mới đi vào hoạt động, sản phẩm của công ty hiện chưa được biết nhiều so với các thương hiệu thực phẩm tiện dụng chế biến sẵn của CP Việt Nam, Vissan, Cầu Tre…

Bà Ba Huân có vẻ mặt phúc hậu, lối nói chuyện nhỏ nhẹ. Sinh năm 1954, bà là con thứ trong một gia đình nông dân có tám anh chị em ở Châu Thành, Long An, vùng đất trũng nhiễm phèn hợp lưu của hai nhánh sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Năm 13 tuổi, bà đã phụ mẹ buôn bán trứng. Khi 16 tuổi bà được tin cẩn giao “tay hòm, chìa khóa” quán xuyến toàn bộ việc kinh doanh của gia đình. Bà Ba Huân kể, lúc đó vựa trứng lớn nhất ở TP.HCM do các thương gia người Hoa cầm trịch. Nhận ra muốn có lời phải buôn tận gốc, bán tận ngọn, bà tới nhiều vùng đồng bằng sông Cửu Long thu gom trứng, chạy ghe đưa về Sài Gòn. Vốn mỏng nên bà thuyết phục người nuôi gia cầm cho phép trả chậm. Đổi lại, bà trả giá cao hơn các thương lái khác. Mới đầu chỉ một số người quen biết tin tưởng. Sau thấy bà thanh toán sòng phẳng, trả giá tốt hơn nên người bán tăng dần. Ông Sáu Bé, người bán trứng cho gia đình bà Ba Huân từ những năm 1960 và gắn bó liên tục hơn 40 năm qua nói: “Bà ấy giữ chữ tín, biết san sẻ với nông dân cả trong lúc khó khăn.”

Sau ngày thống nhất đất nước, có giai đoạn tư nhân kinh doanh thương mại bị xem là phạm pháp. Năm 1977, bà Ba Huân đầu quân cho công ty Thực phẩm nông sản Kiên Giang. Bà kể, bà được cất nhắc ngay vào vị trí trưởng bộ phận thu mua trứng của công ty vì trứng khó vận chuyển nên “người Nhà nước thiếu kinh nghiệm làm không hiệu  quả.” Ông Hùng nói do lăn lộn với nghề nên nhìn đàn vịt vài ngàn con chạy qua bà Ba Huân có thể ước ngay số lượng, sai số không quá 5%. Bà Ba Huân nói kinh nghiệm “nhìn lông vịt biết tuổi”: “Vịt tơ, lông đít mọc không đều. Vịt đẻ một mùa lông đít bóng mượt. Vịt đẻ đến mùa thứ ba cổ cao,còi cọc, lông đít xác xơ.” Về kinh nghiệm chọn trứng tốt, bà “bật mí”: “Vỏ dày, trứng bóng, phấn mờ.” Giai đoạn làm công ty nhà nước, cứ vài ngày một lần ghe bà chở hàng trăm ngàn quả trứng cập bến Bình Đông (TP.HCM). Tỉ lệ sai hỏng cho phép là 5% nhưng nhờ kinh nghiệm, tỉ lệ hao hụt được bà giảm tối đa và ăn phần chênh lệch. Không chỉ nuôi được các em ăn học, bà còn có của ăn của để.

Với số vốn 200 triệu đồng, năm 1982 bà Ba Huân bỏ việc ở công ty nhà nước rẽ lối mở vựa trứng riêng. Bà giải thích: “Có tiền tích lũy trong kinh doanh. Có phần may mắn vì nhiều thương nhân người Hoa di tản để lại nhà cửa gần như cho không.” Việc làm ăn khấm khá, năm 2001, vựa trứng Ba Huân nâng cấp thành doanh nghiệp tư nhân, năm 2006 đổi thành công ty TNHH. Sáu anh em bà Ba Huân lần lượt về phụ giúp chị, người lo đối ngoại, người trông coi sản xuất, người phụ trách phân phối…

Thử thách lớn nhất với doanh nghiệp đến khi đại dịch cúm gia cầm bùng phát. Với dây chuyền xử lý trứng mang tính cách mạng, vận rủi của hàng triệu hộ chăn nuôi gia cầm lại trở thành cơ hội cho doanh nghiệp này lột xác. Ông Hùng kể lại sáng kiến của bà Ba Huân bắt đầu từ lời kể của ông David Dương, chủ tịch công ty California Waste Solutions (CWS). Từ lời của người họ hàng về việc sản phẩm trứng gia cầm vẫn tiêu thụ mạnh ở nước ngoài vì được diệt khuẩn trước khi đưa ra thị trường khiến bà nông dân bỏ học từ năm lớp năm muốn làm điều tương tự. Kết nối được với hãng sản xuất của Hà Lan nhưng chưa kể tiền xây nhà máy, cái giá 60 ngàn euro cho dây chuyền đầu tiên lúc này vượt ngoài tầm với của bà vì cũng hứng chịu thiệt hại của đại dịch cúm gia cầm.

Ông Hùng kể, bỏ qua lời can ngăn của gia đình, bà Ba Huân bán nhà, vay thêm ngân hàng, dốc tiền bạc tích lũy còn lại để rót vào nhà máy xử lý trứng. Năm 2006, lần đầu tiên người tiêu dùng thấy sản phẩm trứng gia cầm bán trong siêu thị Co.op Mart với diện mạo hoàn toàn mới: thay vì đựng trong các giỏ tre nhiều khi còn dính chất thải, từng lô vỉ trứng gia cầm mới sạch bong, đóng gói trong vỉ nhựa, có tem nhà sản xuất. Sản phẩm được đón nhận. Tìm ra chìa khóa giải quyết vấn đề xử lý trứng, bà tiếp tục đầu tư, đưa trang trại chăn nuôi ở Bình Dương vào hoạt động năm 2011. Nhiều lần ra nước ngoài, đứng bên quầy chế biến thực phẩm trong siêu thị thấy các sản phẩm gia tăng phong phú hàng trăm loại, bà muốn một nhà máy chế biến thực phẩm.

Cuối năm 2014, công ty khép kín chuỗi giá trị của ngành bằng việc đưa nhà máy chế biến thực phẩm ở Long An vào vận hành. Liên tục đầu tư nên tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này được đánh giá chỉ ở mức vài %. Bà Ba Huân nói: “Mình có được như ngày hôm nay nhờ người tiêu dùng. Lợi nhuận mình ít đi nhưng nối dòng chảy giữa sản xuất và tiêu dùng lại trong lúc vật giá leo thang.” Ba Huân tham gia chương trình bình ổn giá do sở Công Thương TP.HCM phát động liên tục từ năm 2006 tới nay.

Cuộc trò chuyện của bà Ba Huân với Forbes Việt Nam liên tục bị gián đoạn khi hai chiếc iPhone của bà thay nhau đổ chuông. Giữa buổi phỏng vấn nửa chừng bà đột ngột bỏ đi khi hay tin một chiếc xe chở trứng muối bị cảnh sát giao thông tạm giữ. Trên đường ra nút giao thông An Lạc bà liên tiếp gọi điện đi các nơi can thiệp lúc nhỏ nhẹ với cơ quan chức năng, có lúc oang oang quát nhân viên cấp dưới chậm cập nhật thông tin phân luồng giao thông. “Lĩnh” được xe ra, bà nói tài xế chạy trước dẫn đường đưa chiếc xe chở hàng tới tiệm bánh Như Lan trên đường Hàm Nghi. Bà phân trần: “Mình phải giữ chữ tín, chậm giao, hàng dây chuyền của họ ngừng sản xuất.” Giải thích về sự ôm đồm này, bà nói: “Các em không có tiếng nói. Mình đích thân giải quyết mới xong.”

Trên đường, giữa giây phút hiếm hoi không sử dụng điện thoại bà than phiền về sự bận rộn. Bà kể, trừ khi có hẹn ở văn phòng, bà liên tục di chuyển giữa các nhà máy tại Bình Dương - TP.HCM - Long An. Điện thoại bà đổ chuông, đầu bên kia xin 150 suất quà cho trẻ em vào tết Trung thu. Nữ doanh nhân nửa tiếng trước đó thanh toán tiền nước dù vội không quên kêu nhân viên giảm giá thêm 10% trên hóa đơn vì “có thẻ V.I.P nhưng quên mang theo” lập tức tỏ ra hào phóng: “Cô Ba Huân dành hẳn 300 suất nhưng gần đến đó nhớ nhắc lại nhé.”

Một số người quen biết kể, ngoài công việc bà dành nhiều thời gian cho từ thiện và xã hội. Do năng suất thấp và tập quán nuôi lạc hậu, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam được xem chịu nhiều áp lực khi hiệp định thương mại TTP và FTA được thông qua. Dù vậy bà Ba Huân nhìn nhận thấy vô số các cơ hội ở thị trường nội địa. Ấp ủ mới nhất của công ty này là xây dựng một nhà máy ở phía Bắc sau hai năm kinh doanh thử nghiệm thành công. Triết lý kinh doanh của bà không thay đổi. “Người nông dân phải có doanh nghiệp làm đầu tàu. Tôi vẫn lấy chỉ tiêu chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu,” bà nói.

Theo Giang Thanh/ForbesVietNam