“Khi không có mục tiêu được xác định rõ ràng, chúng ta trung thành tới mức lạ lùng với những việc tủn mủn thường ngày cho tới khi cuối cùng chúng ta trở thành nô lệ cho chúng.”
Bài học của người thầy Do Thái
“Thầy giáo Do Thái chèo một chiếc thuyền lớn theo sau những nam sinh dũng cảm đang bơi trong dòng nước biển xanh ngắt. Bơi chưa đầy nửa dặm, những chàng trai vốn bơi rất giỏi lại dần bỏ cuộc mà trèo lên thuyền của thầy. Tất cả đều cảm thấy kiệt sức và không thể bơi tiếp. Người thầy chỉ cười và tiếp tục chèo thuyền ra xa bờ hơn.
Khi cách bờ khoảng một dặm thì thầy đột ngột dừng thuyền và ra lệnh cho tất cả các học sinh của mình nhảy ra khỏi thuyền và bơi vào bờ ngay vì thuyền sắp chìm. Thấy con thuyền nặng nề chở cả nhóm người đông đúc như muốn chìm thật, các học trò liền nhảy ngay xuống biển và cố hết sức bơi vào bờ mà không ngoái đầu trở lại…
Người thầy chậm rãi chèo con thuyền nhẹ từ từ theo sau nhưng luôn giữ một khoảng đủ để vừa quan sát và hỗ trợ khi cần, nhưng vừa không để học trò biết con thuyền vẫn nổi sau lưng họ.
Một lát sau, tất cả các học trò đều bơi vào đến bờ bình an vô sự, người thầy mới lên bờ gặp học trò của mình và hỏi từng nhóm học trò.
Nhìn những học trò không dám bơi, thầy hỏi rằng: “Tại sao các em không tham gia?”
Các học trò đáp: “Vì em thấy biển mênh mông, không biết bơi đi đâu nên em cảm thấy bối rối, sợ hãi và bỏ cuộc ngay từ đầu”.
Thầy lại tiếp tục hỏi những học sinh đã dũng cảm bơi ra biển: “Tại sạo các em sớm dừng lại khi bơi ra biển vì thấy kiệt sức, nhưng khi bơi vào bờ thì các em lại bơi được quãng đường còn dài hơn gấp hai lần quãng đường đã bơi ra, khi sức lực cũng đã mỏi mệt?”
Các học trò đều nói rằng khi bơi từ bờ ra biển, tâm lý hoang mang khi bơi ra biển khơi mênh mông đã làm họ lo sợ, trong khi chiếc thuyền của thầy ở phía sau như một cái phao cứu sinh mời gọi. Chính vì thế, họ nhanh cảm thấy kiệt sức nên bỏ cuộc.
Họ bỏ cuộc vì sợ hãi nhiều hơn là vì kiệt sức. Lúc đó, con thuyền của thầy là lựa chọn an toàn hơn rất nhiều so với việc bơi tiếp mà không biết sẽ đến đâu. Nhưng khi bơi vào bờ, dù xa hơn và sức đã mệt, nhưng họ vẫn có thể về đến nơi là vì bờ biển thân thuộc phía trước mặt là đích đến an toàn, nhìn thấy bờ biển trước mắt, họ càng bơi càng hăng hái, và về đích rất nhanh.
Có mục tiêu rõ ràng, và không còn đường lùi hay bất cứ sự hỗ trợ nào khác, các em đã dựa vào chính mình và đã về đích ngoạn mục. Còn khi các em bơi từ trong bờ ra biển khơi vô tận, các em không thấy được mục tiêu phía trước mặt, nên các em nhanh chóng rơi vào cảm giác hoang mang, rồi dần trở nên tuyệt vọng…
Không có mục tiêu rõ ràng để vươn tới, các em đều dễ dàng bỏ cuộc. Chắc chắn lúc ấy các em đều cho rằng mình đã cố hết sức rồi và chỉ được đến thế thôi. Hôm nay biển lặng, chúng ta lại ở trong vịnh nên không có con sóng nào lớn cản trở các em khi bơi ra biển, và cũng chẳng có con sóng xuôi chiều nào giúp các em bơi nhanh hơn vào bờ, nhưng các em đều tự mình vượt được quãng đường xa hơn nhiều quãng đường mà ngay trước đó không lâu các em đã cho rằng mình đã bơi hết khả năng đấy thôi.”.
Mục tiêu rõ ràng làm nên điều khác biệt
Mục tiêu rõ ràng làm nên điều khác biệt. Nó như chiếc chìa khóa đầu tiên, mở ra cánh cửa đầu tiên đưa chúng ta chạm đến thành công một cách nhanh chóng nhất. Hãy hiểu điều mình muốn làm, giữ vững ý nghĩ đó trong đầu, và hàng ngày hãy làm điều cần làm, và mỗi hoàng hôn, bạn sẽ thấy mình tới gần mục tiêu hơn.
Mục tiêu giúp chúng ta chiến thắng mọi nỗi sợ hãi và vượt qua được chính mình để chinh phục khó khăn một cách phi thường. Có mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, mọi khó khăn trở thành chuyện nhỏ vì ta biết bản thân mình đang đi đâu.
Khi làm việc không có mục tiêu, mọi việc dù nhỏ cũng trở thành khó khăn không thể vượt qua. Ta cứ mãi loay hoay, muốn thoát ra khỏi lớp vỏ bọc để tìm kiếm sự thay đổi, sự phát triển... nhưng ta lại không biết phải bắt đầu từ đâu, phải làm như thế nào.
Vậy thì, công việc đầu tiên và đơn giản nhất là hãy tự đặt ra mục tiêu phấn đấu cho tương lai của chính mình. Nếu thấy khó, hãy bắt đầu từ những mục tiêu đơn giản, rồi sau đó hãy nâng dần để đạt được những gì mà mình muốn. Người không có mục tiêu cũng giống như một con tàu không có bánh lái, lênh đênh vô định giữa đại dương bao la.
Robert A Heinlein đã từng nói một câu rất hay rằng: “Khi không có mục tiêu được xác định rõ ràng, chúng ta trung thành tới mức lạ lùng với những việc tủn mủn thường ngày cho tới khi cuối cùng chúng ta trở thành nô lệ cho chúng.”
Trí thức trẻ