Ba ông ‘chụm lại’ nên nhà máy to!

15/04/2020 22:44

Rời nước Đức về quê khởi nghiệp với lĩnh vực trái cây chế biến, ông Võ Phát Triển còn kéo hai người bạn cùng sở làm, đã về hưu nhập cuộc. Cả ba, Triển, Rolf Sigle, chuyên về kỹ thuật lắp ráp thiết bị và Herbert Mink, nguyên trưởng phòng kỹ thuật, đều làm cho công ty Maurer của Đức. Rolf Single và Herbert Mink đã ngoài 70 tuổi. 

Tham gia vào lĩnh vực trái cây chế biến, Công ty Việt-Đức của 3 người bạn nảy đang muốn chia phần miếng bánh 346 tỷ USD của thị trường trái cây và rau quả chế biến toàn cầu. 

Tháng 3/2020 này, công ty TNHH công nghệ thực phẩm Việt-Đức (VietDuc Food Technology Ltd, gọi tắt là công ty Việt-Đức) hoàn tất kế hoạch nâng cấp, đưa tổng công suất chế biến của nhà máy lên gấp mười lần so giai đoạn đầu.

 

Ông Triển về quê lập nhà máy theo công nghệ nơi sở làm cũ đã ‘buộc’ hai người bạn cùng sở đã về hưu như ông – ông Rolf Single và ông Herbert Mink – sang Việt Nam giúp bạn mình xây lắp máy. Ảnh: Ngọc Bích.

Dự kiến sau khi nâng cấp, công ty Việt-Đức cần hơn 3 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm.

Tám năm đăng đẳng, tự đầu tư 5 triệu euro vào nhà máy này để có công nghệ, thiết bị tối tân, sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000-2005, BRC, Eurofins kiểm định chất lượng là cam kết của nhà máy với khách hàng, vấn đề còn lại là giải bài toán nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn an toàn.

Tám năm thai nghén Việt-Đức

Tháng 10/2012, có thể nói là một sự kiện đã diễn ra tại Đồng Tháp: công ty Việt-Đức do ông Võ Phát Triển thành lập. Sự kiện này đã kéo hai người bạn cùng sở làm, đã về hưu của ông Triển nhập cuộc. Cả ba, Triển, Rolf Sigle, chuyên về kỹ thuật lắp ráp thiết bị và Herbert Mink, nguyên trưởng phòng kỹ thuật, đều làm cho công ty Maurer của Đức. Rolf Single và Herbert Mink đã ngoài 70 tuổi.

Tưởng đâu đã “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, nhưng  ông Triển đã để gia đình lại Freiburg im Breisgau, Đức, trở về sanh quán đầu tư một nhà máy tại huyện Thanh Bình bằng thiết bị đặt hàng cho Maurer sản xuất.

Maurer, nơi ông Triển làm việc, nổi tiếng về thiết bị chế biến thịt, cá. Nhà máy chế biến trái cây của ông Triển đã làm Maurer xoay trục lĩnh vực. Ông Triển vốn là chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Maurer, ngồi tại Thanh Bình vẽ mẫu thiết kế, viết chương trình rồi đặt hàng cho hãng cũ. Thế là từ đó ông loay hoay vừa xây dựng nhà máy trái cây sấy dẻo vừa tìm nguồn nguyên liệu an toàn.

Theo các viện, trường, ông Triển nắm được sản lượng xoài hàng năm tại đồng bằng sông Cửu Long khoảng 420.000 tấn với trên 41.000ha. Đồng Tháp quê ông đến 85% diện tích xoài cát chu. Do thiếu hệ thống tồn trữ, thiếu chế biến sau thu hoạch, lúc xoài dội chợ giá xoài cát chu rất rẻ. Ông Triển tập trung chế biến loại xoài này. Tự lực đầu tư bằng sức mình, ông Triển tự đo lường phản ứng khi đặt nhà máy chế biến vào vùng nguyên liệu quen làm hàng dễ tính và ông hiểu đâu là giới hạn trước những nhà đầu tư lớn hơn nên đã liên kết với các doanh nghiệp ở Cao Lãnh, tổ chức chế biến xoài cát chu, tứ quý, xoài keo, khóm, đu đủ, mãng cầu. Ngoài ra, ông còn kết nối với công ty TNHH TM DV Bé Dũng ở thôn Đại Thành, xã Mường Mán, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, nơi có 25.000ha trồng thanh long để phát triển dòng sản phẩm thanh long sấy dẻo.

Thị trường Trung Quốc giờ đây không còn dễ tính nữa nên ông Triển có nhiều thuận lợi đối với nguồn nguyên liệu làm hàng xuất sang Nhật, Nga và EU, những thị trường chuẩn mực. Liên kết với công ty Bé Dũng, nên ông Rolf Single và ông Herbert Mink đã sang Bình Thuận lắp ráp thiết bị và hướng dẫn quy trình cho đối tác. Công nghệ Maurer cũng là chứng nhận cho thị trường EU có được niềm tin với sản phẩm gắn với công nghệ này. Maurer cũng sòng phẳng đối với những mẫu mới do ông Triển thiết kế, cho phép gắn chung logo Maurer và Việt Đức – một chuyện xưa nay hiếm.

Liên kết để tạo nguồn lực

Tại Đức hay các nước khác ở EU, người tiêu dùng sẽ tin khi nghe những người cùng văn hoá chào bán sản phẩm dù nó từ đâu tới. Các bạn Đức đã giúp ông Triển chào bán sản phẩm chế biến từ Đồng Tháp. Thái Lan đã biết lợi hại của công nghệ Maurer và cảnh người Đức quảng bá hàng Việt.

Hiện nay Thái Lan là một trong những tay chơi chính trên thị trường nhập khẩu trái cây nhiệt đới sấy khô tại EU. Theo cơ quan Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển để xuất khẩu hàng hoá vào Liên minh châu Âu (CBI – Centre for the Promotion of Imports from developing countries) kim ngạch xuất khẩu của Thái vào EU đã tăng từ  4.300.000 euro trong năm 2013 lên 7.000.000 euro trong 2017, chủ yếu là đu đủ, khóm, vải, thanh long, ổi, chanh dây và mứt trái cây từ khóm, đu đủ, xoài, dưa hấu, mít… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Việt Nam trở thành đối thủ nặng cân, mức gia tăng nhanh hơn (79% tăng trưởng hàng năm), kế đó là Ấn Độ (35%) và Sri Lanka (33%), theo báo cáo 2017 của CBI.

Năm ngoái, riêng mặt hàng xoài sấy dẻo của Việt-Đức nhận đặt hàng từ Đức 600.000 euro. Ba đơn hàng của Nga, Đức, Nhật ổn định trong nhiều năm, sử dụng 10.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là xoài. Vẫn còn nhiều tiềm năng khi nhà máy khai thác nguồn nguyên liệu thanh long, khóm, chuối, mãng cầu, đu đủ, ớt và thuỷ sản các loại. Những dữ liệu đó khiến ông Triển yên chí khi nâng cấp nhà máy.

Triển vọng theo tính toán

Đúng như dự đoán của ông Võ Phát Triển, dự báo của Fruit & Vegetable Processing Market đến 2022, thị trường trái cây và rau quả chế biến toàn cầu sẽ đạt 346 tỷ USD, mức phát triển này tăng trưởng luỹ kế (CAGR) khoảng 7%/năm kể từ năm 2017.

Theo ông, thay đổi sở thích tiêu dùng và  ý thức bảo vệ sức khoẻ trên toàn cầu sẽ đẩy nhu cầu trái cây sấy lên, do đây là thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Nhu cầu từ các ngành công nghiệp bánh mì, sữa và bánh kẹo tăng cũng sẽ khiến thị trường trái cây sấy toàn cầu chuyển động. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường minh bạch, thị trường trái cây sấy toàn cầu có giá trị 7.255,4 triệu USD trong 2018 sẽ tăng 5,9% mỗi năm cho tới năm 2026. Sự  tăng trưởng đáng kể cùng lúc với gia tăng về số lượng các kênh phân phối như siêu thị và hypermarket và tăng dân số trung lưu, thu nhập trong các nền kinh tế phát triển.

Ông Triển còn khám phá thị trường “tái xuất” mà lâu nay Hà Lan và Vương quốc Anh đã khai thác để trở thành hai nước xuất khẩu trái cây nhiệt đới sấy khô lớn nhất EU, trong đó các nước nhập khẩu chủ yếu là Pháp, Đức và Ý. Khi Anh quốc “Brexit”, chỉ riêng Hà Lan đã chiếm 56% thị phần xuất khẩu trái cây nhiệt đới sấy khô tại EU. Theo Eurostat mức tăng trưởng nhập khẩu sẽ tăng ở Áo, Ba Lan và Croatia. Ông Triển cho biết, thị trường trái cây sấy hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ năm nay là 6,1% và giữ  mức tăng trưởng luỹ kế ( CAGR) 7% từ nay tới năm 2021.

“Một mình Việt-Đức không làm nổi”, ông Triển nói, để giải bài toán ùn ứ nông sản, Việt-Đức có nhà máy xông hơi để xuất trái cây tươi và sấy. Nếu các nhà vườn chuyển đổi theo hữu cơ, thì trong ba năm tới Đồng Tháp có dòng trái cây nhiệt đới sấy dẻo theo đơn đặt hàng từ EU, trước hết là Đức. Hàng của mình sẽ có giá tốt, chấp nhận đua với Thái Lan và các nước khác”.

Hoàng Lan (theo TGHN)

Bạn đang đọc bài viết "Ba ông ‘chụm lại’ nên nhà máy to!" tại chuyên mục Chuyện thương trường.