Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bán bún, bán phở cũng sẽ phải kê khai, nộp thuế như doanh nghiệp?

28/08/2018 10:47

Dân trí Tại dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất hộ kinh doanh nhỏ áp dụng thuế khoán trong khi hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ nộp thuế theo phương pháp kê khai giống với các doanh nghiệp hiện nay.
 >> Mua hoá đơn từ doanh nghiệp “ma” để gian lận hoàn thuế?
 >> Dân kinh doanh Facebook bị cảnh cáo "gặp phiền hà" nếu né kê khai thuế

Tại dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất hộ kinh doanh nhỏ áp dụng thuế khoán trong khi hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ nộp thuế theo phương pháp kê khai giống với các doanh nghiệp hiện nay.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tại buổi làm việc về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, trình Quốc hội vào Kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, trong khi các hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện được chế độ kế toán thì việc ấn định thuế, khoán thuế vẫn cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Luật làm rõ tiêu chí xác định các hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ áp dụng thuế khoán để phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc quy mô nhỏ thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai theo chế độ quy định, sẽ thúc đẩy các hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc xác định đúng doanh thu của các hộ khoán là một vấn đề, vì có nhiều hộ kinh doanh được khoán số thuế thấp hơn so với doanh thu. Do đó để quản lý được mức thuế của hộ kinh doanh thì cần phải gắn mã code cho các máy bán hàng, hóa đơn của các hộ kinh doanh, mỗi đơn hàng bán ra đều phải có mã code, khi đó mới có thể phản ánh đúng doanh thu của các hộ khoán này.

Bên cạnh đó, bà Cúc cho rằng, vai trò của ngân hàng thương mại trong vấn đề kiểm soát thuế là rất quan trọng.

“Có thể phát sinh trường hợp các doanh nghiệp cấu kết với nhau để mua hóa đơn, chuyển tiền qua ngân hàng theo quy định, sau đó, họ có thể rút tiền ra theo tỷ lệ phần trăm ăn chia như đã thống nhất giữa các doanh nghiệp, khi đó, cơ quan thuế không thể kiểm soát được việc mua bán hóa đơn giữa các doanh nghiệp. Do đó cần có sự kết nối thông tin trong thanh toán luồng tiền, luồng hàng giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại”, bà Cúc cho biết.

Đồng tình với quan điểm của bà Cúc, ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại trong giao dịch thương mại điện tử nhằm đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

"Kinh doanh qua mạng nếu không phải nộp thuế sẽ có lợi thế hơn về giá cả nên sẽ hấp dẫn hơn so với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có nộp thuế", ông Hưng nói.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại các chính sách quản lý hoá đơn trong thuế VAT (doanh nghiệp tự in hoá đơn) khi có tình trạng doanh nghiệp không xuất hoá đơn, mua hoá đơn từ doanh nghiệp “ma” để gian lận hoàn thuế và gian lận khấu trừ thuế VAT, đồng thời việc bỏ bản kê hoá đơn mua hàng tạo ra kẽ hở trong quản lý hoá đơn và tình trạng trốn lậu thuế.

“Việc sửa đổi Luật phải hướng đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, nhưng cũng phải chặt chẽ, chống thất thu ngân sách nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phương Dung

Theo Dân Trí