WinEco

Bạn băn khoăn không dám nghỉ việc - bạn sợ đủ thứ mà tại sao lại không sợ nghèo?

11/09/2018 16:36

Lãnh đạo và cấp trên, họ đứng trong một ván cờ, họ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ bàn cờ chứ không chịu trách nhiệm với từng quân cờ. Họ đang tham gia một cuộc chiến, họ chỉ chịu trách nhiệm với toàn bộ cục diện của chiến sự chứ không chịu trách nhiệm với từng binh sĩ. Họ theo đuổi thắng lợi cuối cùng mà không bảo đảm lợi ích của mỗi người binh sĩ. Chỉ có bạn mới là người chịu 100% trách nhiệm với chính bản thân mình.


Lãnh đạo và cấp trên, họ đứng trong một ván cờ, họ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ bàn cờ chứ không chịu trách nhiệm với từng quân cờ. Họ đang tham gia một cuộc chiến, họ chỉ chịu trách nhiệm với toàn bộ cục diện của chiến sự chứ không chịu trách nhiệm với từng binh sĩ. Họ theo đuổi thắng lợi cuối cùng mà không bảo đảm lợi ích của mỗi người binh sĩ.
Chỉ có bạn mới là người chịu 100% trách nhiệm với chính bản thân mình.

- 01 -

Mới đây, Nam người bạn thân của tôi cuối cùng cũng đã xin nghỉ việc, tôi cảm thấy rất vui mừng.

Công ty của cậu ấy chuẩn bị đóng cửa, đã hai tháng nay cậu ấy chỉ nhận được ¼ thu nhập, nếu không phải vì như vậy thì có lẽ cậu ấy vẫn chưa quyết định nghỉ việc. Lý do là bởi công ty đó quá ổn định và nhàn hạ, đó là một công ty tồn tại nhờ sự chu cấp của nhà nước, làm ăn chưa bao giờ có lãi, cả ngày đi làm hầu như không có việc để làm, nhân viên ai nấy vất vưởng qua ngày, mỗi tháng lĩnh 5 triệu đồng tiền lương.

Suốt hơn hai năm qua, tôi đã khuyên cậu ấy nghỉ việc không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cậu ấy cũng nói không nên nóng vội, cứ làm xem sao. Trong suy nghĩ của cậu ấy, không phải làm gì, vất vưởng qua ngày mà vẫn có thu nhập ổn định, đúng là một công việc thoải mái nhất thế gian.

Nhưng đối với tôi, thì đây là một công việc tồi tệ nhất:

Đầu tiên, công ty chẳng có ai xuất chúng, cũng chẳng có đối thủ để cạnh tranh, tất nhiên chẳng có tiền đồ hay tiềm năng phát triển. 

Thứ hai, Nam là nhân viên lập trình, nếu cậu ấy không tham gia vào các dự án làm việc lớn, ngày nào cũng vất vưởng qua ngày thì làm sao có thể trưởng thành được? Và làm sao có thể đối mặt được với thời đại và tương lai?

Hơn nữa, từ góc độ cá nhân, với tư cách là một lập trình viên, lại sống giữa lòng thành phố, đi làm sắp được 3 năm mà lương vẫn chỉ ba cọc ba đồng, thử hỏi bạn không cảm thấy hổ thẹn với những kiến thức mà mình đã học sao.

Vậy mà Nam làm ngơ và thờ ơ như không, thậm chí năm ngoái cậu ấy còn vay tiền để mua nhà ở quê, bắt đầu những chuỗi ngày đi làm và trả nợ, mà chưa đưa ra kế hoạch đổi công việc. Mãi cho tới gần đây, khi công ty sắp phá sản, không có tiền trả lương cho nhân viên thì cậu ấy mới ngậm ngùi nghỉ việc, cảm giác hết sức bị động.

Còn nhớ, hơn hai năm trước, cậu ấy bắt đầu bước vào công ty, đã hơn hai năm đã trôi qua mà tiền lương và năng lực của cậu ấy không có bất cứ một sự tiến bộ hay thay đổi nào về bản chất.

Do vậy, dù cậu ấy nghỉ việc do nguyên nhân khách quan đưa đẩy với một tâm thái không cam tâm tình nguyện và rất bị động nhưng tôi vẫn vui. Bởi dù thế nào đi chăng nữa, điều này có nghĩa là cậu ấy đã bắt đầu thay đổi, phải thay đổi thì mới có được những cơ hội và khả năng khác tốt đẹp hơn và phù hợp hơn.

Hoa một người bạn học khác của tôi cũng đi làm ở thành phố giống như Nam, lúc mới đầu cô ấy chỉ là phục vụ viên trong khách sạn, lương tháng 4 triệu mà giờ thu nhập của cô ấy đã tăng lên gấp 10 lần.

Đặc điểm lớn nhất của cố ấy đó là không bao giờ yên phận trước hiện tại, cô ấy luôn tìm kiếm sự thay đổi, thay đổi chính mình đồng nghĩa với việc sẽ có những khả năng vô hạn. Do vậy, dù cô ấy có mức khởi điểm thấp nhưng luôn có chí thay đổi, không ngừng tìm kiếm cơ hội mới, không bỏ qua bất cứ một cơ hội khiến mình đổi đời nào cả.

Khi còn làm nhân viên phục vụ ở khách sạn, lúc rảnh rỗi Hoa thường tìm hiểu về truyền thông mới, tuy không giỏi viết lách nhưng Hoa lại có khả năng môi giới tài tình và khả năng bán hàng tốt.

Sau này, Hoa chuyển công tác sang làm kinh doanh cho một công ty truyền thông, khi mới bắt đầu rất khó khăn, nhưng nhờ tinh thần ham học hỏi và tính cách mạnh mẽ, chỉ sau nửa năm Hoa trở thành nhân viên kinh doanh lão luyện, khách hàng ngày càng nhiều, dần dần có bỏ ra làm riêng, vừa cuối năm ngoái đã thành lập công ty truyền thông của riêng mình.

Tình trạng hiện tại của cô ấy vô cùng lý tưởng: sở thích + sở trường + có thể kiếm được tiền + ngành nghề tốt.

Nhiều người nói rằng, cô ấy là người may mắn, nhưng tôi lại không cho là như vậy, bởi tôi hiểu rõ rằng, đằng sau sự may mắn đó, cô ấy phải bỏ ra rất nhiều thời gian, phải thay đổi rất nhiều và phải trải qua những công việc không phải là sở thích, sở trường và thậm chí là không kiếm được tiền. Cô ấy vừa duy trì được sự trưởng thành, tiến bộ và vừa tìm cơ hội thay đổi nên mới có được may mắn như ngày hôm nay.

Bạn băn khoăn không dám nghỉ việc - bạn sợ đủ thứ mà tại sao lại không sợ nghèo? - Ảnh 1.

- 02 -

Có những nguyên nhân nào khiến ai đó muốn nghỉ việc nhưng lại không dám nghỉ việc:

Rốt cuộc có nên thay đổi công việc hay không? Có nên nghỉ việc hay không?

Rất nhiều người không hài lòng với thực tại, thường gửi gắm hy vọng vào sự thay đổi, thay đổi một công việc mới, đổi một công ty mới hay tới một thành phố mới lạ.

Thế nhưng từ trước tới nay, thay đổi không bao giờ là dễ dàng cả. Tôi có một người bạn làm trong doanh nghiệp nhà nước, một tuần năm ngày, từ thứ hai tới thứ sáu ngày nào cũng muốn nghỉ việc, nhưng kết quả đã hơn một năm mà vẫn chưa thấy có sự thay đổi gì.

Còn những người ngang ngạnh, chưa tìm được việc mới đã một mực thôi việc, nói đi là đi, nói nghỉ là nghỉ, bề ngoài cũng chưa chắc đã phóng khoáng như vậy, có thể là do sau khi đã nén nhịn suốt hai, ba năm trời thì đây là lúc họ "phát nổ" dứt khoát ra đi.

Có rất nhiều rất nhiều nguyên nhân khiến ai đó muốn nghỉ việc nhưng lại không dám nghỉ:

1. Công việc trước mắt không tốt mà cũng không xấu, vẫn có thể chấp nhận được

2. Công việc trước mắt tương đối ổn định, có thể diện, đáp ứng đủ nhu cầu hư vinh của bản thân

3. An nhàn, hưởng thụ, không muốn rời khỏi vùng an toàn, không muốn bắt đầu lại từ con số 0 để đi tìm công việc mới

4. Không dám hoặc là sợ hãi tiếp nhận thử thách mới, không tự tin với chính bản thân mình

5. Lo sợ công việc tiếp theo sẽ không được tốt và kiếm được nhiều tiền như công việc hiện tại

6. Không nỡ vứt bỏ kinh nghiệm, mối quan hệ xã hội, nguồn tài nguyên mà mình đã tích lũy được ở công việc hiện tại

7. Không nỡ rời xa đồng nghiệp cũ, sợ hãi trước những mối quan hệ đồng nghiệp mới

8. Vẫn chưa tìm thấy công việc mà bản thân thực sự yêu thích nên nếu giờ đổi công việc khác, e rằng vẫn như vậy

Thực ra, lý do chờ đợi thêm, tích lũy thêm kinh nghiệm mà nhiều người thường nói đều đang là tự lừa chính mình. Bạn không hề đang tích lũy kinh nghiệm mà chỉ là đang vất vưởng qua ngày mà thôi. Sau ba năm, năm năm ngoài việc già đi ba, năm tuổi thì mọi thứ đều chẳng có gì thay đổi cả.

Bạn băn khoăn không dám nghỉ việc - bạn sợ đủ thứ mà tại sao lại không sợ nghèo? - Ảnh 2.

- 03 -

Đến bao giờ thì bạn có thể nghỉ việc?

Tôi viết bài viết này không phải là để khuyến khích các bạn nghỉ việc một cách mù quáng mà là tùy cơ ứng biến, hành động theo thế thời.

Thế nhưng nhiều lúc bạn lại không nên nghỉ việc:

Đừng nghỉ việc chỉ đơn thuần là vì mệt, tăng ca nhiều. Những ai đã từng nhiều lần nghỉ việc chắn hẳn sẽ phát hiện ra rằng, hầu như không có công việc nào nhẹ nhàng và tan ca đúng giờ cả. Những công việc dễ dàng đối phó, chắc chắn sẽ chẳng có được lợi lộc gì nhiều ngoài việc khiến bạn mai một khả năng và bản lĩnh của chính mình.

Cũng đừng nghỉ việc chỉ vì không thích cấp trên hoặc lãnh đạo. Nếu không, tới nơi khác bạn cũng sẽ phát hiện rằng bạn vẫn không ưa thích gì cấp trên hay lãnh đạo mới. Khi còn trẻ, gặp phải những người cấp trên hà khắc với bạn là điều may mắn, bởi trong chức trường chịu sự giày vò là chuyện sớm muộn, không bao giờ thiếu được. Đừng bao giờ nghĩ rằng cấp trên hay lãnh đạo là kẻ ngốc, họ luôn rất cừ ở những nơi mà bạn không thấy được.

Đừng nghỉ việc chỉ vì những ấm ức nhất thời. Chức trường là nơi chú trọng lợi ích. Lợi ích lâu dài mọi việc sẽ êm đềm và yên ắng, lợi ích ngắn ngủi dậy sóng sẽ là điều sớm muộn. Chịu ấm ức, chịu bất công là điều quá bình thường đối với người mới ở nơi làm việc.

Còn nhớ có một người anh đã nói với tôi rằng: "Kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu là chuyện hết sức bình thường, ai bảo cậu yếu để người ta bắt nạt". Nhẫn nhịn được những điều mà người khác không thể nhịn mới làm được những điều mà người khác không thể làm.

Nghỉ việc chỉ vì ấm ức là sự lựa chọn yếu đuối nhất trên đời. Bạn phải vượt qua họ, sự lớn mạnh của bạn sẽ là nỗi hổ thẹn nhất của họ, đó là cái tát vang nhất lên mặt họ.

Nếu như đổi công việc mới không thể giải quyết được vấn đề hiện tại của bạn, vậy thì đừng quyết định nghỉ việc mà hãy ngoan ngoãn tiếp tục làm việc. Dĩ nhiên cũng có một số những trường hợp mà bạn nên mạnh dạn rút lui và thay đổi:

- Bạn không thể nhanh chóng trưởng thành ở trong công ty và ở trên cương vị đó, thậm chí còn bị tụt lùi.

- Công ty của bạn nằm trong top cuối của ngành nghề và không có triển vọng vươn lên.

- Bạn biết rõ rằng những gì mà bạn đang làm hiện tại không thuộc sở trường của bạn thì dù bạn có cố gắng phấn đấu như thế nào trong vòng năm năm, mười năm thì bạn cũng không thể trở thành cao thủ được.

- Bạn tìm thấy công việc mà bạn yêu thích, thuộc sở trường của bạn, bạn muốn tìm những khả năng và cơ hội mới.

- Công việc của bạn thuộc loại công việc có tính thay thế cao, cần phải tìm cơ hội thay đổi quỹ đạo kịp thời.

- Bạn không có hứng làm việc, không tìm thấy niềm vui trong công việc hiện tại và dự kiến sau này sẽ rất khó có thể điều chỉnh tới nấc bậc mà bạn có thể tiếp nhận được.

- Bạn chưa gặp được người cấp trên phù hợp, đi theo những người lãnh đạo đúng vô cùng quan trọng, bạn phải có khả năng phán đoán và nhìn nhận tốt.

- Bạn chưa gặp được công ty phù hợp, cùng trong ngành nghề, cùng là những công ty xuất chúng nhưng môi trường làm việc, văn hoá, chế độ, giá trị quan khác nhau rất nhiều, tìm đúng môi trường phù hợp với bạn nếu không bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu.

- Bạn không kiếm được tiền, dự là bạn sẽ không có thu nhập, không kiếm được tiền trong một khoảng thời gian dài.

Mục cuối cùng rất quan trọng, có rất nhiều nhân tố tạo nên cảm giác hạnh phúc và sung sướng khi làm việc và thu nhập (tiền bạc) là một trong những nhân tố quan trọng nhất.

Tạm thời chưa có thu nhập trong thời gian ngắn, bạn có thể lấy lời khen của sếp, của lãnh đạo cùng với tình yêu của đồng nghiệp để an ủi, để làm động lực; Còn nếu dự là không có thu nhập trong thời gian dài liệu bạn còn có thể vui vẻ tiếp tục làm việc với tất cả tâm tình và nhiệt huyết được nữa hay không?

Câu trả lời dĩ nhiên là không. Mục đích đi làm của mỗi người có thể khác nhau, nhưng theo tôi nghĩ thì mọi người đều hướng tới một cái đích chung đó là "thu nhập", đi là không có thu nhập thì làm sao có đủ động lực để làm việc đây?

Nếu gặp phải những người cấp trên hay lãnh đạo luôn nhấn mạnh với bạn rằng: "Đừng quan tâm tới tiền, quan tâm nhiều tới sự trưởng  thành" thì hãy mạnh dạn rời xa họ, trưởng thành và tiền bạn đều phải quan tâm, đây là hai nhân tố vừa không mâu thuẫn lại vừa thúc đẩy lẫn nhau, không tin bạn có thể nhìn lại những người đồng nghiệp có thu nhập cao xem, có phải họ làm việc có hiệu quả và trưởng thành cũng nhanh không?

Tôi có một người bạn, làm trợ lý kinh doanh cho cả một bộ phận kinh doanh của công ty, rất nhiều việc nhưng lại toàn là những công việc vụn vặt.

Lãnh đạo và đồng nghiệp trong đơn vị rất thích cô ấy, thường xuyên được khen ngợi nhưng ngược lại cô ấy lại là người có mức lương thấp nhất. Ngày nào cũng được tuyên dương, khen ngợi nhưng lương thu nhập lại thấp nhất, liệu có ai có thể vui vẻ chấp nhận được điều này không?

Trước đó công ty vốn thương lượng với bạn tôi rằng, bạn tôi sẽ là ở vị trí trợ lý kinh doanh trước rồi sau đó sẽ chuyển sang vị trí kinh doanh, kết quả đã một năm rồi mà vẫn không thấy động tĩnh điều chuyển gì.

Tôi có khuyên cô ấy rằng: Cậu phải yêu cầu công ty nhanh chóng thay đổi vị trí công việc cho cậu? Không thể chỉ vì lý do tạm thời chưa tìm được trợ lý mới mà trì hoãn mãi được.

Bạn tôi luôn nghĩ rằng, có ấy có khả năng kinh doanh tốt, nếu làm vị trí kinh doanh ắt sẽ mang lại nhiều doanh thu cho công ty, lãnh đạo chắc chắn sẽ chuyển đổi vị trí làm việc cho cô ấy, nhưng chỉ vì chưa có ai thay thế vị trí trợ lý nên mới phải đợi.

Và rồi tôi lại phân tích cho cô ấy hiểu hơn:

Đúng, cậu có khả năng kinh doanh, vị trí kinh doanh cũng thiếu người, cậu làm kinh doanh mang lại nhiều doanh thu cho công ty, lãnh đạo dĩ nhiên là thích rồi, về lý mà nói việc cậu được điều chuyển tới vị trí kinh doanh là điều quá đương nhiên rồi.

Thế nhưng cậu đừng quên rằng, vị trí trợ lý kinh doanh, công việc tuy không khó nhưng lại đề cập tới rất nhiều vấn đề, tuyển người mới cũng phải mất một thời gian dài mới quen công việc được, hơn nữa vị trí công việc này lương lại tương đối thấp.

Vậy nên, việc tuyển một người kinh doanh có năng lực như cậu với một người trợ lý kinh doanh cái nào dễ hơn, cái nào càng có lợi hơn cho lãnh đạo?

Bạn tôi chợt bừng tỉnh: Tuyển nhân viên kinh doanh.

Đúng vậy, đây chính là lý do vì sao mà dù cậu có khả năng kinh doanh nhưng lãnh đạo lại không vội điều chuyển cậu tới vị trí kinh doanh.

Lãnh đạo và cấp trên, họ đứng trong một ván cờ, họ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ bàn cờ chứ không chịu trách nhiệm với từng quân cờ. Họ đang tham gia một cuộc chiến, họ chỉ chịu trách nhiệm với toàn bộ cục diện của chiến sự chứ không chịu trách nhiệm với từng binh sĩ. Họ theo đuổi thắng lợi cuối cùng mà không bảo đảm lợi ích của mỗi người binh sĩ.

Chỉ có bạn mới là người chịu 100% trách nhiệm với chính bản thân mình.

Bạn băn khoăn không dám nghỉ việc - bạn sợ đủ thứ mà tại sao lại không sợ nghèo? - Ảnh 3.

- 04 -

Lợi ích của việc thay đổi công việc đúng thời cơ là gì?

Đổi công việc = thay đổi, thay đổi = những khả năng vô hạn

Tôi có người bạn đang học tiến sỹ. Những lần đi ăn với nhau, chúng tôi hay nói về chủ đề công việc, cậu ấy thường khuyên tôi tìm công việc khác ổn định hơn, nói chuyện với tôi, cậu ấy thường nhắc tới hai từ "ổn định".

Tôi biết, cậu ấy muốn nghĩ tốt cho tôi, tôi rất cảm ơn nhưng lại không tán đồng. Tôi không thích "công việc ổn định".

Đây là thời đại gì rồi mà còn theo đuổi công việc ổn định? Tìm một công việc ổn định rồi cả đời cống hiến từ khi còn trẻ cho tới khi về hưu sao? Dù bạn muốn nhưng tôi nghĩ thời đại hiện nay đã không còn cho phép bạn làm như vậy nữa!

Xin hãy yên tâm rằng, trong thời đại này sẽ không có ai là không có cơm ăn cả.

Tôi chưa bao giờ theo đuổi một công việc ổn định, thậm chí còn cố ý lảng tránh nó, bởi ổn định có nghĩa là từ chối sự thay đổi ở trên một mức độ nhất định nào đó, từ chối sự thay đổi có nghĩa là bạn sẽ bỏ lỡ rất rất nhiều những cơ hội vốn sẽ thuộc về bạn.

Tôi luôn theo đuổi những công việc duy trì được tốc độ trưởng thành nhanh chóng cho bản thân. Rất nhiều người theo đuổi công việc ổn định thực ra là đang theo đuổi cảm giác an toàn. Thế nhưng tôi cho rằng, dù công việc ổn định khiến bạn có cảm giác an toàn nhưng cảm giác an toàn ấy chỉ là ảo giác và bạn không thể kiểm soát được. Cảm giác an toàn của tôi đến từ việc tôi luôn giữ được phong độ trưởng thành không ngừng nghỉ, đến từ việc không ai có thể thay thế được tôi.

Thay đổi chẳng qua là để mình không ngừng tiếp xúc với thế giới, để tìm thấy chính mình.

Đừng bao giờ hạn chế bản thân, cũng đừng dễ dàng phủ định chính mình, còn trẻ phải luôn giữ được sự tự tin. Có thể mỗi lần thay đổi bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và nguy hiểm, thế nhưng rủi ro càng lớn thì lợi ích thu lại cũng sẽ càng nhiều, cơ hội và khả năng phát triển cũng càng nhiều hơn.

Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều có xuất phát điểm tương đối thấp. Điều quan trọng nhất trong thời đại này là khả năng thay đổi, luôn hướng về phía trước không ngừng xông pha và thay đổi bạn sẽ phát hiện ra nhiều khả năng và cơ hội hơn.

Tìm những công việc thuộc sở trường, có giá trị mà bạn yêu thích không ngừng phấn đấu, không ngừng trưởng thành để tìm được chỗ đứng của mình trên thế giới này!


Ngọc Thủy

Theo Trí Thức Trẻ