Có lý do khiến cho những cuốn sách dạy thành công, dạy làm giàu được gọi là "bán chạy nhất" chứ không phải "viết hay nhất". Đó là những giá trị mà người đọc nhận được.
Nếu bạn từng thử tìm kiếm “cuốn sách tài chính cá nhân hay nhất” trên Google, chắc chắn sẽ bắt gặp cái tên “Cha già, Cha nghèo” ở ngay đầu trang tìm kiếm. Được viết bởi Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter, cuốn sách đã bán được hơn 32 triệu bản bằng 40 ngôn ngữ trên 40 quốc gia, kể từ khi nó được ra mắt lần đầu vào năm 2002.
Cuốn sách là câu chuyện của chính tác giả Robert Kiyosaki và hai người cha của ông, một cha ruột và một cha nuôi. Theo cuốn sách, “cha nghèo” chính là người cha đẻ của Kiyosaki, một giáo sư đại học có trình độ học vấn cao. Trong khi đó, người “cha giàu” là cha của người bạn thân nhất của Kiyosaki, một doanh nhân giàu có, người sở hữu hàng tá doanh nghiệp. Việc lớn lên cùng hai người cha đặc biệt này đã giúp ông định hình được quan điểm tài chính rất rõ ràng, mặc cho những lời khuyên từ hai người cha đều luôn trái ngược.
Trong khi "cha nghèo" cho rằng “sự đam mê tiền bạc là nguồn gốc của những điều xấu xa” và không quan tâm đến tiền, thì người "cha giàu" lại nghĩ rằng “thiếu hụt tiền bạc mới là nguồn gốc của những điều xấu” và cho rằng tiền chính là quyền lực.
"Cha nghèo" khuyên tác giả hãy tích lũy sự giàu có từ một công việc ổn định, sau khi trả thuế và các hóa đơn đúng hạn thì người "cha giàu" lại khuyên tác giả hãy kiếm lấy một công việc mà anh ta thích và học những kỹ năng để trở thành một doanh nhân, dù liều lĩnh.
Ngay từ khi vừa được xuất bản, cuốn sách đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Nhưng hầu như ai cũng đồng ý rằng cuốn sách đã đem đến những quan điểm rất mới mẻ về tiền bạc, tài chính. Dưới đây là 5 bài học được điển hình, được nhắc đến nhiều nhất trong cuốn sách, tuy nhiên không phải ai cũng thấm:
Cùng là số tiền đó, nhưng người giàu biết chi cho các tài sản có thể giúp thu lại tiền về túi như trái phiếu để bán lại hoặc nhà để cho thuê. Trong khi đó, người nghèo lại thích những thứ có giá trị nhất thời nhưng sẽ tuột giá về sau như một chiếc xe hơi đắt tiền. Phân biệt được hai thứ này thì bạn sẽ có cách tiêu tiền thông minh hơn.
2. Những hiểu biết về tài chính chỉ có thể học được thông qua kinh nghiệm thực tế
Trong khi người "cha nghèo" với nền tảng giáo dục tốt khuyên Robert “học tập chăm chỉ và đạt điểm cao là cách duy nhất đảm bảo có được một công việc tốt lại một công ty lớn với những lợi ích tuyệt vời”.
Trong khi đó, quan điểm của người "cha giàu" là học cách điều khiển tiền để nó làm việc cho mình quan trọng hơn tất cả. Muốn trở thành một người đầu tư thông minh, bạn phải thành thạo nhiều lĩnh vực như kế toán, đầu tư, thị trường và cả pháp luật. Mà muốn thế, thì bạn buộc phải thử nhiều, làm nhiều và va chạm nhiều.
3. Học cách bán hàng
Trong cuốn sách, Kiyosaki từng đề cập đến một người phụ nữ đã hỏi ông làm thế nào để cô ấy cũng có thể trở thành một tác giả bán chạy nhất (best-selling author). Ông đã chỉ cô tham gia vào một khóa đào tạo bán hàng, điều khiến nữ nhà văn ngạc nhiên và tưởng ông nói đùa.
Nhưng Kiyosaki đã giải thích rằng: Có lý do khiến cho những cuốn sách thành công này được gọi là "bán chạy nhất" chứ không phải "viết hay nhất". Bán hàng là một kỹ năng quan trọng mà bạn nhất định phải biết nếu muốn trở nên giàu có. Bạn cần học thêm, ra khỏi vùng an toàn và thực hành kỹ năng bán hàng để hiểu thêm người mua thực sự cần gì.
4. Sợ hãi và nghi ngờ bản thân là rào cản lớn nhất để đến với thành công
Sự khác biệt chính giữa người giàu và người nghèo là cách họ quản lý nỗi sợ hãi. "Người cha nghèo" luôn cố giữ an toàn và tránh khỏi mọi rủi ro. Nhưng quan điểm của "người cha giàu" là: Trong thực tế, người vượt lên, giàu có không phải người thông minh, mà là kẻ dám liều lĩnh.
5. Luôn suy nghĩ về các cơ hội
"Người cha giàu" luôn cấm tác giả nói rằng “Tôi không đủ khả năng” mà thay vào đó phải là “Tôi cần làm gì để mua được món hàng này?”. Nếu câu đầu tiên khiến mọi mong muốn bị dập tắt trong phút chốc thì câu nói sau đó sẽ khiến chính bạn cảm thấy háo hức, hứng thú và buộc não bộ phải tìm kiếm câu trả lời.
Kiyosaki biết rằng, lý do chính khiến phần lớn người nghèo và những người thuộc tầng lớp trung lưu luôn bảo thủ với suy nghĩ "tôi không đủ khả năng chấp nhận rủi ro" là vì họ không có nền tảng tài chính vững vàng. Nhưng điều đó vô tình trở thành một vòng tuần hoàn khiến họ mãi nghèo.