Bầu Hiển đang toan tính gì với hệ sinh thái T&T Group?

06/03/2018 12:16

Tập đoàn T&T của bầu Hiển đang ngày càng hé lộ rõ hơn tham vọng xây dựng hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau, với các mũi nhọn đã và đang có thể nhận thấy như tài chính, bất động sản, nông nghiệp hay cơ cở hạ tầng...
>>>Thua lỗ nặng nề, Vinafood II còn gì hấp dẫn bầu Hiển?

Thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước - một mũi tên trúng nhiều đích?

Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển vừa để ngỏ khả năng mua 125 triệu cổ phần của Vinafood 2 (tương đương 25% vốn cổ phần) trong đợt IPO sẽ diễn ra ngày 14/3 sắp tới. T&T Group chính là cổ đông chiến lược duy nhất được chọn.

Với giá khởi điểm 10.100 đồng/cp, Tập đoàn T&T sẽ phải chi ra tối thiểu 1.200 tỷ đồng. Nếu thành công, đây sẽ được đánh giá là một thương vụ tham vọng trong lĩnh vực nông nghiệp của bầu Hiển

Thực tế, việc thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước làm nông nghiệp chính là phong cách đầu tư mà công ty của bầu Hiển trong vài năm trở lại đây. Giai đoạn 2015 – 2016, Công ty “vung tiền” mua lại một loại doanh nghiệp Nhà nước như 98% CTCP Cảng Quảng Ninh với giá 490 tỷ đồng; hay trở thành cổ đông chiến lược tại Bệnh viện Giao thông vận tải (chi 119 tỷ đồng), Bia Việt Hà, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor – gần 1.420 tỷ đồng) và Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco – 430 tỷ đồng). T&T cũng mua 50% Công ty xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội) – đơn vị thành viên của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), một công ty kinh doanh nông sản (cà phê, chè, sắn…). Gần đây nhất, T&T hợp tác với các đối tác đến từ Israel thành lập thương hiệu nông sản an toàn công nghệ cao mang tên T.Vita...

Câu hỏi đặt ra là bầu Hiển có đang thực sự chơi lớn ở lĩnh vực nông nghiệp? Tuy nhiên đối với một tập đoàn kinh doanh đa ngành như T&T, việc bỏ hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư có lẽ không chỉ đơn thuần với một mục đích.

Bổ sung xây dựng hệ sinh thái T&T

Với những Tập đoàn lớn, người ta thường nói đến hệ sinh thái họ xây dựng. Đơn cử như hệ sinh thái Vingroup mới đây được Forbes chính thức công nhận, ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú đa ngành thay vì bất động sản trước đó.

Các đại gia luôn cố gắng xây dựng chuỗi kinh doanh với nhiều lĩnh vực có thể hỗ trợ nhau. Hiện diện tên tuổi trên nhiều mảng khiến người ta cảm nhận được đó là thương hiệu mạnh, nhưng cũng chính là con dao hai lưỡi khi nguồn lực doanh nghiệp bị phân tán quá nhiều.

Tập đoàn T&T đang hoạt động trong 9 lĩnh vực chủ đạo, gồm Đầu tư tài chính; Kinh doanh bất động sản; Hạ tầng giao thông; Thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản; Kinh doanh nông sản; Thương mại xuất nhập khẩu; Đầu tư kinh doanh cảng biển – Logistics; Công nghiệp sản xuất, lắp ráp; Y tế giáo dục.

Hệ sinh thái kinh doanh của Tập đoàn T&T

Giữa tháng 1 vừa qua, Qmart - một thương hiệu mới của Tập đoàn T&T khai trương 4 siêu thị tại Hà Nội. Đại diện Qmart cho biết, thương hiệu ra đời với mục tiêu giúp các sản phẩm Việt Nam đứng vững trên thị thường nội địa. Công ty con của Tập đoàn - T&T Consumer sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống chuỗi siêu thị thương hiệu Qmart, dự kiến sẽ có mặt trên toàn quốc.

Kinh doanh bất động sản - "Đất vàng" từ hệ thống các công ty con

Quay trở lại câu chuyện thâu tóm hàng loạt công ty Nhà nước giai đoạn 2015 – 2016, nhiều người cho rằng bầu Hiển nhắm đến quỹ đất khổng lồ mà các doanh nghiệp này nắm giữ. Đặc điểm chung các công ty T&T thâu tóm là đều nắm giữ các “lô đất vàng” trong khi hoạt động kinh doanh chính không mấy hiệu quả.

Một số dự án mà các công ty có liên quan của T&T Group nắm giữ

Trước đó, bầu Hiển đã bén duyên kinh doanh bất động sản từ năm 2009, bằng những thương vụ hợp tác đầu tư như 584 Lilama SHB, Công ty Best &T, Công ty T&T – MCK.

Phục vụ cho kế hoạch kinh doanh của mình, bầu Hiển lập ra T&T Land, công ty với nhiều dự án TTTM khắp ba miền… Đơn cử như mua lại và nắm giữ nhiều khu đất vàng tại Hà Nội như tòa văn phòng số 45 Lý Thường Kiệt, tòa văn phòng 23 Láng Hạ, khu tổ hợp 273 Tây Sơn, chung cư 120 Định Công, khu nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Xuân Khanh hay tòa nhà căn hộ T&T Riverside tại 440 Vĩnh Hưng.

Phía Nam, T&T lấn sân với các dự án như 446 – 448 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, khu đô thị phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm, khu căn hộ cao cấp Long Hậu trên diện tích đất 300 ha hay dự án đất nền Long Hậu tại tỉnh Long An. Miền Trung có Dự án khách sạn T&T – Đà Nẵng, KĐT Điện Bàn có diện tích 400 ha ở Quảng Nam, dự án 152 ha ở Tân Dân Thanh Hoá...

Đầu năm 2017, T&T Group còn được Hà Nội giao xây dựng bãi đỗ xe ngầm và quản lý, sử dụng, đầu tư sửa chữa, vận hành sân vận động Hàng Đẫy.

Ngân hàng SHB - Nền tảng tài chính vững chắc cho hệ sinh thái

Năm 2006, bầu Hiển lấn sân lĩnh vực tài chính ngân hàng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB), lúc đó được xem như cứu cánh của bầu Hiển trong cơn khủng hoảng. Tuy nhiên thời gian đã chứng minh hiệu quả, SHB sau đó cùng với T&T tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính bao gồm CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS), Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn (SHF) và Công ty Bảo hiểm SHB – Vinacomin (SVIC).

Ngân hàng SHB chính là bệ đỡ tài chính cho các công ty trong hệ sinh thái T&T

Từ một ngân hàng vốn chỉ 500 tỷ đồng, nay SHB nằm trong top 5 ngân hàng TCMP tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tính đến 31/12/2017,SHB này đạt vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản 278.000 tỷ đồng. Mạng lưới gần 500 điểm giao dịch ở Việt Nam, Lào và Campuchia; và phục vụ khoảng 4 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Năm 2017, SHB đạt doanh thu 18.356 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.550 tỷ đồng.

Những tham vọng còn bỏ ngỏ...

Tập đoàn T&T từng có thời điểm công bố thông tin kết hợp với "chúa đảo" Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển triển khai dự án “The Long Chau” được công ty T&H Hạ Long phát triển hồi năm 2008. Dự án là tổ hợp hoàn chỉnh bao gồm khu biệt thự, sân golf 18 lỗ, bên du thuyền, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại quốc, khu vui chơi giải trí và căn hộ cao cấp diện tích 300 ha tại đảo Tuần Châu. Tổng mức đầu tư án 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến năm 2011 đảo Tuần Châu được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch, không còn thấy dấu vết của hình ảnh con rồng như trong công bố thông tin của T&T. Đồng thời cũng kể từ đó, người ta không còn thấy Tập đoàn T&T đăng tải bất cứ thông tin nào về dự án Long Châu nữa.

Phối cảnh dự án The Long Chau của theo như báo cáo của T&T Group
Quy hoạch dự án đảo Tuần Châu được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2011

Hay việc cuối năm 2017, bầu Hiển cũng được đồn đoán là sẽ thâu tóm dự án Sunrise Bay tại Đà Nẵng. Dự án được quy hoạch trên diện tích 235 ha, năm 2008 được giao cho Công ty TNHH Deawon Cantavil làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện.

Khu đô thị lấn biển này khi đó được nhà đầu tư Hàn Quốc này khởi công xây dựng và kỳ vọng làm thay đổi diện mạo thành phố, với khu phức hợp khách sạn, văn phòng 60 tầng, sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị, các trung tâm thương mại, villa cao cấp và chung cư với quy mô 8.500 căn hộ… Cho đến nay, dự án vẫn chưa ghi nhận bất kỳ động thái chính thức nào từ phía T&T.

Lĩnh vực hạ tầng giao thông T&T cũng không bỏ qua. Cùng với Vingroup, hai doanh nghiệp này đăng ký xin triển khai dự án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Theo đó, Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư tuyến số 4 đoạn Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà dài 54 km theo hình thức hợp đồng BT.

Bóng đá và lĩnh vực kinh doanh khác

Sẽ là thiếu sót nếu như nhắc đến Tập đoàn T&T của bầu Hiển mà không nhắc đến thể thao, đặc biệt là bóng đá. Ông Hiển được đồn đoán là đang đứng sau tới 5 đội bóng đang chơi tại V-league gồm Hà Nội T&T (nay đổi tên thành CLB bóng đá Hà Nội), SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, Sài Gòn, Than Quảng Ninh.

Hai cái tên giàu truyền thống nhất là CLB bóng đá Hà Nội và SHB Đà Nẵng, CLB mới nổi khác QNK Quảng Nam chính là đương kim vô địch V-league 2017.

Năm 2006, Tập đoàn T&T chính thức trở thành nhà tài trợ lớn cho CLB bóng đá Hà Nội T&T (đây cũng là cái tên chính thức duy nhất, đại diện cho thương hiệu T&T). Trong các năm 2006, 2007, 2008, CLB đã liên tục thăng 3 hạng, góp mặt vào giải đấu uy tín V-league. Bên cạnh đó, thành quả đến với CLB Hà Nội và bầu Hiển chính là vô địch V-League hai năm 2010 và 2013.

Người yêu bóng đá chắc chắn sẽ không bao giờ quên chức vô địch AFF Cup năm 2008 với lứa cầu thủ Công Vinh, Hồng Sơn; hay mới đây là chiến công của U23 Việt Nam của lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy...

Lứa cầu thủ tài năng của CLB bóng đá Hà Nội

Khởi nghiệp với lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và sau đó là cơ khí, công nghiệp với sản xuất linh kiện và động cơ xe máy. Có lúc thăng hoa có khi khủng hoảng, xong bầu Hiển vẫn giữ nhưng mảng kinh doanh đó cho đến thời điểm hiện tại.

T&T hiện vẫn còn nhà máy sản xuất động cơ, phụ tùng xe gắn máy công suất 400.000 xe/năm trên diện tích 80.000 m2 tại Hưng Yên, tổng vốn đầu tư ban đầu 21,5 triệu USD. Một công ty liên doanh với Baoercheng chuyên sản xuất các loạt ống nhựa công nghiệp cỡ lớn. Một công ty liên doanh sản xuất, lắp ráp các loại xe mô tô ba bánh và sau này là phát triển các loại xe thay thế xe công nông truyền thống. Các sản phẩm điện tử điện lạnh mang nhãn hiệu Kamikaze…

Một công ty khai thác và chế biến khoáng sản tại Hà Giang vốn 20 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư dự án mangan, sắt, titan tại Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh hay thậm chí đã ký hợp đồng với đối tác Campuchia về đầu tư thăm dò, khảo sát, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản của Công ty tại Campuchia (diện tích hơn 47 km2)...

Bạch Mộc

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Bạn đang đọc bài viết "Bầu Hiển đang toan tính gì với hệ sinh thái T&T Group?" tại chuyên mục Doanh nhân.