Bóng đá Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để lần đầu tiên có thể bước vào vòng cuối tranh suất tham dự World cup. Tôi nghĩ, ai cũng ước rằng rồi cơ hội ấy sẽ thành hiện thực. Còn ông, đã bao giờ ông nghĩ ông muốn ước điều gì chưa?
Chưa! Bây giờ tôi nghĩ vẫn còn sớm quá để mà nói chuyện ước. Với cả, tôi rảnh khi nào đâu mà ước. Mà nói thật, tôi không quan tâm đến chuyện đó bởi vì, tôi cứ thích cái gì thì tôi sẽ làm cái đó bằng được. Thất bại thì tôi tính làm kiểu khác cho đến thành công mới thôi.
Nhưng mà để thành công không đơn giản đâu, quá trình làm có lúc thắng có lúc thua. Đương nhiên, không có chuyện ai đó bách chiến bách thắng. Nói vậy là nói khoác. Nên dù gì thì gì, việc của mình vẫn là phải lao vào làm. Mình lao vào việc một cách say mê thì gọi là đam mê thôi. Hay nôm na còn gọi là yêu nghề.
Nó có giống với chuyện ông làm bóng đá không?
Chuyện bóng đá cũng vậy. Tôi làm vì rất thích bóng đá. Nhưng có cái cục tức này mình nhịn mãi không nổi. Tức là trước đây, Việt Nam mình cứ gặp Thái là sợ. Cầu thủ rồi huấn luyện viên gặp Thái Lan thằng nào cũng lo sợ hết. Gặp nó là mình thua. Chu! Nghĩ sao mà bực bội trong con người. Khó chịu hết được.
Từ đó, tôi quyết đầu tư, muốn làm cho thật bài bản. Sở dĩ mà hồi 2006 tôi bắt tay với Arsenal làm học viện bóng đá cũng chỉ vì bóng đá Thái Lan. Tôi nói, bây giờ mình không sợ Thái và đá chiếu trên ở Châu Á là nhờ từ chỗ bực quá nên tôi quyết phải làm tới nơi tới chốn, làm cho kỳ được mới chịu. Đó là vì tinh thần dân tộc.
Tôi muốn đào tạo được 1 lớp người mới chơi bóng đá đẹp thiệt đẹp. Mà muốn đào tạo thì phải xây dựng trường lớp, cơ sở sân bãi, hệ thống nội dung giảng dạy… đầy đủ hết. Tôi đầu tư tất cả từ đội lớn đội nhỏ, từ đào tạo, đến thi đấu… cỡ 70 tỷ mỗi năm.
Cái mà tôi thu về được người ta có bỏ 700 trăm tỷ cũng không có! Lớp đầu như Phượng, Toàn, Trường, Tuấn Anh…, tụi nó đến bây giờ là mỹ mãn. Chưa bao giờ có một thái độ gì gọi là hỗn láo, nói nôm na dân giã là mất dạy từ trên sân cỏ đến sinh hoạt cá nhân.
Ông đã làm bóng đá kỹ như thế nào để được những lứa cầu thủ mà ông gọi là mỹ mãn?
12 năm rồi từ hồi tôi đón bọn trẻ về học viện, chưa hề có đứa nào có biểu hiện làm mình phải lo lắng hay phiền lòng.
Tại sao tụi nó không hư được? Vì có muốn hư cũng khó lắm. Mình quản còn chặt hơn cả ở nhà bố mẹ quản con nữa, không thể hư nổi. Chúng nó sống trong một môi trường, nhìn bạn bè, nhìn thầy cô nhìn người lớn mà học làm người rồi mới học đá banh.
Ngay như sống trong học viện, lễ phép được đặt lên hàng đầu, nhìn thấy người lớn là chào chú, chào bác, chào anh, chào chị… đàng hoàng. Phụ huynh khi vào đây thấy con mình ăn ở, học hành, vui chơi, được chăm sóc là họ yên tâm hết sức.
Đặc biệt ở đây, tụi nhỏ được học cái mà chúng rất thích. Khác hoàn toàn với cách giáo dục bên ngoài cứ nhồi nhét bắt trẻ con học những thứ đâu đâu khó thấy bà. Tụi trẻ nó nản, nó đâm ra thích quậy. Chứ cho nó học cái nó thích xem. Hỗ trợ nó bứt phá trong thể thao, rồi khi cơ thể nó khỏe mạnh, vui sướng, nó sẽ đủ sức để học văn hóa. Cái cây có lớn, to khỏe rồi mới ra hoa, kết trái ngon lành được.
Khi tụi nhỏ tập trung ở đây được giáo dục những gì? Sáng đến trường trên thành phố học kiến thức phổ thông, chiều về học bóng đá, tối học Anh văn. Cỡ 15 - 16 tuổi đã nói tiếng Anh lưu loát hết rồi. Thằng nào cũng phải nói tiếng Anh hết, nó là bắt buộc. Ba mẹ đẻ con ra có làm được như vậy không? Cho nên công lao cũng không phải dễ dàng đâu.
Tụi đó hết năm học này là tốt nghiệp đại học hết. Như vậy có thể khẳng định một điều, HAGL JMG là một trong những lò đào tạo mà tất cả các cầu thủ đều tốt nghiệp đại học bằng chính quy đàng hoàng luôn. Đó là quy định rồi, đi đá banh vẫn cứ học. Tụi nó sẽ phải học từ xa để thi lấy chứng chỉ.
Trong số khóa 1, Tuấn Anh học giỏi nhất, văn hoá giỏi, tiếng Anh giỏi, đá banh cũng giỏi. Mà tính nó lại hiền hòa, lại hay bị đau quá. Tôi thương nó nhất. Toàn cũng vui tính. Cu cậu này có nhiều tương lai, nhưng mà gì thì gì, Toàn vẫn là số 2, Phượng là số 1.
Mà 1 hay 2 gì thì vẫn phải lễ nghĩa và kỷ luật. Cho nên bây giờ tụi nó không bao giờ sống hay thi đấu mà có những hành vi tiêu cực. Là vì tụi nó được dạy nghĩ rất đẹp rồi, nên bạn thấy thái độ ra sân không? Không đứa nào cố tình chơi xấu rồi xoạc bậy. Rất fair play, rất hiểu rõ phép tắc của 1 cầu thủ. Cầu thủ HAGL chưa từng làm tôi buồn lòng. Các cầu thủ ngày xưa tệ lắm, chưa đá đã đòi tiền. Bây giờ thì không có đâu. Nói chung các cậu này tôi đều yêu quý hết.
Tôi có cảm giác như người cha đang nhắc về những đứa con mà mình chăm bẵm bao năm?
Nuôi chúng như nuôi bầy con bao nhiêu năm rồi, bây giờ dần trưởng thành thì mình mừng và sướng chứ. Bạn cũng nuôi con bạn biết đấy, mỗi năm con mình một lớn, một khác là mình vui lắm.
Nhớ hồi 2008 tập trung khóa đầu tiên, hồi tụi nó mới 12 tuổi, đêm nhớ nhà cả đám khóc như ri. Nó khóc thâu đêm cả tháng luôn. Đi dỗ tụi nó thôi cũng mệt. Mệt muốn chết. Bây giờ thành người lớn hết rồi. Có khả năng đi xa hết rồi, thằng đi châu Âu, thằng đi Hàn Quốc, rồi Thái Lan,…
Bước chân vào học viện, tôi thấy ông cười rất nhiều, thư thái hẳn. Đây là nơi khiến ông hạnh phúc?
Nói chung, riêng bóng đá là phải thích, không thích không làm được. Thí dụ là bạn, nếu bạn mà không yêu mến nó, liệu bạn có thể bỏ một cục tiền ra như thế để trả lương cho ông huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia? Cá nhân tôi quyết định trả lương cho ổng nếu mà không vì tôi yêu quý thì không bao giờ tôi làm. Nuôi dưỡng cái gì cũng phải do mình thích đã.
Còn tất nhiên, có những người không thích vẫn làm được. Nhưng mà một thời gian ngắn thôi là người ta hàng. Như phong trào đầu tư đội bóng đó, sau khi hết cao trào người ta hàng liền. /.
Theo Thanh An - Thiết kế: Đỗ Lin
Nhịp sống kinh tế