Bầu Thắng, bầu Đức và ông bầu Trần Thanh Hải (thứ 3, 4 và 5 từ trái qua) chia vui sau lúc Anh Đức mở tỉ số trong trận chung kết. Ảnh: QUỐC VÕ
Vì công việc kinh doanh, bầu Đức không đến sân Mỹ Đình dự khán trận chung kết giữa tuyển VN và Malaysia.
Bận bịu với việc kinh doanh nhưng bầu Đức luôn thầm lặng theo dõi đội tuyển VN từ xa, giống như cái cách mà ông kêu gọi một số doanh nhân ít nhiều tham gia vào bóng đá VN lâu nay, như ông Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm), Trần Thanh Hải (NutiFood), từng tài trợ cho nhiều giải bóng đá trong và ngoài nước)… quây quần cùng nhau xem trận chung kết tại Đà Nẵng vào tối 15-12.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với bầu Đức khi trận đấu khép lại:
Cảm giác của ông khi đội trưởng Văn Quyết nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018?
Không thể tả được niềm vui với khoảnh khắc đó. Nhưng niềm vui của tôi không khác với hàng triệu người hâm mộ trên đất nước này. Niềm vui chiến thắng thì ai cũng như ai thôi nếu đã và đang dành trọn tình yêu cho bóng đá VN.
Nhiều người nói thẳng rằng- không có bầu Đức thì HLV Park Hang Seo không đến và đưa bóng đá VN nổi đình nổi đám như hôm nay?
Tôi không nghĩ vậy, ai muốn nói gì hay nhận định thế nào là quyền của họ. Còn tôi thì luôn xem mình là người đưa đò thầm lặng. Làm được gì cho bóng đá nước nhà, tôi không bao giờ từ chối.
Có chút chạnh lòng nào đó với ông khi đội hình xuất phát của tuyển VN tối 15-12 vắng bóng quá nhiều cầu thủ xuất thân từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG?
Không có gì là chạnh lòng cả. Nói thẳng thế này, nếu cầu thủ của tôi xuất hiện nhiều, liệu họ có làm cho VN chiến thắng để đoạt cúp vàng AFF năm nay. Cầu thủ có giỏi đến mấy thì cũng phải phụ thuộc cách dùng người của HLV trưởng. Chiến thắng là của đất nước chứ có riêng gì cho đội bóng phố núi của tôi.
Là người đi tiên phong trong việc xây dựng bóng đá trẻ một cách bài bản, ông có nghĩ rằng cách làm của mình là chất xúc tác giúp nhiều CLB, địa phương khác trên cả nước chú tâm vào công việc này?
Tôi chi muốn nói rằng- tương lai của một nền bóng đá tùy thuộc vào thế hệ tài năng trẻ. Nếu có nhiều nơi chăm chút cho bóng đá trẻ như chúng tôi, Hà Nội, Nghệ An, PVF, Nghệ An, Bình Dương…thì chúng ta không bao giờ phải âu lo về lực lượng kế thừa cho V-League hay đội tuyển quốc gia.
Nói cách nào đó, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG là cú hích thật sự với công tác đào tạo trẻ cả nước. Đó là điều mà tôi tự hào nhất. Và tôi chỉ muốn mình là người đưa đò thầm lặng qua việc cống hiến hết sức mình cho bóng đá nước nhà.
Hơn mười năm trước khi thành lập Học viện bóng đá đầu tiên trên cả nước, ông từng nói mục đích của việc thành lập là cầu thủ trưởng thành từ Học viện sẽ là nòng cốt cho đội tuyển quốc gia mai sau chứ không phục vụ cho mục tiêu vô địch V-League. Nhiều người không đồng ý với quan điểm này, còn ông thì sao?
Hoàng Anh Gia Lai đã có đầy đủ bộ sưu tập thành tích ơ V-League, vậy là quá đủ. Tôi nghĩ vậy, cho nên quyết định dồn hết sức để hỗ trợ cho đội tuyển quốc gia.
Sự kỳ vọng về lứa cầu thủ Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh…đoạt HCV SEA Games đã không thành. Tiếc thật! Nhưng các em cùng nhiều đồng đội của các trung tâm đào tạo trẻ khác cùng góp sức mang về chiếc cúp vô địch Đông Nam Á còn quý giá hơn.
Sau lưng thế hệ vàng vô địch Đông Nam Á 2018 vẫn còn đó nhiều tài năng đủ sức lấy HCV SEA Games vào năm tới ở Philippines. Tôi tin chắc là vậy thông qua sự lèo lái của HLV Park Hang Seo…
*Cảm ơn ông
Sĩ Huyên/Tuổi trẻ