"Người khôn biết điều mình không biết. Kẻ dại chẳng biết là mình không biết gì"- Lão tử.
Theo tờ Telegraph năm 2017, một nhóm các chuyên gia của trường đại học New South Wales Canberra đã công bố kết quả nghiên cứu rằng lý do nam giới thường giỏi hơn nữ giới trong vật lý là do các bé trai sinh ra đã có "dương vật" và họ đã học được mối tương quan giữa lực đẩy và quỹ đạo do thường xuyên kiểm soát chất lỏng từ "thiết bị" này.
Bọn nhỏ thường hướng dòng chảy vào những vật cụ thể cũng như thi xem của ai "bắn" xa và mạnh hơn. Cuộc nghiên cứu này còn cho rằng những bé trai sẽ chơi với "đồ" của mình trung bình 5 lần mỗi ngày trong 14 năm đầu đời, tương đương với việc làm 10.000 thí nghiệm, điều mà các bé gái không có.
Nghiên cứu này cho thấy các bé gái thường tiếp xúc vật lý thông qua những công thức tính toán phức tạp nghiêm túc trong khi các bé trai đã được thực hành và quan sát các hiện tượng thực tế nhiều lần trước đó.
Kết quả này có vẻ lá cải đối với Giám đốc điều hành sản xuất Dave Trott của Gold Greenlees Trott, đồng thời là một trong những ngôi sao của ngành quảng cáo hiện nay bởi ông chẳng chơi 5 lần mỗi ngày với "đồ" của mình khi còn bé và cũng chẳng giỏi vật lý hơn bao cô gái trong lớp.
Theo cách nói của Trott, có "đồ" hay không cũng thế và các chuyên gia rõ ràng là đang "chém gió".
Vậy có thật là những chuyên gia như của trường đại học New South Wales Canberra thường hay chém gió và chẳng biết mình đang nói gì hay không?
Trước khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng nghe 1 câu chuyện nữa của Dave Trott.
Dùng chó đánh xe tăng
Năm 1942, Đức quốc xã cho ra đời dòng xe tăng Tiger I với nòng pháo 88mm, vỏ giáp dày vượt trội so với dòng T34 lạc hậu của quân đội Nga. Trước sức uy hiếp của Tiger I, quân đội Nga cần có biện pháp ứng phó kịp thời trong tình hình Thế chiến II đang diễn ra căng thẳng.
Một lựa chọn được các chuyên gia đưa ra thời đó là dùng chó nghiệp vụ lắp bom cảm tử chui xuống gầm xe tăng cho nổ, bởi lớp giáp gầm của Tiger I là yếu nhất. Điều quan trọng là chi phí thấp, nguồn cung chó nhiều và dễ đào tạo.
Thế là quân đội Nga cho xây dựng hẳn một trung tâm huấn luyện với những chuyên gia giỏi nhất về chó. Những chú chó giống Alsatians nhanh, khỏe, dũng cảm bị bỏ đói và thức ăn luôn được giấu trong gầm những chiếc xe tăng diễn tập.
Tuy vậy khi vào trận, tình hình khá tệ. Các chuyên gia nghiên cứu mọi tình huống về loài chó khi chúng tấn công xe tăng nhưng lại quên mất thính giác của chúng quá nhạy. Trong khi đó, tăng Tiger I của Đức thì dùng xăng mà tăng T34 của Nga lại dùng dầu diesel.
Hệ quả là khu xung trận, những chú chó với lớp áo chưa 12kg thuốc nổ cứ nhào vào mấy chiếc T34 của Nga do đã quen mùi diesel lúc diễn tập.
Theo Trott, nhiều chuyên gia thời nay quá gò mình vào các chi tiết mà quên đi tổng thể công việc. Nhiều nội dung quảng cáo được các chuyên gia chăm chút đến từng chi tiết, tuân theo những quy tắc abc nào đó nhưng nội dung chán òm khiến người tiêu dùng chỉ "nhìn" chứ không "thấy". Tương tự như trường hợp dùng chó đánh xe tăng khi các chuyên gia nghiên cứu quá sâu về chó mà quên mất nhiệm vụ chính là đánh xe tăng.
Khi các nhà khởi nghiệp làm… cá
Quan điểm của Trott cũng tương tự trong kinh doanh và khởi nghiệp, khi nhiều chuyên gia tổng kết những quy luật thành công một cách quá dễ dàng mà quên mất rằng mỗi trường hợp mỗi khác. Những lý thuyết 4p,7p, chuỗi giá trị… hay những điều luật nào đó để một công ty khởi nghiệp được chỉ mang tính lý thuyết tương đối.
Trên thực tế, môi trường khởi nghiệp ngày nay đầy khó khăn và hoàn toàn không phải một thế giới mà người tiêu dùng luôn háo hức chờ đợi sản phẩm từ một startup vô danh nào đó. Năm 2017, thị trường Anh có gần 6.000 cửa hàng phải đóng cửa trong khi Việt Nam có hơn 315 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động mỗi ngày.
Theo báo cáo của Doing Business 2017, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản trên doanh nghiệp mới tại Hong Kong năm 2016 là 64,08%. Ở New Zealand, tỷ lệ này là 96,1% năm 2015 còn tại Anh là 66%.
Như vậy, người tiêu dùng hầu như chẳng quan tâm các startup này là ai hay làm gì nếu họ không thực sự có một danh tiếng hay bệ đỡ sẵn có. Thậm chí kể cả khi đã có, họ cũng chẳng quan tâm đến công ty của bạn nếu chúng không tác động vào đời sống thiết thực.
Năm 2017, tờ The Guardian cho biết hơn 70% số nghiên cứu đã gặp thật bại trong thời gian gần đây khi chứng minh một kết quả nghiên cứu trước đó. Trong khi đó ít nhất 50% số kết quả nghiên cứu khoa học khó lòng được chứng minh lần thứ 2 do độ khó và hi hữu. Tỷ lệ này là 51% cho các kết quả nghiên cứu liên quan đến kinh tế học.
Bài báo trên cũng cho biết khoảng 14% số nhà khoa học hiện nay cho biết họ có biết ít nhất một đồng nghiệp trong giới làm giả toàn bộ số liệu và khoảng 72% số nhà khoa học được hỏi cho biết họ biết có những đồng nghiệp làm giả một phần số liệu.
Ngay cả những báo cáo khoa học tinh vi nhất cũng bị làm giả, vậy điều gì khiến bạn nghĩ các chuyên gia luôn đúng?
Chắc nhiều người đã quen với hình ảnh chú cả nhẩy khỏi bể, một biểu tượng của sự tư duy mới, dám thử thách, đi tiên phong… tiêu biểu mà nhiều doanh nhân, nhà khởi nghiệp hướng tới. Tuy vậy, nếu không cẩn thận, những chú cá này không nhảy ra sông mà lại mắc cạn thì sẽ "sang thế giới bên kia".
Lời khuyên của Dave Trott ở đây là hãy trải nghiệm thực tế thay vì nghe răm rắp những chuyên gia chưa bao giờ thực sự nhảy khỏi bể. Những chú cá chưa bao giờ nhảy bể không hiểu thế giới ngoài bể không có nước và nguy hiểm đến thế nào. Tương tự như trong ngành quảng cáo, khoảng 4% quảng cáo được nhớ tích cực, 7% nhớ tiêu cực và 89% người tiêu dùng còn lại chẳng có khái niệm gì về sản phẩm dù chúng được nghiên cứu kỹ thế nào hay được các chuyên gia phân tích ra sao.
Rõ ràng, nếu không ai chú ý đến quảng cáo của bạn, hay startup mà bạn làm nên thì mọi thứ chỉ là lý thuyết suông.
*Bài viết có sử dụng tư liệu của cuốn sách "Dave Trott bàn về sáng tạo & thương hiệu"
Theo Trí Thức Trẻ