Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bán bánh trung thu “tự làm” trên mạng internet có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng

10/09/2019 22:22

Những năm gần đây, trào lưu tự làm bánh Trung thu và rao bán tràn lan trên mạng xã hội, các website quảng cáo bán hàng online đã trở nên phổ biến với hàng trăm loại bánh, mẫu mã khác nhau. Trào lưu này cũng phát triển khá mạnh và nhanh tại Thanh Hóa. Tuy vậy, nếu không biết, không nắm rõ các quy định của pháp luật, có thể bị phạt số tiền lên đến 20 triệu đồng.

Bán bánh trung thu “tự làm” trên mạng internet có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồngBánh trung thu tự làm được rao bán khá phổ biến trên mạng xã hội. (Ảnh chụp từ internet)

Thanh Hóa là địa phương có thị trường bánh tung thu khá sôi động. Bên cạnh các cửa hàng bán bánh trung thu của các hãng sản xuất lớn trong nước như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica… trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, tiệm bánh ngọt, các hộ làm bánh gia truyền có tiếng. Bởi vậy, thị trường bánh trung thu năm nào cũng diễn ra khá sôi động, điều này cũng tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa bánh trung thu truyền thống, gia truyền và bánh trung thu của các hãng sản xuất lớn.

Sự cạnh tranh đó ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi có sự tham gia của các loại mặt hàng bánh trung thu tự làm, hay còn gọi là bánh trung thu “handmade”. Với sự phát triển rất mạnh của mạng xã hội, nhất là facebook, trào lưu tự sản xuất bánh trung thu tại gia, sau đó tận dụng tối đa kênh thông tin của mạng xã hội như facebook làm nơi để quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm bánh trung thu “thủ công truyền thống” này đã trở nên quen thuộc và ngày càng phổ biến.

Chỉ cần một chút khéo tay, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chế biến, đầu tư khuôn, lò nướng, nguyên liệu, bao bì… là có thể tự làm bánh trung thu ngay tại nhà. Từ những chiếc bánh làm cho gia đình, nhiều người đã nảy ra ý định kinh doanh, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình lên mạng xã hội với những hình ảnh bắt mắt, lời khẳng định bánh trung thu bảo đảm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Chị Nguyễn Thị H (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) cho biết: Năm ngoái, tôi có bán thử nghiệm hơn chục cái bánh Trung thu do tôi tự làm đã nhận được những lời khen, sự tín nhiệm của khách hàng là anh em, bạn bè, nên đến Tết Trung thu năm nay, tôi mở rộng quy mô sản xuất tại nhà, quyết định đầu tư, buôn bán bánh Trung thu. Tôi đã tận dung mạng xã hội facebook là kênh quảng cáo các loại bánh trung thu, nhận tất cả các đơn đặt hàng, đáp ứng đủ các loại hương vị bánh mà khách hàng đặt mua, ship tận nơi phục vụ các thượng đế.

Ví dụ trên đây chỉ là 1 trong số hàng trăm trường hợp hiện đang tự sản xuất bánh trung thu và rao bán rộng rãi trên mạng xã hội hiện nay. Các loại bánh này khá được ưa chuộng trên thị trường, một phần vì giá rẻ và bao bì được cá nhân hóa, một phần vì tâm lý người tiêu dùng muốn mua hàng chỗ quen biết. Mặt khác, nhiều người dân cũng lo sợ trước tình trạng bánh trung thu có chất bảo quản, bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ đội lốt bánh trung thu truyền thống nên chọn mua bánh trung thu gia truyền, bánh trung thu handmade ở chỗ quen biết cho yên tâm. Nhiều cá nhân đã khá thành công trong vài năm qua với mô hình làm ăn khá hot này.

Tuy vậy, có một thực tế đó là các cá nhân sản xuất, buôn bán bánh trung thu tự làm này trên mạng xã hội đều có thể “vô tình” vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán. Việc kiểm định về chất lượng và xác định nguồn gốc của sản phẩm rất khó kiểm soát, nhất là yếu tố về nhãn mác, công bố chất lượng theo đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các trường hợp rao bán các loại bánh trung thu tự làm chưa nắm bắt hết các quy định liên quan của pháp luật do đó có thể đã “vô tình” chưa đáp ứng đủ các yêu cầu, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của mình.

Theo quy định tại Điều 3, Nghị định 38/2012/NĐ-CP, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn đã có quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; Nếu chưa có thì phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố trước khi đưa ra thị trường. Việc ghi nhãn hiệu của hàng hóa phải gồm các nội dung theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT bao gồm các yếu tố: Tên sản phẩm; Thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm; Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản, sử dụng; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, xuất xứ; Số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm…

Chiếu theo các quy định trên, các sản phẩm bánh trung thu tự làm nếu không có nhãn mác, không được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì chỉ nên để ăn hoặc biếu tặng bạn bè, người thân còn khi muốn bán cho người khác thì bắt buộc phải đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và có nhãn hàng hóa theo quy định. Hơn nữa, việc rao bán các sản phẩm bánh trung thu trên mạng mà không thực hiện đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng và nhãn hàng hóa theo quy định có thể bị xử phạt theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng.

Để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, buôn bán bánh trung thu tự làm trên mạng hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về các quy định liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tranh tình trạng biết hoặc “biết không hết’ mà vô tình vi phạm. Các đơn vị trung gian thương mại điện tử như mạng xã hội, các website thương mại điện tử cũng cần có những quy định bắt buộc người bán hàng thực hiện công bố công khai các văn bằng liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hàng hóa,… theo đúng quy định của pháp luật thì mới cho phép bán hàng. Đối với các cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các loại bánh trung thu tự làm cũng cần tự nâng cao ý thức cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về quy chuẩn, chất lượng hàng hóa thì mới đảm bảo có thể phát triển bền vững, tránh tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật và bị xử phạt. Quan trọng nhất đó là các sản phẩm phải thực sự bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không vì lợi nhuận mà đưa bánh trung thu kém chất lượng, không bảo đảm tới tay người tiêu dùng.

Theo Thanh hóa.