Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bài học quý cho người dựng đại nghiệp: 4 triết lý quản trị tài nguyên nhân lực “trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người” của nhà Thục Hán

23/05/2019 17:11

Thân là một nhà khởi nghiệp đi lên từ hai bàn tay trắng, không một xu dính túi, những người mà Lưu Bị chiêu mộ được hầu hết đều là những anh hùng hào kiệt nổi bật thời kỳ Tam Quốc, triết lý quản lý của ông có nhiều điều đáng để các nhà quản lý đương đại học hỏi.

1. Tuyển dụng dựa vào thành ý

Lưu Bị lấy khẩu hiệu "phò tá Hán thất, tiêu diệt gian tặc" làm tôn chỉ cho tập đoàn của mình, đồng thời dựa vào văn hóa doanh nghiệp "hoàng thân quốc thích, nhân đức ái tài" để chiêu mộ anh hùng hào kiệt bốn phương. Tiêu chuẩn tuyển dụng của Lưu hoàng thúc đó là "tài đức vẹn toàn", vì vậy, hầu hết các nhân viên dưới trướng đều là những người trung nghĩa. Thân là một nhà khởi nghiệp đi lên từ hai bàn tay trắng, không một xu dính túi, những người mà ông chiêu mộ được hầu hết đều là những anh hùng hào kiệt nổi bật thời kỳ Tam Quốc, triết lý quản lý của ông có nhiều điều đáng để các nhà quản lý đương đại học hỏi.

Kết nghĩa vườn đào giúp Lưu Bị chỉ với một chữ "Nghĩa" có được lòng trung thành của Quan, Trương hai tướng, những người mà sau này một lòng một dạ theo Bị, thịt nát xương tan cũng không nề hà. Lưu Bị ngay từ ban đầu đã thành công trong việc tích lũy được một lượng vốn vô cùng quý giá này. Tuy nhiên, sau nhiều năm khời nghiệp, doanh nhân Lưu Bị vẫn phải ở trong tình trạng "lang bạc kỳ hồ", không nơi nương tựa, hoạt động kinh doanh không hoàn thiện, thiếu hệ thống về nhiều mặt. Hoạt động quản lý chỉ thực sự chính quy sau khi Lưu Bị chiêu mộ được Gia Cát Lượng.

Ba lần đích thân đi mời, cuối cùng Lưu Bị cũng đã mời được Gia Cát Lượng tái xuất Giang hồ nhờ vào hai chữ "Thành ý". Ngoài ra, Lưu Bị cũng không quản ngày đêm để đuổi theo Bàng Thống, và cuối cùng cũng chiêu mộ được vị mưu sĩ tài năng này về phía mình. Có thể thấy rằng những người làm việc cho Lưu Bị không chỉ nổi bật về tài năng, mà còn cực kỳ trung thành với vị Lưu hoàng thúc này.

Đối mặt với vấn đề nhân tài ngày càng nghiêm trọng, các nhà quản lý của các doanh nghiệp ngày nay phải có được đôi mắt Bá Lạc (người thời Xuân Thu, giỏi xem tướng ngựa. Ngày nay dùng để chỉ người giỏi phát hiện, tiến cử, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài), biết cách phát hiện ra những người phù hợp với mục tiêu doanh nghiệp, bất kể hoàn cảnh xuất thân và bằng cấp của họ có ra sao để dự trữ cho doanh nghiệp những tài năng ưu tú.

Bài học quý cho người dựng đại nghiệp: 4 triết lý quản trị tài nguyên nhân lực “trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người” của nhà Thục Hán - Ảnh 1.

Nhờ cái tình, Lưu Bị đã thu phục và kết nghĩa được 2 người anh em Quan Vũ và Trương Phi.

2. Giỏi dùng người

Lưu Bị giỏi dùng người, điều này ai ai cũng biết. Bá nghiệp Thục Hán sở dĩ được thành lập không phải vì Lưu Bị có bản lĩnh hơn người, cũng không phải vì Bị có binh lực hùng mạnh mà là bởi Bị nắm trong tay tài nguyên nhân lực vô cùng phong phú là "ngũ hổ tướng", và một Gia Cát Lượng "vận trù duy ác chi trung, quyết thắng thiên lý chi ngoại" (chỉ bày mưu tính kế ở trong một doanh trại nhỏ nhưng lại quyết định được chiến thắng ngoài xa trường ngàn dặm), hơn nữa lại còn biết dùng và phát huy tài năng của nhân viên đúng lúc đúng chỗ.

Sau khi Lưu Bị qua đời, quản lý nhân sự của Thục Hán dần dần xuống dốc, "Mã Tắc thất Nhai Đình" là điển hình cho điều này. Ai cũng biết, Nhai Đình thất thủ là lỗi của Mã Tắc, nhưng lẽ nào Gia Cát Lượng không phải chịu trách nhiệm? Đứng từ góc độ quản lý nhân sự mà nói, là do Gia Cát Lượng dùng sai người, dùng người không đúng lúc đúng chỗ nên mới dẫn đến bi kịch lịch sử "huy lệ trảm Mã Tắc" (lau nước mắt chém Mã Tắc).

Khi doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn đầu, người quản lý việc gì cũng phải tự mình làm lấy là điều tất nhiên, nhưng khi doanh nghiệp đang dần phát triển, kiểu "tự tay làm hết" của người quản lý chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Sau khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng việc gì cũng ôm vào người, không dám bỏ quyền, chuyện gì cũng không yên tâm, không giỏi sử dụng những tài năng xung quanh để chia sẻ những vấn đề rườm rà, khó khăn lắm mới tín nhiệm Mã Tắc vậy mà lại dùng không đúng chỗ, trong quân có mãnh tướng Ngụy Diên thì ngược lại lại nghi ngờ, không dám dùng. Cuối cùng chỉ có thể "xuất sư mạc tiệp thân tiên tử, trường sử anh hùng lệ mãn khâm" (ý muốn nói Gia Cát Lượng năm lần bảy lượt xuất chinh còn chưa dành được thắng lợi đã qua đời, khiến anh hùng hậu thế tiếc thương vô hạn).

Lý do vì sao nhiều công ty trong xã hội ngày nay không thể tồn tại lâu dài không phải là vì họ không có người tài, mà là họ không biết dùng đúng người đúng việc. Các nhà quản lý của doanh nghiệp làm sao có thể khiến cấp dưới phát huy được điểm mạnh và tối đa hóa được lợi ích của nguồn nhân lực của doanh nghiệp? Đây là một môn học mà ai cũng cần phải học.

Bài học quý cho người dựng đại nghiệp: 4 triết lý quản trị tài nguyên nhân lực “trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người” của nhà Thục Hán - Ảnh 2.

Ngỗ hổ tướng lừng danh dưới thời Thục Hán

3. Bồi dưỡng đào tạo

Thục Quốc cuối cùng diệt vong nhanh nhất, một nguyên nhân lớn đó là bởi họ đã không làm tốt ở phương diện "bồi dưỡng đào tạo". Khách quan mà nói, sự tồn tại của Gia Cát Lượng đã hạn chế sự phát triển của các tài năng khác, ban lãnh đạo cũng không nghĩ đến việc tuyển dụng những tài năng phù hợp từ bên ngoài để lấp đầy lỗ hổng về nguồn nhân lực. Do đó, khi các cựu chiến binh cốt lõi hy sinh, Thục Hán đã rơi vào cục diện bi thảm "Thục Quốc vô đại tướng, Liêu Hóa đảm tiên phong" (Thục Hán không có lấy một đại tướng, phải để Liêu Hóa làm tướng tiên phong). Vì vậy, cùng với cái chết của Gia Cát Lượng, sự suy tàn nhanh chóng của của Thục Hán có lẽ cũng chỉ là chuyện sớm chiều. Người đời nên lấy đó làm cái gương.

Trong quản lý nguồn nhân lực doanh nghiệp ngày nay, chúng ta không được phép xem nhẹ việc đào tạo và bồi dưỡng nhân viên. Bồi dưỡng đào tạo không chỉ trực tiếp làm giàu kiến ​​thức cá nhân, nâng cao phẩm chất, tài năng cá nhân mà còn giúp phát hiện được tiềm năng phát triển của cá nhân, từ đó tìm ra được những người nổi bật trong quá trình đào tạo, tạo cơ hội cho họ thăng tiến và đảm nhận những công việc quan trọng sau này. 

Sự ổn định của đội ngũ quản lý và công việc bồi dưỡng nhân sự phải được cùng nhau thúc đẩy. Các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng mọi nhân viên đều có thể được dùng một cách hợp lý nhất, để đạt được sự cân bằng giữa con người và công việc, tránh bước vào vết xe đổ của Thục Hán vào những năm cuối.

Bài học quý cho người dựng đại nghiệp: 4 triết lý quản trị tài nguyên nhân lực “trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người” của nhà Thục Hán - Ảnh 3.

Triệu Vân - võ tướng luôn dốc lòng, dốc sức vì Thục Hán

4. Giữ người bằng cái tình

Trong Tam quốc, Lưu Bị có thể được coi là bậc thầy trong việc "dĩ tình lưu nhân" (giữ người bằng cái tình). Ai ai cũng biết rằng Lưu Bị biết khóc, và kỹ thuật khóc có thể nói là "dày công tôi luyện", thậm chí có thể nói rằng giang sơn của Lưu Bị đều là nhờ khóc mà ra. Triệu Vân gần như đã bị giết trong cuộc giải cứu A Đẩu ở trận Trường Bản, khi Triệu Vân trao đứa trẻ không một chút xây xước lại cho Lưu Bị, Lưu Bị ngay lập tức đã đặt đứa bé sang một bên rồi khóc và nói: "Vì cứu đứa nhỏ này mà tôi suýt mất đi một đại tướng!" Triệu Vân nghe xong xúc động vô cùng, ngay tại chỗ nói rằng vì Lưu Bị mà thịt nát xương tan cũng không nề hà.

Kết nghĩa vườn đào giúp Lưu Bị nhờ tình nghĩa mà giữ được Quan Vũ, ngay cả khi Tào Tháo dành rất nhiều "tình yêu" cho Quan Vũ, nhưng một người trọng tình nghĩa như Quan Vũ vẫn luôn "thân ở Tào doanh nhưng tâm tại Hán". Sau khi biết được tin tức về Lưu Bị, Quan Vũ đã bất chấp mọi khó khăn và trở ngại để trở về với Lưu Bị.

Trước khi qua đời, Lưu Bị ở Bạch Đế thành nói với Gia Cát Lượng: "Tiên sinh tài giỏi gấp 10 lần Tào Phi, nhất định có thể an bang định quốc, hoàn thành đại nghiệp của chúng ta. Nếu con trai ta có thể phò tá, mong tiên sinh hãy phò tá nó; còn nếu người con trai này của ta không đáng để trọng dụng, vậy thì mong tiên sinh hãy tự mình làm chủ." Những lời này của Lưu Bị khiến Gia Cát Lượng cảm nhận được cái tình cái nghĩa, cảm nhận được sự trân trọng mà Lưu Bị dành cho mình, vì vậy Gia Cát Lượng mới bày tỏ nhất định sẽ tận tâm tận lực vì Thục Hán, và bản thân Gia Cát Lượng cũng đã hết lòng vì Thục Hán cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Có một lãnh đạo tin tưởng và yêu thương cấp dưới như vậy, chẳng trách lại có những nhân viên hết lòng hy sinh cho lãnh đạo như vậy! Các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp ngày nay nên học hỏi triết lý quản lý "dĩ tình lưu nhân" này của Lưu Bị để có thể giữ chân được những tài năng hiếm có cho doanh nghiệp của mình. Nhiều công ty không dám chi quá nhiều tiền cho đào tạo và bồi dưỡng nhân viên, họ lo lắng rằng những đồng tiền họ bỏ ra cuối cùng lại thành biếu không cho người khác. Ngày nay, hiện tượng chảy máu chất xám xảy ra rất thường xuyên trong các doanh nghiệp, vì đâu? Chẳng phải một nguyên nhân to lớn đó là do các nhà quản lý không biết cách giữ người?

Bài học quý cho người dựng đại nghiệp: 4 triết lý quản trị tài nguyên nhân lực “trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người” của nhà Thục Hán - Ảnh 4.

Cho tới lúc chết, Gia Cát Lượng vẫn một lòng một dạ tận trung với Thục Hán

5. Lời kết

Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế xã hội ngày nay, tầm quan trọng của nhân tài càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thậm chí có thể nói rằng nhân tài là chìa khóa để xác định tương lai của một công ty. Vì vậy, vấn đề quản lý nguồn nhân lực luôn là vấn đề quan trọng nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Các doanh nghiệp ngày nay cần tuân thủ nguyên tắc "dĩ nhân vi bản", nghĩa là lấy con gười làm cái gốc, tôn trọng con người, dựa vào con người, phát triển con người và quản lý con người. Để làm tốt công tác quản lý nguồn nhân lực, doanh nghiệp phải rất coi trọng bốn nhiệm vụ tuyển chọn, dùng người, đào tạo và giữ chân nhân tài để liên tục phát triển nguồn nhân lực có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể đạt được sự quản lý hiệu quả và trở nên bất khả chiến bại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Trí thức trẻ