Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người đồng hành và có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, mới đây đã chia sẻ với báo giới về ông chủ Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ.
Bà Phạm Chi Lan nguyên là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1996 – 2006.
Gần 50 năm gắn bó với việc nghiên cứu các doanh nghiệp Việt Nam, bà Phạm Chi Lan dành cho ông chủ Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ một sự trân trọng đặc biệt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bộc bạch: “Tôi đã quan sát hoạt động kinh doanh và các hoạt động xã hội của Vũ và nhiều doanh nhân lập nghiệp từ thời đầu đổi mới trong suốt một thời gian dài. Với tôi, Vũ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của lứa doanh nhân thời đầu đổi mới đầy gian truân ở nước ta. Câu chuyện rất ấn tượng về khởi nghiệp, về những khát vọng của Vũ đã tạo niềm tin và nguồn cảm hứng về khởi nghiệp cho biết bao thanh niên Việt trong những năm qua. Và đóng góp của Vũ cho các mặt hoạt động xã hội, đặc biệt cho sự phát triển của những người trẻ ở Việt Nam một cách hào phóng, không vụ lợi, tận tâm, bền bỉ cũng ít ai sánh được”.
Nói về những ồn ào xoay quanh tranh chấp giữa vợ chồng “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo, bà Phạm Chi Lan đã thẳng thắn chia sẻ: “Khi nghe những thông tin về sự lục đục giữa vợ chồng Vũ, tôi có hỏi bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của Vũ thì được biết Vũ đã gạt đi, không muốn nhắc đến chuyện đó với ý định bỏ qua cho vợ. Tôi hiểu, phải tập trung lo việc kinh doanh và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lại ham đọc sách và suy ngẫm về những vấn đề rộng lớn về vũ trụ và con người, hơn ai hết, Vũ không muốn những chuyện gia đình như thế trở nên phức tạp và ồn ào trên mặt báo".
“Nhưng rồi những chuyện riêng tư về vợ chồng Vũ, dù được Vũ cố giữ kín vẫn cứ lan truyền. Đặc biệt mới đây, chính một bên trong cuộc là bà Thảo lại công khai chia sẻ với một vài phóng viên, để rồi câu chuyện riêng trong gia đình được vài tờ báo nhanh chóng biến thành một thứ tiểu thuyết ngôn tình, bám vào đó để đẩy lên thành vấn đề nhằm thu hút dư luận và câu views”.
Bà Phạm Chi Lan không ngần ngại bày tỏ sự không đồng tình với cách làm của một số tờ báo: “Đây là điều đáng buồn. Người ta đã lợi dụng sự im lặng của Đặng Lê Nguyên Vũ. Với báo chí, tôi nghĩ thông tin về bất cứ vấn đề gì cũng phải khách quan. Trước bất kỳ một vấn đề, mà một bên im lặng, một bên lại đăng đàn thì người đưa tin cần có sự thận trọng và tỉnh táo sàng lọc. Nhất là khi trong công chúng bây giờ không ít người thiếu cả niềm tin lẫn thông tin nên rất dễ cảm tính, dễ bị những cách viết tinh vi dẫn dắt”.
Chỉ 10 năm sau Đổi mới (1986), ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo dựng nên một thương hiệu lớn trong ngành chế biến nông sản. Trung Nguyên không chỉ là một trong những “ông lớn” ở thị trường nội địa mà còn chinh phục thị trường thế giới.
Thành lập năm 1996, chỉ mất vài năm thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã bùng nổ với hàng ngàn cửa hàng nhượng quyền khắp từ Bắc tới Nam.
Trong vòng 5 – 6 năm đầu thành lập, Trung Nguyên duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 300 – 500%.
Không có nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam đạt được thành công nhanh chóng và ngoạn mục như cà phê Trung Nguyên.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng để tạo dựng nên một Trung Nguyên như vậy phải kể đến Đặng Lê Nguyên Vũ với tài năng, ý chí và khát vọng mãnh liệt. Tất nhiên, phải luôn có sự cộng tác của cả một đội ngũ những cộng sự cũng đầy nhiệt huyết và tài năng được ông tập hợp và truyền lửa, cùng sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng Việt.
Theo bà, trên thị trường cạnh tranh gay gắt cả bên trong và bên ngoài như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có quá nhiều khó khăn, vất vả để làm ăn, đặc biệt để tạo dựng thương hiệu.
Suốt mấy chục năm trăn trở, đồng hành với khu vực kinh tế tư nhân, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh Việt Nam muốn phát triển phải có những người làm ăn giỏi.
Bà Lan khẳng định nền tảng sản xuất bao giờ cũng là quan trọng nhất, là số 1 đối với nền kinh tế của một quốc gia, nhất là một đất nước đông dân và có nhiều tài nguyên như Việt Nam.
Ở tuổi thất thập, bà Phạm Chi Lan vẫn đau đáu với sự tồn vong và lớn mạnh của thương hiệu Việt: “Phải có thương hiệu tên tuổi phát triển lên, nhất là trong sản xuất, chế biến các sản phẩm của mình. Đây là yếu tố hàng đầu chứ không chỉ có mấy khu bất động sản không thôi”.
Theo Hoàng Lan/VietnamFinance