Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Đã đến lúc Việt Nam bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời!"

31/03/2019 23:07

"Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên từ đống tro tàn, phát triển và hướng đến vị trí mới", bà Tôn Nữ Thị Ninh nói.

3 câu chuyện nhỏ với những người bạn nước ngoài

"Việt Nam lớn hay nhỏ, cũ hay mới" là chủ đề tham luận của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum – VLGF) vừa diễn ra tại Paris, Pháp. Phần nói chuyện của bà Ninh xoay xung quanh câu chuyện xây dựng thương hiệu Việt Nam.

"Việt Nam cần và xứng đáng có một thương hiệu quốc gia riêng", bà Tôn Nữ Thị Ninh mạnh mẽ khẳng định và lần lượt kể ra những câu chuyện đáng nhớ trong sự nghiệp của bà, minh chứng cho thông điệp này.

Câu chuyện đầu tiên liên quan cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, cấp trên của bà Ninh. "Ông Lê Mai là tác giả của một câu mà các cựu chiến binh Mỹ thường xuyên dùng nhưng không biết xuất xứ của nó. Họ nghĩ tác giả là một người Mỹ", bà Ninh nói.

Câu nói được nhắc đến ở đây là: "Việt Nam không chỉ là tên một cuộc chiến, trên hết, đó là tên một đất nước, một dân tộc".

Câu chuyện thứ hai là vào năm 1985 khi bà Ninh có dịp đến thủ đô Nairobi của Kenya. Đất nước châu Phi này vừa thoát khỏi chiến tranh, rất khó khăn. Lúc qua cửa soát hộ chiếu, người kiểm tra ở đây khi nhìn thấy quốc tịch của bà Ninh đã hỏi: "Việt Nam còn chiến tranh phải không?".

"10 năm sau khi hoà bình lập lại, người ta vẫn hỏi Việt Nam, à, đất nước ấy vẫn chiến tranh. Đấy là dấu ấn in sâu trong trí óc của người ta", bà Ninh nói và cho biết, thời điểm đó bà đã nghĩ đến việc cần phải khiến cho thế giới thay đổi quan điểm này.

Câu chuyện thứ ba là cuộc nói chuyện của bà Ninh với người đứng đầu tổ chức Save the children US ở Hà Nội hồi những năm 1990. Người đàn ông Mỹ này đã nhận xét rằng có những nơi ở Việt Nam thực sự nghèo đói, sự khốn cùng đó tương tự với nhiều nước Nam Mỹ, hay Bangladesh, nơi mà ông đã đi qua. Nhưng, ở Việt Nam có một sự khác biệt then chốt.

"Tôi chưa bao giờ phải thương hại người nghèo Việt – ông ta thừa nhận", bà Ninh kể lại. Bởi, người đàn ông này cho biết ở những nơi khác, người nghèo rất an phận, chấp nhận số phận, còn người Việt thì không. Nhắc lại lời người bạn Mỹ, bà cho biết: "Người Việt toát lên ý chí nhưng không ồn ào. Cái họ không làm được cho bản thân thì sẽ phấn đấu cho con, cho cháu".

Do vậy, bà Ninh cho rằng: "Nếu có một dân tộc nào khát khao và xứng đáng ở vị trí đặc sắc trong con mắt của thế giới thì đó nên là Việt Nam".

Theo bà, nhiều nước như Pháp, Mỹ, Nhật đã có thương hiệu quốc gia với nội hàm rõ nét và được cảm nhận rộng rãi. "Ngày nay chúng ta cần chủ động ra mắt thế giới như một đất nước có bề dày lịch sử, có chiều sâu và đa dạng văn hoá. Một dân tộc thấu hiểu hoà bình, vừa sống động bản sắc, vừa sẵn sàng hoà đồng", bà Ninh nhấn mạnh. "Đã đến lúc Việt Nam phải bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời, nếu chúng ta biết cách làm", bà nói thêm.

Không thể manh mún mà xây dựng thương hiệu quốc gia

Việt Nam như vậy chắc chắn cần có một thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, để xâu dựng được một thương hiệu của dân tộc, không thể làm một cách manh mún, rời rạc.

"Việt Nam bắt đầu chạy sau, nếu làm tầm tầm, bình bình thì không bao giờ đuổi kịp, cho nên mình phải chạy như thế nào – đấy mới là chìa khoá. Chúng ta phải biết mình đi đâu", bà Ninh nói và nhấn mạnh đến việc chủ đích của chúng ta là gì.

Bài toán đặt ra, theo bà, là phải tích hợp được giữa thế và lực của đất nước. Trong đó, yếu tố con người là một yếu tố nổi bật, cần khai thác.

"Khi nói chuyện với nhiều nhà đầu tư, họ nói rằng nhân tố tạo dấu ấn tích cực với họ là con người Việt Nam, với những hạn chế nhất định nhưng có những phẩm chất đặc sắc", bà chia sẻ. Bởi lịch sử chiến tranh trường kỳ đã định hình cho người Việt những tính cách đặc thù: vừa linh hoạt, vừa bất khuất mà như bà ví von là "cây tre trong phong ba bị uốn cong nhưng không hề gãy. Có khả năng vừa không quên đi quá khứ nhưng đồng thời hướng đến tương lai với sức sống không cưỡng được".

Quay trở lại với tựa đề "Việt Nam lớn hay nhỏ, cũ hay mới", bà Ninh cho rằng nhỏ hay lớn không đơn thuần là những con số, mà là việc thế và lực của đất nước đã thay đổi như nào và được thế giới nhìn nhận ra sao. Cũ hay mới là trong chiều kích của lịch sử và hướng đến tương lai như thế nào.

Bà Ninh cũng gợi ý rằng Việt Nam nếu muốn sở hữu quyền lực mềm, cần phải xây dựng cho mình một câu chuyện.

"Liệu Việt Nam có phải là câu chuyện về cây tre bất khuất hay về một phường hoàng tái sinh? Tôi chỉ đặt ra giả thiết như vậy, còn trả lời như thế nào là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Những con người có chung dòng máu Việt sẽ muốn tìm ra câu trả lời này", bà Tôn Nữ Thị Ninh nói

Theo Trí Thức Trẻ