Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Bầu Hiển' và khát vọng 'gieo hạt, trồng cây' cho bóng đá Việt

06/08/2018 09:59

Sau cú sút của Đoàn Văn Hậu, màn hình tivi đã lưu lại ở hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng 'bầu Hiển' nhao người lên vỡ òa. Lặng lẽ tạo ra những lứa 'cầu thủ vàng' cho tuyển quốc gia song song với cả núi việc kinh doanh, ít người biết rằng ông Hiển ngủ rất ít.

Sau cú sút của Đoàn Văn Hậu, màn hình tivi đã lưu lại ở hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng 'bầu Hiển' nhao người lên vỡ òa. Lặng lẽ tạo ra những lứa 'cầu thủ vàng' cho tuyển quốc gia song song với cả núi việc kinh doanh, ít người biết rằng ông Hiển ngủ rất ít.

Bầu Hiển, "ông bố" của các lứa cầu thủ vàng Việt Nam.

Doanh nhân đầu tư cho bóng đá thì nhiều và họ ứng xử với bóng đá cũng khác nhau về lựa chọn con đường cũng như cách biểu đạt, có người ồn ào, có người âm thầm toan tính.

Với “Bầu Hiển” (ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, Tập đoàn T&T) lại lặng lẽ và là người có khả năng tiết chế đến khủng khiếp.

Gieo từng hạt, trồng từng cây

Thật khó đong đếm "Bầu Hiển" yêu bóng đá cỡ nào. Cứ xem cái cách ông chăm chút và luôn gọi những Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải… (đội bóng T&T) là “các con”, hay việc ông và cộng sự đi khắp các tỉnh phía Bắc gom từng “con” khi mới 10, 11 tuổi về “lò” là đủ biết.

Lũ trẻ ở cái tuổi chỉ biết ăn và nô đùa nhưng khi về sống trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp của T&T hoàn toàn khác hẳn. Giờ ăn, ngủ, tập đâu ra đấy.

Cứ vậy, ông gieo từng hạt, từng cây và đến khi có thành quả, hiếm khi ông tung hô quá đà. Đặc biệt, khi “các con” đang đá hoặc sắp vào trận, không bao giờ có chuyện hứa thưởng.

Những nơi chốn ồn ào như hội thảo, hội nghị hay thậm chí là “ông nọ”, “bà kia” trong giới bóng đá, ông cũng kín cả “hình” lẫn “tiếng”.

Với truyền thông, ông ít khi phàn nàn hoặc bảo “phải làm thế này”, “phải làm thế kia” dù trong một môi trường bóng đá mà nếu để tâm thì bực mình nhiều hơn vui vẻ.

Có vẻ "Bầu Hiển" với bóng đá, đó là một mối quan hệ không cần và không dễ giải thích.

Năm 2011, đội bóng T&T bị một ông bầu khác dùng tài chính nẫng mất một cầu thủ đang sáng giá. Nếu là người khác, có lẽ là khó tránh một trận “hổ, báo” và/hoặc sau đó là “thi đấu tài chính” để lôi kéo cầu thủ. Nhưng, ông Hiển đã không làm vậy.

Đó là thời điểm để ông thấm thía triết lý: với bóng đá không chỉ có duyên mà còn là ứng xử chuyên nghiệp - chiến lược đầu tư bài bản mà ông theo đuổi từ trước. Bởi, nếu cứ dùng tài chính để câu ngôi sao thì cũng được thôi nhưng họ có thể đến và đi bất cứ lúc nào. Khủng hoảng nhân lực là điều không một ông bầu nào muốn.

Ngược lại, gieo từng hạt, ươm từng mầm cây thì bền hơn; không những cho mình mà còn cho cả môi trường bóng đá của quốc gia. Hơn thế, “lò T&T” cũng giáo dục các cầu thủ ngoài sự ứng xử chuyên nghiệp thì còn cả “nết ăn, nết ở”.

Bởi vậy, những ngôi sao của ông vang danh khắp đấu trường châu Á như Quang Hải, Văn Hậu và nhiều cầu thủ khác nhưng trên truyền thông, chưa bao giờ nghe thấy “õng ẹo” nay đi mai ở hay so bì vật chất.

Đoàn Văn Hậu, một người "con" của Bầu Hiển đang chứng tỏ sự trưởng thành ở các đội tuyển cấp quốc gia. Ảnh: Zing.vn

“Cặp bài trùng” và múi giờ bị lệch

Trong giới ngân hàng, quan hệ giữa chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc trong hơn 10 năm qua không ít chuyện để kể.

Cái đáng kể đầu tiên là sự bền chặt/không bền chặt. Ví như lấy mốc thời gian nói trên, một ngân hàng cổ phần được người trong giới “xếp hạng” đứng đầu hệ thống về thay đổi chức danh tổng giám đốc. Chủ ngân hàng này còn kinh doanh thêm và thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, cơ khí và giấy ăn.

Bình quân khoảng 2 năm, ngân hàng này có một tổng giám đốc. Một trong số tổng giám đốc nói trên trước khi rời cương vị, nói với VietnamFinance: “Chưa có ngân hàng nào thay đổi nhiều tổng giám đốc như ngân hàng bọn tôi”.

Dĩ nhiên, chuyện thay/không thay tổng giám đốc với ông chủ, với ngân hàng là hết sức bình thường, bởi có vô vàn cách giải thích, dù giải thích cách nào thì cũng phải cho lọt tai.

Ngược lại, cũng trong hơn 10 năm đó, SHB lại là ngân hàng chưa bao giờ thay tổng giám đốc và đây là trường hợp duy nhất trong hệ thống.

Nhưng, điều đáng nói là múi giờ kỳ lạ của “cặp đôi hoàn hảo” này. Cả hai đến ngân hàng không cùng giờ nhưng họ thường ăn trưa lúc khoảng 2 giờ chiều và ăn tối lúc sớm thì 12 giờ đêm. Như "Bầu Hiển" thì thường ăn tối lúc 2 giờ sáng là chuyện bình thường. Ông kể “Mẹ tớ bảo: con làm để sống hay làm để chết vậy?”.

Tuy nhiên, hầu như các buổi họp ở ngân hàng hay ở T&T hoặc họp ở Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội mà ông là chủ tịch, "Bầu Hiển" hiếm khi đổi lịch.

Mỗi ngày được ngủ 5 tiếng đồng hồ là xa xỉ với hai con người này; thay vào đó, phổ biến là 3,5 – 4 giờ đồng hồ/ngày.

Các khối nghiệp vụ của SHB và T&T quá quen với việc họp với “hai sếp” trước 11 giờ đêm. Nếu không đi công tác xa, phòng làm việc "Bầu Hiển" thường sáng đèn tới 1 – 2 giờ sáng.

Một điều lạ, rất nhiều cộng sự đến xếp hàng làm việc, kết quả lúc nào cũng rất vui vẻ vì dù bận nhưng "Bầu Hiển" vẫn dành đủ thời gian làm việc thật chi tiết từng việc; giải đáp, chỉ đạo thỏa đáng từng trường hợp. Dường như, không một ai “lăn tăn” rằng không đủ thời gian trao đổi ngọn ngành công việc với sếp.

Tối qua, cả sân vận động Mỹ Đình được dịp "nổi sóng" khi Đoàn Văn Hậu ghi một siêu phẩm vào lưới Olympic Oman, sớm đưa Olympic Việt Nam đoạt cúp Tứ Hùng. Chiến tích này cũng gợi nhớ lại sự kiện Olympic Việt Nam đã về nhì ở Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2018, trên sân Thường Châu (Trung Quốc) hồi đầu năm.

Những đứa con của "Bầu Hiển" mang hạnh phúc và vinh quang về nhưng ít thấy ông trong đó.

Nguyễn Hoài

Theo VietnamFinance