Chủ tịch Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway là một một doanh nhân kín tiếng nhưng đang vận hành một hệ thống giáo dục tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam.
Lộ diện nữ đại gia kín tiếng
Theo Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, hiện có 2 doanh nghiệp cùng mang thương hiệu Edufit là: Công ty Cổ phần Giáo dục Edufit và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit.
Đây là 2 thực thể hoàn toàn khác nhau (thành lập 2017) nhưng đều có người đại diện pháp luật mang tên: Trần Thị Hồng Hạnh.
Trong khi đó, Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway (Gateway International School) là một thương hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn Giáo dục Edufit do bà Trần Thị Hồng Hạnh (1982) làm đại diện pháp luật. Bà Hạnh cũng là chủ tịch Hội đồng Nhà trường Gateway International School.
Bên cạnh đó, chi nhánh Thái Bình của Công ty Cổ phần Giáo dục Edufit có địa chỉ trùng hoàn toàn với trụ sở của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục quốc tế Edufit: Lô 06/100, tổ 34, Phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình, Tỉnh Thái Bình, Việt Nam.
Cả 2 doanh nghiệp đều đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục mầm non, cùng một 1 số ngành kinh doanh giáo dục khác.
Edufit có một số cổ đông chính là Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Icorp, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Triều và Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou. Cả 3 cổ đông này đều liên quan đến bà Trần Thị Hồng Hạnh.
Nam Triều cũng có người đại diện theo pháp luật là Trần Thị Hồng Hạnh và có trụ sở cùng phường Hà Cầu, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Còn CTCP Phát triển Giáo dục ICorp có cùng người đại diện là bà Trần Thị Hồng Vân và có trụ sở cũng tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Trong khi Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou, có người đại diện Đỗ Thanh Long (sinh năm 1980), người ở cùng địa chỉ nhà với bà Hạnh.
Như vậy, một loạt các công ty có mối liên quan với bà Trần Thị Hồng Hạnh.
Một tay 2 mạng lưới giáo dục
Hệ thống trường Gateway hiện có 2 cơ sở gồm: Gateway Cầu Giấy (2015) và Gateway Hải Phòng (đi vào hoạt động từ tháng 7/2019). Hồi cuối tháng 6, Edufit đã khởi công Gateway Tây Hồ Tây, dự kiến đưa vào hoạt động từ mùa thu 2020.
International Gateway Tay Ho Tay - Starlake School được biết đến là một công trình đại và đẳng cấp nhất trong số các dự án của hệ thống trường PTLC Quốc tế Gateway. Ngôi trường này được xây dựng trên diện tích hơn 20.000 m2 chuẩn quốc tế với 126 lớp học, bể bơi 4 mùa tiêu, phòng nhạc, xưởng sáng tạo, nhà hát hơn 1000 chỗ…
Thông tin từ Gateway International School cho biết, dự án trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway Tây Hồ Tây đã nhận được khoản đầu tư 34 triệu USD (800 tỷ đồng) từ nhà bất động Toshin Development Co., Ltd, thuộc tập đoàn kinh doanh thương mại hàng đầu Nhật Bản Takashimaya.
Trong khi đó, Trường Gateway Hà Nội (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) được thành lập năm 2015. Trường được xây dựng trên mặt bằng 8.000m2 với tổng diện tích 15.000m2. Gateway Hà Nội có mức học phí khoảng 110 triệu đồng/năm và trên 40 triệu các loại tiền khác. Các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Edufit của bà Hạnh còn sở hữu hệ thống Trường mầm non quốc tế Sakura Montessori (SMIS), với 9 trường đã mở trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống có trụ sở chính tại KĐT mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Bên cạnh đó là các trường ở Lương Yên, Thụy Khuê, Hà Đông (Hà Nội); Ngô Quyền và Dương Kinh (Hải Phòng); 1 ở Quảng Ninh và 1 ở Quận 2, TP.HCM.
Edufit có kế hoạch tới năm 2025 sẽ mở rộng mạng lưới trường mầm non Quốc tế SMIS lên 17 cơ sở và phát triển Gateway thành một trong những hệ thống trường song ngữ hàng đầu Việt Nam.
Cũng trên cổng thông tin doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Hạnh còn là đại diện một loạt các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Hợp tác Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Zusso Việt Nam, Công ty Cổ phần Giáo dục nguồn sáng...
H. Tú
Theo VietnamNet