Tại phiên tòa xét xử cuộc hôn nhân nghìn tỉ đồng giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông đã khẳng định chắc nịch, 500-700 tỉ đồng đầu tư vào xe cộ vẫn còn nguyên đó, là tài sản không mất đi đâu hết.
Ông Vũ vốn có sở thích đầu tư siêu xe và hiện ông đang sở hữu hơn 40 siêu xe độc nhất vô nhị tại Việt Nam, như Bugatti, Ferrari, Lamborghini, Rolls-Royce, Range Rover, Aston Martin, Bentley,...
Tuy nhiên, đầu tư vào xe, vốn được các chuyên gia kinh tế xem là tiêu sản, vì chiếc xe chỉ cần rời cửa hàng bán đã mất 20-30% giá trị, và sau một năm lăn bánh có thể mất gần 50% giá trị.
Với tính chiết khấu cao, nên chiếc xe khó xem là tài sản đầu tư tốt. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Vũ: "Xe cộ mua vẫn còn đó, vẫn còn 500 tỉ, 700 tỉ, 1.000 tỉ đồng, vẫn còn tài sản ở đó hết, không mất đi đâu".
Điều này nằm ở việc, ông dùng siêu xe để thực hiện mục đích khác, đó là quảng bá thương hiệu cà phê Trung Nguyên, mà xa hơn nữa cổ vũ cho việc khởi nghiệp của giới trẻ mà ông đã thực hiện nhiều năm qua.
"Doanh thu doanh nghiệp vào khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng, nếu bỏ ra 10% để làm marketing thì khoảng 500-600 tỉ đồng, nếu phân bổ ra làm truyền thông, quảng cáo xây dựng thương hiệu thì mỗi thứ cũng vài trăm tỉ đồng. Qua bảo thôi mua xe đi, mình đi dạy người ta làm giàu mà mình không giàu thì nói ai nghe. Phải thể hiện ra ngoài", ông Vũ nói trong cuộc chia sẻ với báo chí vào năm ngoái.
Riêng lần này tại tòa, ông nói rằng: "Xe cộ vẫn còn đó phải không, đâu có thay đổi gì. Cái đó là sự thông minh, trí tuệ. Chứ không phải làm chiết khấu hết, sự kiện hết là thôi, là biến mất".
Như vậy, có thể hiểu, ông Vũ dùng siêu xe để phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải đơn thuần khoe mẽ, nên giá trị siêu xe vẫn còn nguyên.
Hiểu rộng ra, ông Vũ nhấn mạnh: "Một người có tầm sẽ hiểu kinh tế bản chất là kinh bang tế thế. Mình phụng sự cộng đồng bằng trách nhiệm, bằng trái tim của mình thì cộng đồng mới có cảm tình gián tiếp một chút để mua dịch vụ, sản phẩm của mình. Chứ không phải mình khuyến mãi, thúc đẩy trước mắt hết đợt này đến đợt khác, không phải như vậy".
"Những chương trình như vậy đòi hỏi mình phải liên thông qua nhiều kiến thức. Nó gián tiếp nhưng nó bền, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn hàng đầu về cà phê trên thế giới vào Việt Nam. Cái đó cần có nền tảng", ông Vũ nói.
Theo PLO