Thời gian qua, việc khách hàng mua ôtô phải chấp nhận lắp thêm phụ kiện hoặc trả thêm phụ phí để nhận xe sớm gây ra không ít bức xúc. Chiêu bán xe nói trên từng xảy ra ở một số dòng xe như Toyota Fortuner, Ford Explorer, Honda CR-V,... Hay gần nhất, Toyota Rush vừa tiếp tục làm nổi bật 'đặc sản' của xe Toyota tại thị trường Việt: 'Bia kèm lạc'.
Anh Hùng (công tác tại TP.HCM) dự định mua chiếc Toyota Rush vừa ra mắt thị trường Việt vào cuối tháng 9/2018, giá niêm yết là 668 triệu đồng. Tuy nhiên, khi liên hệ đại lý tại Hà Nội, anh được đề nghị muốn nhận xe nhanh phải mua gói phụ kiện lên tới 60 triệu đồng.
Thấy rằng những phụ kiện trên chưa thực sự cần thiết, giá phụ kiện đắt, anh đã tạm dừng việc mua xe, xem xét chuyển hướng lựa chọn.
Thực tế, Toyota Rush được công bố mức khá 'mềm', chỉ 668 triệu đồng. Nhưng giờ đây, để sở hữu chiếc xe này, khách hàng phải bỏ ra từ vài chục triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng mua phụ kiện đi kèm, đẩy giá lăn bánh xe lên tới trên dưới 800 triệu đồng. Cùng với Rush, mẫu xe giá rẻ Toyota Wigo vừa ra mắt cũng bị phản ánh bán xe "kèm phụ kiện".
Nhiều phụ kiện không chính hãng Toyota được với giá trên trời - Ảnh: Thuongia.
Và không chỉ Toyota, hiện người tiêu dùng, các trang mạng, báo chí đang liên tục phản ánh tình trạng hàng loạt đại lý, ở nhiều thương hiệu xe sử dụng chiêu bán xe "bia kèm lạc".
Tiêu biểu như Ford Explorer 2018, khách hàng muốn nhận xe sớm phải "đính kèm" thêm gói phụ kiện trị giá 270-300 triệu đồng. Như vậy, giá bán xe 2,193 tỷ đồng như giá niêm yết, đã bị đẩy lên từ 2,463 - 2,493 tỷ đồng, nếu khách muốn có sớm.
Cũng của Ford, chiếc Everest phiên bản nâng cấp có giá niêm yết dao động từ 1,112 - 1,399 tỷ đồng. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải chi thêm 100 triệu đồng, 120 triệu đồng và 150 triệu đồng, tương ứng với 3 phiên bản Trend, Titanium 4x2 và Titanium 4WD để nhận xe sớm, hoặc phải chờ đến cuối năm.
Quá nổi tiếng với các sản phẩm xe máy bị "thổi giá" khi về các đại lý, ô tô của hãng Honda cũng bị phản ánh việc bán xe kiểu "bia kèm lạc". Tiêu biểu là mẫu xe Honda CRV, đại lý đề nghị lắp thêm các gói phụ kiện 60 - 70 triệu đồng nếu muốn có xe sớm. Nếu không, khách hàng có thể phải chờ tới 2019 mới có xe giao.
Thậm chí, hãng xe với không ít mẫu khá "ế ẩm" là Mitsubishi cũng xuất hiện "đề xuất mua phụ kiến" từ 30-40 triệu đồng với sản phẩm mới Mitsubishi Xpander, nếu khách muốn có xe sớm…
Chiếc xe 7 chỗ giá thấp Mitsubishi Xpander cũng bị "làm giá".
Việc các đại lý đề nghị khách hàng chi thêm tiền, không ít ý kiến cho rằng, đó là quy luật cung - cầu. Khi nguồn cung thấp, trong khi nhu cầu cao, không chỉ ô tô mà nhiều hàng hóa khác cũng sẽ tăng giá. Khách hàng muốn mua xe giá tốt hãy đợi đến khi xe nguồn cung dồi dào (tránh mua dịp cuối năm - PV).
Tuy nhiên, cũng có khách hàng phản ứng, rằng việc các hãng xe quảng cáo xe với giá thấp, tới đại lý thì người tiêu dùng phải bỏ ra chi phí nhiều hơn là dấu hiệu lừa dối, không sòng phẳng. Thậm chí, khi đại lý không có giải pháp tăng nguồn cung, khách hàng vẫn phải "xếp hàng" trước số lượng xe cơ bản là không đổi, việc đề nghị khách mua phụ kiện để nhận xe sớm (bằng cách tìm xe khách hàng trả cọc hoặc có thể có xe sẵn - PV) bị phản ánh là thiếu đạo đức kinh doanh.
Đáng chú ý, điều khiến không ít người tiêu dùng bức xúc, ngoài việc phải mua những thứ không hẳn cần thiết, còn là việc giá phụ kiện cao hơn rất nhiều so với những sản phẩm cùng loại phổ biến và dễ kiếm như: Phim cách nhiệt cao cấp, lót sàn, camera hành trình, phủ gầm, vè che mưa,…
Tất nhiên, đã có hãng xe cho biết họ không thể can thiệp vào giá bán của đại lý mà chỉ đưa ra giá đề xuất, bởi quan hệ hãng và đại lý là độc lập.
Còn người tiêu dùng, họ chỉ biết kêu gào, thậm chí bất lực gọi kiểu bán hàng trên là "gian thương", "lưu manh", dù họ ở vị trí "thượng đế".
Kiên Giang
Theo Công Luận