Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bài phát biểu đanh thép của Tùng Leo: Tiếp tay cho đồ lậu nói chung và sách lậu nói riêng là táng tận lương tâm

18/06/2019 19:48

Với nhận định ‘trên mạng xã hội cái gì nghiêm túc quá sẽ mau trôi đi và nó thích cái gì đó mạnh mẽ hơn – ác liệt hơn’, Tùng Leo đã có bài tuyên bố rất đanh thép trong việc phê phán sách lậu.

Tại thị trường showbiz miền Nam, Tùng Leo là một cái tên được rất nhiều bạn trẻ biết đến, không chỉ vì anh là một Biên tập viên và MC đa tài, mà anh còn là tác giả của nhiều đầu sách hợp với thị hiếu của họ, gồm: Những nụ hôm tạm biệt, Những con đường mang tên đừng có nhớ, Tìm nhau giữa Sài Gòn…

Ngoài ra, Tùng Leo cũng rất quan tâm đến các vấn đề xã hội và luôn nêu quan điểm của mình một cách mạnh mẽ chứ ít khi rón rén nhìn trước ngó sau vì sợ bị ném đá. Bởi, như anh nói trong sự kiện về sách giả - sách lậu do First News tổ chức sáng 18/6: "Những cái gì nghiêm túc quá, nếu đưa lên mạng xã hội sẽ mau bị trôi đi, bởi vì mạng xã hội thích cái gì đó mạnh mẽ hơn – ác liệt hơn, vậy tôi xin nêu những điều ác liệt nhất: tiếp tay cho đồ lậu nói chung và tiếp tay cho sách lậu nói riêng là táng tận lương tâm".

Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn một phần những quan điểm của Tùng Leo nêu ra trong sự kiện nói trên:

Tôi không dám nói ở khía cạnh quản lý vì tôi không thể thay mặt bộ phận quản lý được, nhưng với một con người bình thường, rõ ràng mục đích của nhiều người trong cuộc sống là làm sao bỏ ra số tiền ít nhất để đạt được sản phẩm mua về chất lượng nhất; vậy là một xã hội đầy đồ lậu là một xã hội rất phù hợp với những người như vậy.

Tôi kêu gọi ở đây là kêu gọi đạo đức của những người đang sống, không chỉ với sách, mà tôi nghĩ rằng, nếu đã nêu lên vấn đề với sách phải nhìn cả một bức tranh tổng thể lớn hơn về xã hội yêu đồ lậu như ở Việt Nam. Hàng ngày không ít người quen xài đồ lậu, ngay cả gọng kính họ cũng xài đồ lậu thì làm sao những người bán gọng kính có thể sống được, tương tự như với sách.

Chỉ có điều, táng tận lương tâm với những con người làm nghề khác, lĩnh vực khác đó là vấn đề nhỏ, nhưng táng tận lương tâm với những người làm tri thức là ở mức độ vô cùng cao. Như trong Facebook mà tôi viết và anh Nguyễn Văn Phước (Giám đốc NXB First News) có để ý: chúng ta có thể tặc lưỡi cho qua nhiều vấn đề, nhưng vấn đề liên quan đạo đức và văn hoá mà chúng ta cũng tặc lưỡi cho qua, tức chúng ta không xứng đáng là một con người sống trong xã hội hiện đại và tiến bộ nữa.

Điều của tôi nói ở trên có vẻ hơi kỳ lạ với một người trong môi trường giải trí, nhưng cho phép tôi chỉ nói ở khía cạnh là một người công dân. Pháp luật thì để các cơ quan có chức trách lo, nhà xuất bản tôi cũng không dám đụng vào, tôi chỉ kêu gọi tất cả những ai đang là công dân phải có trách nhiệm với cuộc sống, chúng ta phải chung tay với nhau nói không, trước mắt là với sách lậu.

Tôi không biết ở các mặt hàng khác thì có lậu không, nhưng với sách, nếu bị phát hiện là lậu rồi, tuyệt đối, xin bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta phải nêu lên mạng xã hội nếu có thể hoặc nhân rộng trong đơn vị của chúng ta nếu có thể. Chúng ta không chỉ không tiếp tay mà còn phải góp phần ngăn chặn sách lậu.

Nếu việc đầu tiên được nhân rộng ra thì pháp luật mới nghiêm minh; tôi nghĩ, pháp luật từ từ mới tới mà từ từ mới tới có lẽ xong đời những cuốn sách này rồi.

Và điều cuối cùng tôi muốn nói, tôi sợ rằng, những cái gì nghiêm túc quá, nếu đưa lên mạng xã hội sẽ mau bị trôi đi, bởi vì mạng xã hội thích cái gì đó mạnh mẽ hơn – ác liệt hơn, vậy xin nêu những điều ác liệt nhất: tiếp tay cho đồ lậu nói chung và tiếp tay cho sách lậu nói riêng là táng tận lương tâm.

Tôi nghĩ, những người ngồi ở bàn chủ tọa hôm nay, không phải đang cố gắng cứu rỗi một nhà xuất bản hay một cuốn sách, tác giả mà đang cố cứu rỗi mặt đạo đức đang dần đi xuống của một bộ phận người tiêu dùng.

Trí Thức Trẻ