Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bà chủ của 'khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng'

30/10/2019 08:09

Nữ doanh nhân Trương Tú Phương đã biến một vùng đất thuần nông của tỉnh Hải Dương trở thành 'mái nhà chung' của hàng chục dự án sản xuất công nghiệp có tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.

Nữ doanh nhân Trương Tú Phương đã biến một vùng đất thuần nông của tỉnh Hải Dương trở thành 'mái nhà chung' của hàng chục dự án sản xuất công nghiệp có tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.

Vốn được biết đến nhiều là vùng đất nông nghiệp, Hải Dương nay đã chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên bộ áo công nghiệp hóa mới mẻ và rộn ràng. Ở giữa tỉnh đồng bằng Bắc bộ là khu công nghiệp “không bao giờ đóng cổng” Đại An với những nhà máy hiện đại, quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Sumidenso, Koyo, SD Global...

Có lẽ không mấy ai biết rằng sự ra đời và phát triển của Đại An gắn với nhiều năm đời người và vượt qua nhiều khó khăn của nữ doanh nhân Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại An.

“Bắt đầu sự nghiệp thì ai cũng khó khăn, doanh nghiệp nào cũng rất khó về vốn đầu tư, về kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, đặc biệt đối với loại hình đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp”, bà Phương nhớ lại những ngày đầu “khởi nghiệp”.

Nữ doanh nhân Trương Tú Phương

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cần có vốn lớn bởi 100ha mới được quy định là khu công nghiệp tập trung, cần xây dựng đầy đủ các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật thì mới có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ đầu tư cần có phương án không chỉ đối với trong nước còn đối với sự thay đổi của các nước - điều này cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư tại Việt Nam. “Bao nhiêu điều đó làm cho các doanh nghiệp đầu tư ngành này vất vả và khó khăn hơn các ngành đầu tư bất động sản khác”, bà Phương tâm sự.

Bà cho rằng cái khó nhất là tập trung được các bạn hữu cùng chí hướng để xây dựng mục đích, nguyên tắc ngay từ khi thành lập. Với bà, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải làm đúng pháp luật, phải coi việc thành công trong đầu tư của các nhà đầu tư là chính sự nghiệp của mình, đặt quyền lợi của người lao động trên quyền lợi của doanh nghiệp.

Những năm đầu của thế kỉ XXI, tất cả lại bắt đầu với người phụ nữ sau hai thập kỉ ổn định. Bà trăn trở, suy nghĩ những bước đi ấy sẽ là gì, làm sao để đi đúng và tránh gây đổ vỡ bởi “nếu đổ vỡ thì sẽ rất khốn khổ vì kéo theo cả gia đình người đi theo mình”.

Đại An ra đời xuất phát từ mong muốn chuyển đổi từ một vùng thuần nông sang làm dịch vụ công nghiệp, người dân đều có việc làm phù hợp với hoàn cảnh để tự nuôi sống bản thân và gia đình.

“Ngành phát triển đầu tư hạ tầng kỹ thuật là ngành đáp ứng điều mong muốn đó. Đất nước muốn phát triển, chỉ có một con đường duy nhất phải nhìn ra thế giới, phải rút được ra các bài học cho sự phát triển của họ đã đi trước”, bà Phương chia sẻ.

Sau năm tháng khảo sát tại sáu tỉnh phía Bắc, bà và đồng nghiệp đã quyết định đầu tư khu công nghiệp có quy mô lớn và mang tính chiến lược. Hải Dương được lựa chọn và quyết định đầu tư nhờ vào địa thế thuận lợi là trung tâm phát triển các vùng đồng bằng phía Bắc, nằm giữa Hà Nội và cảng biển quốc tế Hải Phòng.

Những vất vả ban đầu dần qua đi, một doanh nghiệp với 25 tỷ đồng vốn đăng ký ban đầu giờ đây đã trở thành khu công nghiệp Đại An rộng lớn đã được xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ.

Khu công nghiệp Đại An đã thu hút 93 dự án đầu tư, trong đó có 87 dự án đã đi vào hoạt động, sáu dự án đang xây dựng nhà máy với số vốn đầu tư trên 2 tỷ USD và 41.000 lao động, trên 400 chuyên gia và cán bộ kỹ thuật nước ngoài hiện đang làm việc tại đây.

Đại An đã giúp chuyển dịch ngành cho một vùng nông thôn nghèo, xây dựng xã nghèo từ sản xuất thuần nông sang làm dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, thực hiện chủ trương của Nhà nước “Ly nông bất ly hương”.

Cùng với đó, Đại An góp phần tạo nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu cho Nhà nước thông qua các nghĩa vụ nộp thuế của công ty, các doanh nghiệp làm công tác xây dựng, các dự án nhà máy sản xuất. Tính riêng năm 2018, các doanh nghiệp toàn khu công nghiệp nộp thuế cho Nhà nước 950 tỷ đồng.

Đến năm 2019, Đại An là chủ ba khu công nghiệp trên trục Quốc lộ 5, bao gồm khu công nghiệp Đại An hơn 600ha, khu công nghiệp Lai Cách 152ha và khu công nghiệp Minh Đức ở Hưng Yên có diện tích 175ha.

Khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng

Một điều ấn tượng bất cứ ai cũng nhớ đến Đại An chính là cái tên “Khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng”. Bà Phương cho biết việc lựa chọn hướng đi này xuất phát từ hoàn cảnh tại thời điểm bắt đầu cũng như do vị trí khu đất đầu tư khu công nghiệp.

Năm 2003, khu công nghiệp Đại An có sáu làng bên trong và xung quanh không thể di dời được trong khi luật lại không cho phép khu công nghiệp có người dân ở.

Khi Đại An xây dựng hàng rào, tạo cổng thì không nhận được sự đồng thuận của người dân xung quanh khu công nghiệp khi họ chiếm giữ khu công nghiệp 12 ngày. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lúc đó đã phải chủ trì và quyết định Đại An phải cho người dân cùng được sử dụng các công trình đường giao thông trong khu công nghiệp để giải quyết yên lòng dân, ổn định trật tự xã hội.

Sau này, đây là bài học thực tiễn để có Nghị định 82/2018/NĐ-CP ra đời cho các khu công nghiệp để dành 30% diện tích làm khu đô thị - dịch vụ phục vụ nhu cầu của chuyên gia và công nhân.

Khu công nghiệp này đã thu hút được 93 dự án, trong đó có 87 dự án đã đi vào hoạt động, 6 dự án đang xây dựng nhà máy.

Khu công nghiệp Đại An sau đó đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống hạ tầng trong khu vực nông thôn xung quanh.

Đại An không những đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào mà còn ứng vốn đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để kết nối đồng bộ giữa thành phố Hải Dương và huyện Cẩm Giàng.

Điều này vừa có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thứ cấp trong triển khai nhanh dự án sản xuất kinh doanh, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho các xã nông thôn nằm trong khu công nghiệp, trong khi Nhà nước đang chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư phục vụ tích cực chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp, bà Phương phân tích.

Vị nữ doanh nhân cho rằng sự thành công của Đại An hôm nay là sự đổi mới chính sách của Đảng và Nhà nước cho phép các doanh nghiệp tư nhân được đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp và Đại An đã được chính quyền và người dân Hải Dương tin tưởng giao cho thực hiện triển khai dự án.

Cùng với đó, niềm tin mãnh liệt đã giúp bà chèo lái thành công khu công nghiệp Đại An qua “con sóng” của sự thay đổi chính sách Nhà nước những năm mới bắt đầu.

Triết lý vì cộng đồng

Triết lý “Thất bại là mẹ thành công” là điều vị nữ chủ tịch luôn nghĩ tới để vượt qua khó khăn. “Mỗi lần thất bại là một lần được thử thách thêm kinh nghiệm cho cuộc sống của mình và làm cho mình mạnh mẽ, trưởng thành”.

Ở góc độ là phái yếu làm kinh doanh, bà cho rằng người phụ nữ sẽ thận trọng hơn khi ra các quyết định, bền bỉ hơn và không dám mạo hiểm. “Làm gì cũng có chừng mực trong khả năng quản lý của mình, không dám làm những việc khi bản thân không kiểm soát được, với tôi là như vậy”.

Bà Phương tâm niệm, Đại An trước hết phải là mái nhà chung của cán bộ công nhân viên công ty, của các doanh nghiệp vào khu công nghiệp đầu tư, của các đối tác làm việc với Đại An.

Bà suy nghĩ rằng nếu những người dân trong vùng có thể gây dựng sự nghiệp mới tốt hơn, hạnh phúc hơn, có thu nhập cao hơn tại khu công nghiệp thì Đại An sẽ không phải lo lắng cho sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh đã chọn. Cùng với đó, khu công nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng cũng như phải giữ nguyên bản sắc văn hóa thuần Việt, hội nhập để phát triển.

Kiều Mai

Bạn đang đọc bài viết "Bà chủ của 'khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng'" tại chuyên mục Doanh nhân.